Ngày 5/4/2018, doanh nghiệp Maxport Limited Vietnam phối hợp cùng tổ chức Better Work tổ chức Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ và vấn đề phân biệt đối xử”. Hội thảo đã thu hút hơn 60 đại diện từ 30 doanh nghiệp ngành dệt may, giày da tại Thái Bình và các địa phương lân cận tham dự.
Better Work là một chương trình hợp tác toàn cầu giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), được thành lập vào tháng 2 năm 2007. Chương trình bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, và đã thực hiện hơn 4.200 chuyến thăm, tư vấn tại các nhà máy, tiến hành làm việc cùng công nhân, người sử dụng lao động và chính phủ để cải thiện điều kiện làm việc cũng như tăng khả năng cạnh tranh của ngành may mặc.
Trong những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam phát triển vô cùng mạnh mẽ, cung cấp việc làm cho khoảng 2,7 triệu người lao động. Theo thống kê, nữ giới chiếm tới 80% tổng số lao động trong ngành. Tuy chiếm đa số, nhưng tại nơi làm việc, nhiều lao động nữ vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ doanh nghiệp trong các thời kỳ đặc biệt như: giai đoạn mang thai, nuôi con nhỏ… cũng như chưa nhận được cơ hội phát triển xứng đáng trong sự nghiệp.
Hơn 60 đại diện tới từ 30 nhà máy trong lĩnh vực giày da, dệt may đã tham gia Hội thảo do Better Work để cùng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. (Ảnh: Maxport Limited Việt Nam) |
Để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về vấn đề này, tại Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân mang thai, nuôi con nhỏ và vấn đề phân biệt đối xử” dành riêng cho cho các doanh nghiệp dệt may, da giày được tổ chức ngày 5/4/2019 tại Thái Bình, Better Work đã lựa chọn Maxport Limited Việt Nam – một doanh nghiệp chuyên dệt may hàng thể thao xuất khẩu cho các thương hiệu quốc tế như: Nike, Lululemon, Engelbert Strauss, Mountain Hardware, Helly Hansen, Spyder, Asics, Vaude, Kuhl, Klim, Jack Wolfskin… làm điển hình thăm quan và trao đổi kinh nghiệm cho các doanh nghiệp tham gia.
Hơn sáu mươi đại diện tới từ ba mươi nhà máy thuộc các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình… đã tới thăm quan nhà máy Maxport 09 tại xã Tự Tân – huyện Vũ Thư – tỉnh Thái Bình. Tại đây, đoàn đại biểu đã thăm quan một vòng cơ sở sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp, cũng như lắng nghe đại diện Maxport chia sẻ về chính sách chăm sóc dành cho lao động nữ như: Đưa đón khám thai định kỳ, bữa ăn dinh dưỡng riêng dành cho thai phụ, phụ cấp cho lao động nuôi con nhỏ dưới 72 tháng tuổi…
Đại diện Maxport dẫn đoàn đại biểu tham quan nhà xưởng và các cơ sở sinh hoạt tại Maxport 09 Thái Bình (Ảnh: Maxport Limited Việt Nam) |
Chị Hoàng Thị Ngọc Anh - Phụ trách kho nguyên phụ liệu doanh nghiệp tại Maxport chia sẻ: “Tổ mình có 3 người mang bầu. Cả ba người đều ngày làm 7 tiếng được nhận lương 8 tiếng, không phải tăng ca, cứ 3 tháng lại có chế độ thuốc, và có 5 lần công ty đưa đón khám thai định kỳ trong suốt thai kỳ”.
Chị Đoàn Thị Loan - Phòng thêu nhà máy Maxport 09 Thái Bình: “Thời gian làm việc ở đây rất hợp lý. Đối với nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi công ty không bố trí làm thêm giờ, thế nên tôi có thời gian để về nhà và chăm sóc con cái.”
Tại Maxport Limited Việt Nam, nữ giới đảm nhận rất nhiều trọng trách tại các vị trí thành viên trong Ban Giám đốc và trưởng phòng ban các bộ phận. Tỷ lệ lao động nữ giữ chức vụ Tổ trưởng chuyền may chiếm tới 72% tổng số tổ trưởng. Công ty có những lộ trình bài bản với sự tư vấn của các chuyên gia đến từ trong nước và nước ngoài để hỗ trợ người lao động phát triển sự nghiệp của mình.
Chị Nguyễn Thị Hợp, làm việc tại phân xưởng cắt nhà máy Maxport Limited chia sẻ: “Với lao động tại nhà máy, mỗi năm lại khảo sát tay nghề một lần. Chúng tôi được căn cứ vào năng suất, tay nghề để nâng lương.”
Hiện tại Maxport có gần 600 lao động nữ (chiếm 12%) đã gắn bó với doanh nghiệp từ mười năm trở lên, trong đó, có nhiều người đã làm việc tại công ty lên tới mười lăm, hai mươi năm. Sự gắn bó lâu dài này là minh chứng trực tiếp nhất cho các nỗ lực của Ban lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác đảm bảo chất lượng môi trường làm việc của công nhân viên.
Các đại biểu nghiêm túc lắng nghe đại diện Maxport chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo môi trường làm việc cho công, nhân viên (Ảnh: Maxport Limited Việt Nam) |
Một đại diện của nhà máy may Hưng Long chia sẻ cảm nghĩ sau chuyến thăm quan: “Nhà máy của Maxport rất đẹp, xung quanh rất nhiều cây xanh”.
Bác sỹ, thạc sỹ Đỗ Việt Dũng – chuyên gia về giới, chăm sóc sức khỏe và truyền thông của Better Work rất ấn tượng với công tác chăm sóc dành cho nữ lao động đang trong thai kỳ của Maxport, thể hiện từ tấm thảm đặt chân dành riêng cho công nhân, từ chai nước sạch được gửi tận tay người lao động mỗi ngày, từ việc dành riêng một dãy đầu tiên trong lán gửi xe cho các thai phụ đến môi trường xanh, sạch, luôn thoáng mát, vườn rau sạch trồng theo phương pháp hữu cơ phục vụ bữa ăn công nhân và chế độ đưa đón khám thai, siêu âm định kỳ hoàn toàn miễn phí… “Với vai trò là một bác sĩ làm trong lĩnh vực khoa sản, tôi thực sự rất cảm động khi thấy sự trân trọng và chăm sóc tới từng chi tiết nhỏ nhất Maxport dành cho người lao động” – Bác sỹ Đỗ Việt Dũng chia sẻ.
Đoàn đại biểu chụp hình lưu niệm cạnh ao nuôi cá của Maxport trước khi ra về (Ảnh: Maxport Limited Việt Nam) |
Ban lãnh đạo nhà máy Maxport Limited Việt Nam hi vọng với những kinh nghiệm thực tiễn của mình, thông qua chuyến thăm quan và hội thảo lần này, Maxport sẽ đóng góp một phần vào công cuộc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và phát triển sự nghiệp cho người lao động, đặc biệt là người lao động nữ, góp phần kiến tạo một môi trường làm việc tốt hơn cho ngành dệt may Việt Nam.
Hoàng Nguyên