+Aa-
    Zalo

    Máy bay mất tích và bí ẩn tam giác quỷ Bermuda

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tam giác quỷ Bermuda, vùng biển nằm phía tây Đại Tây Dương đã nổi tiếng khắp thế giới trước những vụ máy bay, tàu thủy mất tích vô cùng bí ẩn. Cho đến nay, khoa

    (ĐSPL) - Tam giác quỷ Bermuda, vùng biển nằm phía tây Đại Tây Dương đã nổi tiếng khắp thế giới trước những vụ máy bay, tàu thủy mất tích vô cùng bí ẩn. Cho đến nay, khoa học vẫn cho có lời giải cho những bí ẩn này.
    Vùng biển bao la giữa Florida, Puerto Rico và quần đảo Bermuda được cho là một trong những khu vực nổi tiếng nhất thế giới về những hiện tượng không bình thường. Cái tên “Tam giác quỷ Bermuda” là do nhà văn Vincent Gaddis đặt vào năm 1964.
    Đứng đầu danh sách các biến cố kỳ dị xảy ra ở Tam giác Bermuda, gây náo động dư luận nhiều nhất và bắt đầu hình thành huyền thoại về "Tam giác quỷ" là số phận của "Chuyến bay 19". Theo ghi chép, ngày 5/12/1945, một đội gồm 5 phi cơ ném ngư lôi Avenger của Hải quân Mỹ đã mất tích trong khi bay huấn luyện trên Đại Tây Dương. Trước khi biến mất, Trung úy Charles Taylor - chỉ huy Chuyến bay 19 đã gửi các thông điệp radio về căn cứ chỉ huy ở Florida (Mỹ), báo cáo về những ảnh hưởng thị giác bất thường như bị lạc, sự xuất hiện của "nước trắng", đại dương "nhìn không giống mọi khi" và la bàn xoay không kiểm soát.

    Chuyến bay số 19 biến mất bí ẩn tại tam giác quỷ Bermuda.

    Một thủy phi cơ ném bom Martin Mariner thuộc đội tìm kiếm cử đến sau đó cũng phát nổ chỉ 23 phút sau khi cất cánh, đưa tổng số người được coi là tử vong trong sự cố lên con số 33, bao gồm tất cả 14 thành viên đội bay thuộc Chuyến bay 19 và 13 thành viên đội bay đến cứu hộ. Ngay lập tức, báo chí và dư luận bắt đầu râm ran tin đồn rằng hiếc máy bay và các hành khách của nó có thể đã trở thành nạn nhân tiếp theo của “lời nguyền Los Roques” - hay còn gọi là lời nguyền Tam giác quỷ Bermuda.
    Trong những năm sau đó thống kê các mất mát kì lạ tăng rõ rệt, các thông báo về máy bay mất tích được đưa ra gần như liên tục: năm 1947 chiếc máy bay "Superfort" không trở về sân bay xuất phát. Chiếc C-54 Skymaster và đội bay được nghe thấy lần cuối cùng khi cách Bermuda 100 dặm, sau đấy liên lạc vô tuyến bị cắt đứt.
    Năm 1948 chiếc "Star Tiger" của Anh biến mất trên bầu trời một cách không giải thích được. Cũng trong cùng năm đấy, vào ngày 28/12/1948, tín hiệu radar của một chiếc máy bay hành khách biến mất. Chiếc DC-3 đang trên đường bay từ Puerto Rico đến Miami. Trong lần đàm thoại vô tuyến điện cuối cùng, người ta cho rằng phi công Bob Linquist đã nói là máy bay còn cách Miami 50 dặm về phía Nam và đã có thể nhìn thấy đèn của thành phố. Ngay sau đấy phi công đã biến mất không để lại dấu tích cùng với máy bay và hành khách.
    Danh sách khủng khiếp này được nối tiếp một cách tương tự như vậy: năm 1949 chiếc "Star Ariel" biến mất khi cách Bermuda 380 dặm về phía Tây-Nam, năm 1950 một chiếc máy bay kiểu Globemaster ở tận cùng phía Bắc của tam giác và năm 1952 là một chiếc máy bay Anh trên đường đi đến Jamaica.
    Bên cạnh những vụ mất tích máy bay bí ẩn, tam giác quy Bermuda còn nuốt chửng không biết bao nhiêu con tàu.
    Tháng 3/1918, hải quân Mỹ cũng đã chịu tổn thất tại khu vực này khi chiếc tàu chiến USS Cyclops bỗng nhiên bị chìm một cách bí ẩn trong vùng biển nói trên. Đầu năm 1918, tàu Cyclops được cử đến Brazil để tiếp nhiên liệu cho một số tàu chiến Anh đang hoạt động ở phía nam Đại Tây Dương, và sau đó khởi hành từ Rio de Janiero để trở về Mỹ.Tháng 3/1918, thảm họa đến với tàu USS Cyclops, một chiến hạm của Hải quân Mỹ dài 165m, mang theo 300 thủy thủ đoàn cùng 10.000 tấn quặng mangan đã biến mất không dấu vết trên vùng biển nào đó giữa Barbados và Vịnh Chesapeake , thuộc tam giác Bermuda.

    Tàu chiến USS Cyclops mất tích tại Bermuda.

    USS Cyclops chưa bao giờ gửi đi tín hiệu cấp cứu nào mặc dù nó được trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc. Các cuộc tìm kiếm diễn ra trong vô vọng, không một mảnh vụn nào được tìm thấy. Đến nỗi, Tổng thống Mỹ khi đó Woodrow Wilson phải nói: “Chỉ có Chúa và biển cả mới biết điều gì đã xảy ra với con tàu khổng lồ đó”.
    Tới năm 1941, một con tàu chị em với USS Cyclops cũng biến mất khi đang di chuyển trên hành trình tương tự.
    Năm 1963 chiếc tàu chở dầu Marine Sulphur Queen biến mất với 19 người thủy thủ đoàn. Các đàm thoại vô tuyến và lần liên lạc vô tuyến cuối cùng cho thấy là chiếc tàu đã chìm về phía Tây của Key West, tức là ngoài vùng được gọi là tam giác Bermuda. Chiếc tàu hơn 20 năm tuổi này chở 15.000 tấn lưu huỳnh lỏng và theo thông tin của lực lượng canh phòng bờ biển Mỹ thì đã bị hư hại nặng trong những tháng trước đó vì nhiều biến cố thời tiết.
    Chiếc tàu nhổ neo rời Beaumont, Texas vào ngày 2 tháng 2 năm 1963, cuộc liên lạc vô tuyến cuối cùng xảy ra vào khoảng 1 giờ 30 ngày 4 tháng 2. Khi chiếc tàu không đến Norfolk, Virginia vào ngày 7 tháng 2 theo như trong kế hoạch, một cuộc tìm kiếm trên gần 350.000 dặm vuông kéo dài 6 ngày được bắt đầu ngay ngày hôm sau đó và với xác suất là 95\% thì đã tìm được chiếc tàu nếu như nó vẫn còn ở trên mặt nước. Người ta chỉ tìm thấy một vài vật nhỏ từ chiếc tàu, đặc biệt là phao bơi và áo vét cứu hộ. Việc phỏng đoán là một vụ nổ đã làm chìm tàu không được củng cố.
    Cho đến nay, vẫn chưa có lời giải cho những vụ mất tích bí ẩn trên và Bermuda vẫn là lãnh địa chết đối với tàu thuyền, máy bay trên thế giới.
    BẢO LINH (Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/may-bay-mat-tich-va-bi-an-tam-giac-quy-bermuda-a87943.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan