+Aa-
    Zalo

    Mất việc vì app online “khủng bố”, đòi nợ sếp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vay một khoản tiền qua app online, rồi quay vòng vay app nọ trả app kia cho đến khi ngoài tầm kiểm soát tài chính của cá nhân, anh Phong nhận cái kết đắng khi chủ app liên tục nhắn tin, gọi điện cho cấp trên của anh thúc giục trả nợ.

    Quay cuồng lo trả nợ app

    Là nhân viên văn phòng tại Hà Nội, thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua, anh Nguyễn Duy Phong (SN 1992) bị giảm 30% lương. Dù đã cố gắng tiết kiệm nhưng vẫn bị phát sinh kế hoạch tiêu dùng nên anh Phong đã tìm vay qua app online khi cần một khoản tiền để trang trải gấp.

    Sau khi tìm được một app vay online, anh Phong điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền của mình, gửi ảnh chụp cá nhân và cung cấp thêm số căn cước công dân và đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân. Chỉ trong 15 phút, anh Phong đã hoàn thành mọi thủ tục.

    Anh Phong hối hận vì đã trót vay tiền app. Ảnh: N.H.

    Khi truy cập app vay, anh Phong nhận được thông báo các thông tin cá nhân sẽ được bảo mật và không bị làm phiền. Do là lần đầu nên hạn mức tối đa ở app anh Phong vay chỉ được 2 triệu đồng. Sau khi hoàn thành thủ tục online, anh nhận về 1,7 triệu đồng, 300 nghìn đồng đã bị trừ tính vào tiền phí vay và lãi suất cho vay. App yêu cầu 15 ngày sau anh Phong phải trả đủ 2 triệu đồng.

    Cần tiền, lại thấy thủ tục quá đơn giản, giải ngân trong tích tắc, anh Phong tìm đến 5 app khác để vay cho đủ số tiền cần dùng cấp bách là 10 triệu đồng. Anh tính có lương và vay thêm bạn bè là sẽ trả đủ khoản vay của các app. Tuy nhiên, công ty anh bất ngờ nợ lương. Không có tiền trả nợ, anh liên tiếp nhận những cuộc gọi nhắc nhở.

    Bí bách, anh Phong tiếp tục vay app mới để trả app cũ, rồi vay lại app cũ để được hạn mức tăng lên và trả tiếp cho những app đến hạn trước. Cứ như vậy suốt 3 tháng qua, anh chểnh mảng công việc, tinh thần sa sút, sức khỏe cũng không được đảm bảo do quay cuồng trong các app vay nợ online.

    “Tôi nghĩ vay một vài triệu đồng thì việc trả cũng không quá khó, mà nếu bí quá thì quay vòng app nọ trả app kia. Không ngờ mọi chuyện không đơn giản như mình dự tính”, anh Phong nói.

    Nhân viên vay, sếp bị nhắc nợ

    Vì anh Phong không trả nợ đúng hạn nên nhân viên app đã gọi điện cho người thân trong gia đình anh để thúc giục. Bị bố mẹ gọi điện từ quê lên hỏi chuyện nợ nần, anh Phong đau đầu tìm đủ mọi lý do để che giấu. 

    Không chỉ vậy, nhân viên của app cho vay tiền còn gọi cho cấp trên của anh để nhắc nhở, nhờ người này nhắn anh Phong nhanh trả nợ. “Họ nhắn tin, gọi điện cho sếp tôi rất nhiều. Ban đầu thì nói nhẹ nhàng sau đó thì rất thô lỗ, nói nếu tôi không trả nợ thì họ sẽ tới tận công ty”, anh Phong kể. 

    Ngày hôm sau, anh nộp đơn xin nghỉ việc. Bế tắc không có tiền trả cho các app, anh đành nói thật với gia đình và xin bố mẹ giúp. “Bố mẹ tôi giận lắm nhưng vẫn vay mượn họ hàng, giúp tôi trả nợ”, anh kể. 

    Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, ThS. Lê Thị Loan, nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục, học viện Quản lý Giáo dục nêu quan điểm: “Đây là một trong những hệ lụy của một bộ phận giới trẻ thiếu kỹ năng sống, không biết ứng phó với những cạm bẫy trên không gian mạng, mơ hồ về kế hoạch tiêu dùng của bản thân mình. Họ “hồn nhiên” nghĩ rằng, có được chỗ vay tiền trong lúc khó khăn là quá tốt rồi nên không nghĩ đến hoặc bất chấp cả hậu quả có thể phải gánh chịu sau đó như việc bị nhắn tin, gọi điện như khủng bố đòi nợ.

    Rõ ràng đây là cái bẫy mà không ít người, nhất là bộ phận giới trẻ rất dễ mắc phải.

    Tôi cũng cho rằng, bản thân những bạn trẻ như Phong đang bị thiếu sự giáo dục về hai vấn đề đã trở thành chân lý: Một là trên đời không ai cho không ai cái gì bao giờ. Hai là không bao giờ có chuyện kiếm tiền không khó hay làm giàu không khó. Đó là hai nguyên tắc mà giới trẻ hiện nay nhiều người sống ảo nên dễ bị sập bẫy app hoặc tín dụng đen, khi tỉnh ra thì đã quá muộn màng. Mất việc như Phong là còn nhẹ nhàng, nhiều người còn bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nữa.

    Tôi còn được biết, không chỉ những bạn trẻ ăn chơi lêu lổng mà có cả những người là giáo viên, vẫn cứ sa vào bẫy tín dụng đen không thoát ra được. Chúng ta cần cảnh báo và tuyên truyền để cảnh tỉnh, không có thêm những người sập bẫy app online để dẫn đến hậu quả đau lòng”.

    Tên nhân vật đã được thay đổi.

    Nhật Hạ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mat-viec-vi-app-online-khung-bo-doi-no-sep-a522439.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.