Hành trình đầu tiên của chiếc máy bay lớn nhất thế giới là vượt qua sa mạc Mojave trong chiều 13/4, tức sáng 14/4 (giờ Việt Nam).
[presscloud]9114[/presscloud]
Ngắm chiếc máy bay lớn nhất thế giới trên không trung. Nguồn: Reuters
Sau nhiều năm phát triển ở sa mạc phía bắc Los Angeles, Mỹ, lần đầu tiên chiếc máy bay lớn nhất thế giới, có 6 động cơ với sải cánh bằng một sân bóng đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Chiếc máy bay "khủng" có tên gọi là Roc, do công ty Stratolaunch Systems Corp của cố lãnh đạo Microsoft Paul Allen phát triển, nhằm đưa các tên lửa lên tầng bình lưu. Đây là một mẫu máy bay thân đôi khổng lồ, màu trắng, rộng 117 mét và sở hữu lớp vỏ bằng hợp kim các-bon.
Từ đầu đến đuôi, siêu máy bay dài 72,5 m, nặng gần 227 tấn, có hai buồng lái, mỗi buồng ở một bên thân máy bay nhưng chỉ có một buồng lái được sử dụng để điều khiển.
Để tiết kiệm tiền cho việc thiết kế động cơ mới và thiết bị hạ cánh, máy bay phản lực này được cung cấp 6 động cơ Pratt & Whitney, vốn được thiết kế ban đầu cho máy bay Boeing 747.
Chiếc máy bay khổng lồ cất cánh trong lần bay thử ở sa mạc Mojave, bang California. - Ảnh: Reuters |
Reuters cho biết, Roc đã có chuyến bay "chào sân" thành công hôm 13/4. Máy bay cất cánh từ một đường băng ở sa mạc Mohave ở bang California, Mỹ lúc gần 7h sáng theo giờ địa phương (21h tối theo giờ Việt Nam). Máy bay đã di chuyển liên tục gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ tới độ cao 5.000 mét và đạt tốc độ tối đa lên tới 304 km/h.
Hàng chục nhiếp ảnh gia, blogger viết về công nghiệp và những người đam mê hàng không vũ trụ đã tập trung tại địa điểm bay thử nghiệm trong tuần này để chiêm ngưỡng chiếc máy bay thân đôi độc nhất.
Giám đốc điều hành của Stratolaunch khẳng định chuyến bay này sẽ là khởi đầu của một cách thức mới tiện lợi hơn để phóng các vệ tinh thay thế cho các hệ thống phóng từ mặt đất.
Hãng tin CNBC dẫn lời các chuyên gia cho hay, do cất cánh từ mặt đất là phần tiêu tốn nhiên liệu nhất của một vụ phóng tên lửa, nên ý tưởng sử dụng máy bay khổng lồ đưa tên lửa lên tầng bình lưu nhằm cho phép tăng tải trọng của tên lửa cũng như rút ngắn thời gian quay vòng giữa các lần phóng.
Vi An (T/h)