Chiều 20/9, tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX là một sự kiện quan trọng của nước ta trong năm 2019. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp mà còn có ý nghĩa đối với hệ thống chính trị, các giai tầng xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu với Đại hội về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bước vào giai đoạn 2016-2017, kế thừa những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn hơn rất nhiều, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ở trong nước, ngay từ năm 2016, Việt Nam đã phải trải qua một đợt tác động của biến đổi khí hậu, khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ, đã tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân. Một số tỉnh trong thời gian này tăng trưởng nông nghiệp âm, và cả năm 2016, phấn đấu “cật lực” thì tăng trưởng nông nghiệp của cả nước cũng chỉ đạt 1,86%, thấp nhất trong mấy chục năm qua.
Sau đó, đất nước ta tiếp tục phải đối phó với sự cố về môi trường của Formosa. Các hoạt động về dịch vụ, du lịch của một số tỉnh miền Trung bị đình trệ, ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến đời sống sinh kế của nhân dân. Thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi năm 2019 cũng tác động rất nặng nề. Đến nay, Việt Nam đã phải tiêu hủy 12% tổng đàn lợn. Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm đi 1% tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.
Cùng với đó là những yếu kém tích tụ trong nền kinh tế rất nhiều năm. Chúng ta phải tiến hành song song đồng thời hai nhiệm vụ, vừa tái cơ cấu nền kinh tế để tạo ra những năng lực sản xuất mới, vừa phải xử lý những yếu kém, tồn tại, hạn chế trong nền kinh tế, như dự án và doanh nghiệp thua lỗ, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngân hàng tăng cao, có những thời điểm lên đến gần 17%. Nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, khả năng chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng cũng còn có những hạn chế.
Bên cạnh đó, tình hình quốc tế và khu vực cũng có những diễn biến rất phức tạp. Tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế thế giới được hồi phục sau khủng hoảng nhưng không đều. Cơ cấu dòng đầu tư và dòng thương mại có những chuyển dịch. Cọ xát, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn leo thang, lan sang cả lĩnh vực khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiền tệ, chủ nghĩa bảo hộ… Tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng và rất khó lường. Căng thẳng địa chính trị, tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, biển Đông cũng đặt ra những thách thức lớn về việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, về mục tiêu giữ vững độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta. Trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là cách mạng 4.0 đã diễn ra và tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức mới.
Quang cảnh phiên bế mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN |
Trước tình hình như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và phương châm chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua được mọi khó khăn thách thức và đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “trong vũ trụ không có gì quý bằng con người, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”. Người còn nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đại đoàn kết toàn dân tộc và thuận theo lòng dân là sức mạnh vô địch không có gì ngăn cản nổi. Đó chính là trụ cột vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã vượt qua nhiều thách thức lớn ở đầu nhiệm kỳ. Đạt đến được như vậy, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực như thế và uy tín như ngày hôm nay”. Những thành tựu phát triển mà đất nước ta đã đạt được qua hơn 30 năm đổi mới và trong những năm qua có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi, có nhiều thành công, phát triển và đang định hướng mạnh mẽ trọng tâm đến một mô hình phát triển bền vững và bao trùm. Kết quả này là sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự đóng góp rất to lớn của Mặt trận các cấp.
Theo Phó Thủ tướng, tình hình kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế của nước ta từng bước được cải thiện, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 6,78%, cao hơn rất nhiều so với bình quân của 5 năm trước là 5,91%. Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, năm 2020 ước đạt 290 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bình quân đầu người ước đạt 3.000 USD, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015.
Phó Thủ tướng thông tin, đây là những chỉ tiêu GDP tính theo chuẩn cũ. Tới đây, trên cơ sở báo cáo đã được trình Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo sẽ cho công bố đánh giá lại quy mô GDP trong 10 năm, từ 2007 – 2017 theo thông lệ quốc tế, với sự trợ giúp tích cực Tổ chức Tiền tệ quốc tế IMF và chuyên gia của Liên hợp quốc. Theo cách đánh giá này, chưa tính khu vực kinh tế chưa quan sát được, đến năm 2017, GDP bình quân đầu người của nước ta đã là 3.003 USD/người và dự báo đến năm 2020 có hơn 3.700 USD/người. Quy mô nền kinh tế tăng khoảng 24,6%. Bộ Chính trị cũng đã có chỉ đạo dùng hệ thống chỉ tiêu cũ để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của Đại hội và Kế hoạch 5 năm, nhưng đồng thời phải căn cứ vào chỉ tiêu đánh giá lại để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, là mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Về xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng cho biết, đã có 52% số xã trong toàn quốc được công nhận nông thôn mới, về trước chỉ tiêu Đại hội và Chiến lược 10 năm về “tam nông” gần 2 năm. Hiện có 95 đơn vị cấp huyện trong toàn quốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có một số tỉnh như Nam Định 196/196 xã, 11/11 đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới. Đồng Nai 133/133 xã được công nhận nông thôn mới. Hà Nội có gần 90% số xã đạt nông thôn mới.
Về tình hình phát triển văn hóa, xã hội, đời sống của nhân dân, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cơ cấu lao động được dịch chuyển theo hướng tích cực, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đảm bảo. Tỷ trọng lao động nông - lâm nghiệp và thủy sản trong tổng số lao động dự báo đến năm 2030 chỉ còn 33,5%, giảm mạnh so với 2015 là 44% và mục tiêu của Đại hội là 40%. Dịch chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, số người tham gia bảo hiểm xã hội dự báo đến năm 2020 đạt 16,5 triệu người, chiếm gần 30% lực lượng lao động.
Về công tác phối hợp giữa Mặt trận với Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nhiệm kỳ qua, Chính phủ rất coi trọng và tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hiệu quả công tác phối hợp được nâng cao. Hàng năm Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiêm túc đánh giá công tác phối hợp và xác định những trọng tâm để phối hợp thực hiện.
“Hàng tháng, Chính phủ luôn trân trọng mời đại diện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự và phát biểu tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hai bên cũng phối hợp thực hiện tốt hơn chức năng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành và UBND các cấp có kế hoạch phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để MTTQ thực hiện đạt kết quả cao nhất. Tinh thần đó còn được thể hiện trong việc Chính phủ sớm có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương phối hợp tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam triển khai Đại hội nhiệm kỳ 2019 – 2024, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm sát sao, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm hơn trong việc phối hợp tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, rộng khắp trên cả nước.
Các chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Mặt trận được triển khai rất đa dạng, trên hầu hết các lĩnh vực và đạt được kết quả tích cực như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo MTTQ Việt Nam tích cực tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên phát huy quyền làm chủ của tổ chức xã hội, hội, hiệp hội và của nhân dân trong mọi lĩnh vực, tạo sự đồng thuận xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo các văn bản chỉ đạo của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết điều hành của Chính phủ. Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chăm lo xây dựng, củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc bổ sung, hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, kiều bào, đáp ứng các nguyện vọng chính đáng, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc ít người, đồng bào có đạo và người Việt Nam ở nước ngoài.
“Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì trước hết phải nghe được dân và chỉ tinh thần, thái độ chân thành, nghiêm túc lắng nghe mới hiểu được dân, nắm bắt được người dân mong đợi gì”, theo Phó Thủ tướng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, những năm qua, Mặt trận thực sự đã lắng nghe, tập hợp những kiến nghị và nguyện vọng của nhân dân, phản ánh, đóng góp cho Đảng, Nhà nước, nhất là về phát huy dân chủ, phát triển kinh tế, văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân. Đây là những nội dung rất quan trọng và thiết thực. Qua các ý kiến phản ánh của Mặt trận về những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề nhân dân đang quan tâm, lo lắng, Chính phủ có thêm cơ sở để nâng cao chất lượng điều hành và quản lý minh bạch, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt nhất đời sống của nhân dân. Đặc biệt, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo để chuyển biến ở các cấp trong thực thi công vụ theo tinh thần trọng dân, gần dân và sát dân, chú trọng giải quyết những bức xúc của nhân dân, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong kiểm soát quyền lực của Nhà nước. Công tác phản biện, giám sát được triển khai chặt chẽ, nội dung thiết thực, có sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan nhà nước và đạt được nhiều kết quả, nhất là trên các lĩnh vực giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện chính sách thuế, hải quan…
Trong 5 năm qua, Chính phủ đã ký 2 nghị quyết liên tịch, ban hành 02 nghị định; các bộ, ngành của Chính phủ đã ban hành 5 thông tư hướng dẫn về thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến công tác Mặt trận; phối hợp thực hiện 12 chương trình giám sát và một số nội dung giám sát chuyên đề do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận chủ trì thực hiện. Trong nhiệm kỳ, Mặt trận đã tổ chức 12 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án luật do các bộ, ngành của Chính phủ trình, tham gia góp ý hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thanh Vân – Hiền Hạnh – Đỗ Bình
Theo TTXVN