Máy bay phản lực 88 chỗ ngồi, đã bị hoãn ra mắt từ lâu, vừa xuất hiện trên thị trường khá đúng thời điểm.
Mitsubishi Regional Jet (MRJ) - Ảnh: Bloomberg. |
Tập đoàn công nghiệp khổng lồ Nhật Bản Mitsubishi đang lên kế hoạch đưa ra thị trường hàng không thế giới dòng phi cơ chở khách nội địa lần đầu tiên kể từ những năm 1960 ngay trong năm tới.
Dòng máy bay phản lực Mitsubishi có thể chở 88 hành khách, bay 3.200km mới cần tiếp nhiên liệu đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm thành công từ tháng 11/2015. Tập đoàn Mitsubishi cũng dự định thực hiện bàn giao đợt đầu tiên mẫu phi cơ MRJ từ giữa năm 2020.
Trước đó, tập đoàn sản xuất máy bay Mitsubishi lên kế hoạch đưa ra thị trường dòng máy bay phản lực MRJ từ năm 2008. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc sản xuất, hãng sản xuất phi cơ chở khách của Nhật đã phải trì hoãn kế hoạch này đến lần thứ 5. Theo báo cáo của Mitsubishi, cũng vì lý do chậm trễ bàn giao máy bay cho khách hàng, đơn đặt hàng cho dòng phi cơ MRJ từ các hãng hàng không Nhật Bản và Mỹ hiện chỉ đạt 407 chiếc, giảm so với hợp đồng đựat mua ban đầu là 474 máy bay.
Máy bay mới của Mitsubishi Heavy Industries đang bay thử giữa lúc nhiều hãng đối thủ chuyển sang hoạt động sản xuất máy bay lên đến 160 chỗ ngồi. Đơn cử, Boeing sắp mua 80% hoạt động thương mại của hãng Embraer trong liên doanh, trong khi Bombardier bán quyền kiểm soát dự án C Series của mình vào năm ngoái cho Airbus.
Mitsubishi Heavy là nhà cung ứng linh kiện từ lâu cho Boeing. Công ty phát triển MRJ để vươn lên từ chiếc bóng của khách hàng. Sau khi chi 2 tỉ USD trong hơn 10 năm, doanh nghiệp hiện tìm cách để máy bay “cây nhà lá vườn” được chứng nhận và bắt đầu được giao hàng cho đối tác ANA Holdings.
Ban đầu, Mitsubishi lên kế hoạch bay thử nghiệm vào năm 2012 song trễ hẹn vì khó khăn trong sản xuất. Giờ đây, doanh nghiệp vốn làm cả tàu, nhà máy điện hạt nhân và linh kiện hàng không vũ trụ dự kiến sẽ có tàu bay sẵn sàng cho hành khách vào năm sau. Chủ tịch Mitsubishi Aircraft, ông Hisakazu Mizutani, cho biết năm 2020 sẽ cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp.
Sho Fukuhara, nhà phân tích tại hãng Jefferies, cho rằng Mitsubishi Heavy không nên trễ hẹn mẫu 407 MRJ thêm nữa.
“Trong dài hạn, họ có thể có cơ hội song ngay lúc này, họ phải giao chiếc máy bay đầu tiên. Những khách hàng tiềm năng đang quan sát khả năng làm đúng tiến độ của hãng”. Dự kiến, Mitsubishi Heavy sẽ bơm thêm nhiều tiền nữa cho đơn vị sản xuất máy bay trong tháng 10 sắp tới.
Máy bay MRJ, được thiết kế phục vụ vận tải hàng không nội địa, được dự báo có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của các dòng máy bay tương tự như Bombardier của Canada, loại phi cơ được giới thiệu tại thị trường toàn cầu với tên gọi Airbus A220, sau khi được tập đoàn sản xuất máy bay Pháp mua lại.
Các nhà phân tích cho rằng dòng phi cơ phản lực Nhật Bản cũng có thể cạnh tranh với loại máy bay chở khách Embraer của Brazil.
Comac C919 - Ảnh: Bloomberg. |
Cùng với MRJ, các loại máy bay mới gồm Sukhoi Superjet-100 của Nga và Comac ARJ21 của Trung Quốc, hiện đang thực hiện các chuyến bay thử nghiệm, có thể trở thành những “đối thủ tiềm năng” trên thị trường hàng không của tập đoàn Airbus và Boeing.
Korea Aerospace Industries thì đang nghiên cứu có nên phát triển tàu bay chở được 100 hành khách hay không.
“Thị trường hàng không châu Á được dự kiến phát triển hơn nữa trong những năm tới. Sẽ có nhu cầu dành cho tàu bay này. Sự thay đổi trong phân khúc hàng không khu vực mà chúng ta thấy trong năm qua có thể mở ra nhiều cơ hội”, chuyên gia Lee Dong-heon thuộc Daishin Securities nhận định.
Để cạnh tranh, Mitsubishi Heavy không thể chỉ dựa vào thị trường nội địa. Khách hàng tiềm năng lớn nhất của họ có thể nằm ở Mỹ, nơi các hãng bay đang nỗ lực cắt giảm chi phí bằng cách thuê ngoài chuyến bay chặng ngắn cho các hãng hàng không nhỏ hơn trong khu vực. Trans States Airlines, công ty khai thác các chuyến bay cho United Airlines dưới cái tên United Express, đã đặt hàng 50 máy bay, có thể sẽ đặt thêm 50 chiếc nữa.
Minh Minh(T/h)