Nghe những người hàng xóm ở đây phản ánh, cứ đêm đến nhà ông Lượng lại đốt vàng mã ngút trời như thể người ta đốt đống rơm vậy. Thậm chí đêm nào cũng vậy, người trong gia đình vẫn thường đun một xoong nước lớn bằng chính loại tiền âm phủ đẹp năm nghìn, mười nghìn cho những người làm công việc đào bới tắm gội...
Chỉ vì ngu muội tin theo lời thầy bói phán dưới đất nhà mình có vàng, gia đình ông Nguyễn Thanh Lượng, thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã thế chấp ngôi nhà để lấy tiền "khai quật kho báu". Ngôi nhà bỗng chốc biến thành bãi khai thác vàng. 300 triệu đồng vay ngân hàng để phục vụ cho công cuộc đào bới cũng đã hết. Nhà bị tịch thu và giấc mộng vàng vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực.
Thầy bói phán có vàng chôn dưới đất
Ngôi nhà của ông Nguyễn Thanh Lượng chẳng khác nào một công trường đang thi công. Khắp sân là những ụ đất nổi ngổn ngang. Sở dĩ có những ụ đất đó là do chính quyền xã đã xuống và cưỡng chế bắt gia đình ông phải lấp lại những hố đã đào. Được biết, trước đó trong khoảng sân rộng nhà ông Lượng chính là những hố rộng, sâu hun hút có đến chục mét được chính người trong gia đình ông đào lên với mục đích tìm "kho báu".
Vợ chồng ông Lượng sinh được ba người con, kinh tế dù không thật khá giả nhưng cũng ấm êm, hạnh phúc. Mọi sự chỉ thực sự thay đổi khi người con trai cả Nguyễn Thanh Nhường lập gia đình. Vợ anh Nhường là chị Nguyễn Thị Phương, quê ở miền trung du Phú Thọ. Chị này làm nghề tự do và rất mê bói toán. Làm bất kể việc gì dù nhỏ nhất, Phương cũng phải đi xem thầy. Không chỉ một mình mê muội với những trò bói toán nhảm nhí mà Phương cũng tiêm nhiễm và lôi kéo cả gia đình chồng vào mê hồn trận đó, khiến những thành viên trong gia đình ông Lượng ngày một tin hơn vào bói toán.
Một lần, Phương nghe người ta đồn có một ông thầy rất cao tay, xem bói rất giỏi, nhìn thấu quá khứ, hiện tại và tương lai nên đã rủ chồng đi xem cùng. Tại đó, ông thầy đã phán trên phần đất của gia đình anh Nhường trước có chôn một cô gái còn sống ngậm sâm và một hũ vàng rất lớn. Tuy nhiên, khi vợ chồng anh Nhường hỏi tỉ mỉ xem cô gái và kho báu được chôn đích xác ở chỗ nào thì thầy lại không trả lời được mà chỉ nói chung chung cứ đào quanh nhà kiểu gì cũng thấy.
Sau lần đi xem bói đó, vợ chồng anh Nhường đã về họp gia đình và kể lại toàn bộ lời thầy bói đã phán. Ban đầu, nhiều thành viên trong gia đình còn lưỡng lự, nhưng sau họ đã đi đến thống nhất sẽ khai quật toàn bộ khu đất quanh nhà để tìm kho báu. Nhưng muốn khai quật thì phải có tiền thuê thầy, mua tiền vàng, hình nhân, voi ngựa và thuê máy móc. Và việc đầu tiên ông Lượng phải làm là đặt bút thế chấp sổ đỏ ngôi nhà gia đình ông đang ở cho ngân hàng, để có tiền phục vụ cho "công cuộc đổi đời".
Hố đào tại sân nhà ông Lượng sau khi được san lấp. |
Biến nhà thành bãi khai thác vàng
Để hợp thức hóa việc vay tiền của ngân hàng, ông Lượng cùng các con đã nghĩ ra cách lập trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Vay được tiền, đại gia đình nhà ông Lượng bắt đầu chiến dịch đào bới kho báu. Khởi sự cho việc làm ngu muội này bắt đầu vào tháng 7/2013. Mọi hoạt động phía trong đều diễn ra một cách bí mật và mờ ám. Hàng trăm mét vải bạt được phủ kín quanh nhà, cửa cổng khóa trái, chỉ mở một ngách nhỏ cho người nhà đi lại. Mọi hoạt động đào bới chủ yếu đều diễn ra vào ban đêm.
Bà Sửu, hàng xóm ngay sát nhà ông Lượng không giấu nổi sự bức xúc: "Từ lúc nhà nó bắt đầu đào bới, ngày nào cũng khói hương nghi ngút, ngột ngạt cả xóm. Lại còn mở băng cassette cả ngày, cái loại băng dùng cho người mới chết ý. Rồi còn thuê thầy về cúng bái cả ngày. Chiều nào cũng chở vài xe thồ tiền vàng âm phủ về đốt. Cả những con ngựa, con voi to như thật, hình nhân thế mạng thì nhiều không biết chừng nào mà đếm. Tôi nói thật nhé, chỉ nguyên tính cái tiền vàng mã, thuyền rồng, ngựa voi thì cũng đã xấp xỉ trăm triệu đồng rồi. Sao trên đời này lại có người ngu muội thế không biết".
Cũng theo bà Sửu và nhiều người dân trong xóm, sở dĩ họ đánh giá gia đình ông Lượng ngu muội không chỉ vì quá tin lời thầy bói, mà còn không có đầu óc phân tích. Bởi lẽ, khu đất nhà ông Lượng ở là đất cha truyền con nối. Mà theo như bà con nơi đây đánh giá thì từ nhiều đời trước gia đình ông thuộc diện nghèo khó. "Bố đẻ của ông Lượng tên thật là ông Ngữ, nhưng vì đi xẻ gỗ thuê khỏe quá nên người ta gọi là ông Ba Voi. Đấy, xuất thân toàn đi làm thuê làm mướn thì lấy tiền vàng đâu ra mà chôn" , bà Sửu thẳng thắn chia sẻ.
Người dân xung quanh vô cùng búc xúc trước hành động của gia đình ông Lượng. |
Nghe những người hàng xóm ở đây phản ánh, cứ đêm đến nhà ông Lượng lại đốt vàng mã ngút trời như thể người ta đốt đống rơm vậy. Thậm chí đêm nào cũng vậy, người trong gia đình vẫn thường đun một xoong nước lớn bằng chính loại tiền âm phủ đẹp năm nghìn, mười nghìn cho những người làm công việc đào bới tắm gội, coi như tẩy trần. Ban đầu, công việc đào bới còn diễn ra lặng lẽ vì làm thủ công bằng tay. Sau gia đình ông Lượng thuê hẳn máy tời nên tiếng máy phát ra trong đêm khiến nhiều người trong xóm không sao ngủ nổi.
Hỏi lý do vì sao cuộc sống đang bình yên, gia đình lại bỏ ra một khoản tiền lớn để cúng lễ và đào bới khắp căn nhà thì anh Nhường trả lời rằng: "Không phải gia đình tôi đào lên để tìm vàng mà chỉ là tìm tiểu của một người đã phù hộ cho bố tôi tai qua nạn khỏi hồi còn nhỏ thôi. Bố tôi kể là khi ông 9 tuổi đã ốm thập tử nhất sinh, đi xem bói thì nói dưới nền đất quanh nhà có hai ngôi mộ. Hai ngôi mộ đó đã theo bố tôi và phù hộ cho bố tôi. Nay vợ chồng tôi đi xem thì họ cũng nói thế nên gia đình tôi chỉ muốn đào lên, chôn cất cẩn thận để trả ơn họ mà thôi".
Cái cách mà anh Nhường nguỵ biện cho việc làm của mình nghe có vẻ phi lý. Bởi lẽ, mộ của một người bình thường, chẳng khi nào chôn sâu tới hàng chục mét. Hơn nữa, để tạ ơn cũng có nhiều cách chứ không nhất thiết phải vay lãi ngân hàng về để làm cái việc tri ân ấy.
Bản thân ông Lượng thì lại nói rằng, do làm ăn thất bát, đi xem bói thầy bói phán có hai bộ hài cốt dưới nền đất nên phải đào lên và chôn cất cẩn thận thì làm ăn mới phát được.
Việc đào bới diễn ra từ tháng 7 nhưng phải đến tháng 12/2013, lãnh đạo thôn Vĩnh Thượng mới xin ý kiến UBND xã Khai Thái sau đó thành lập đội điều tra xuống nhà ông Lượng yêu cầu gia đình ông này ngừng việc đào bới ảnh hưởng đến những nhà xung quanh. Đồng thời cũng yêu cầu gia đình ông Lượng dỡ bỏ phông bạt, lấp lại những hố đã đào. Vì việc đào bới này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an nguy của một gia đình người hàng xóm là chị Nguyễn Thị Muôn.
Khi tổ điều tra xuống hiện trường thì phát hiện, khoảng sân nhà ông Lượng có một cái hố rộng khoảng 4m2 và sâu tới hàng chục mét, sâu hun hút. Ngay lập tức, việc san lấp được tiến hành với 25 người và diễn ra ròng rã suốt 7 tiếng đồng hồ. Vì miệng hố rất rộng và sâu nên Công an xã đã phải huy động nhiều xe công nông chở cát đến mới lấp đầy.
Trở thành vô gia cư vì tin lời thầy bói
Thời gian tìm kiếm kho báu diễn ra quá lâu mà chưa thấy tín hiệu đáng mừng nào. Suốt trong thời gian đó, các thành viên trong gia đình ông Lượng không làm ăn gì ngoài việc đào bới và hy vọng vận may sẽ đến. Số tiền vay lãi ngân hàng cũng đã tiêu đến những đồng cuối cùng. Hạn trả ngân hàng cũng đã đến. Vì kết quả không như mong muốn, vàng đâu chưa thấy chỉ thấy người của ngân hàng đến làm thủ tục tịch thu nhà.
Hiện, gia đình ông Lượng vẫn chưa ký vào những thủ tục đó với lý do: "Chúng tôi vay vốn, làm ăn nay thất bát thì lấy gì ra mà trả".
Gia đình ông Lượng đã mua 2 chiếc tiểu về đặt ở góc sân. Thứ đựng trong đó hoàn toàn là tro của các loạt tiền âm phủ, hình nhân thế mạng, voi ngựa, thuyền rồng. Thế nhưng gia đình ông này lại tung tin rằng đã tìm được tro cốt của hai người vô danh, rất thiêng. Nếu ai cố tình đến sống trên mảnh đất nhà ông này thì sẽ bị hai hộ hài cốt kia hành cho sống dở chết dở.
Trong suốt quá trình đào bới quanh nhà, người dân quanh đó bức xúc đã báo lên Công an xã. Khi lực lượng Công an xã xuống lập biên bản, gia đình ông Lượng đã cam kết là dừng chuyện đào bới. Thế nhưng vừa làm bản cam kết hôm trước thì ngay hôm sau mọi chuyện lại như cũ.
Vết nứt trên tường nhà chị Muôn. |
Người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ công cuộc đào bới ngu muội này là chị Nguyễn Thị Muôn. Chị Muôn kể rằng, việc đào bới diễn ra từ tháng 7 thì đến tháng 11 chị Muôn phải chuyển sang ở nhờ nhà mẹ đẻ, vì toàn bộ ngôi nhà của chị trong tình trạng nứt nẻ nghiêm trọng. Bốn bức tường nứt toác, xô lệch. Phía tường giáp với nhà ông Lượng trong tình trạng so le. Hàng gạch của nửa phần thân nhà phía trên bật tung, chếch hẳn so với hàng gạch của nửa thân nhà phía dưới, chỉ cần dùng tay đẩy nhẹ bức tường đó có thể sập, kéo theo toàn bộ ngôi nhà. Phía dưới nền nhà chị Muôn cũng bị bật tung lên. Mái prôximăng vỡ tan tành.
Chia sẻ với phóng viên, chị Muôn khóc nức nở: "Cuộc đời em khổ lắm, từng này tuổi mà phải sống độc thân, nay ốm mai đau. Ngôi nhà em ở đấy, đất là do mẹ ẹm cho. Chắt bóp, tằn tiện lắm em mới xây xong. Mà cũng phải xây đến hai đận chứ ít gì. Thế mà mới ở được vài tháng thì đã phải chuyển đi vì nhà hàng xóm đào bới, khoét hẳn một hố sâu và rộng dưới nền nhà em. Nhìn căn nhà đổ nát thế em đau lòng lắm!".
Trong suốt quá trình nhà ông Lượng đào bới, chị Muôn đã nhiều lần sang đề nghị gia đình ông này không được phép đào khoét vào nền ngôi nhà chị đang ở. Thế nhưng không những không nghe lời của chị Muôn mà vợ chồng anh Nhường còn thách thức, cứ đào, "hỏng đâu đền đấy". Bức xúc trước hành động ngông cuồng của gia đình nhà ông Lương, chị Muôn đã làm đơn gửi lên UBND xã Khai Thái yêu cầu can thiệp. Ngày 26/12/2013, chính quyền xã đã mời gia đình ông Lượng và chị Muôn lên giải quyết. Tại đây, chính quyền xã đã yêu cầu gia đình ông Lượng phải bồi thường thiệt hại hư hỏng ngôi nhà cho chị Muôn là 50 triệu đồng. Nhưng từ đó đến nay gia đình ông Lượng chưa bồi thường một đồng nào và vẫn giữ thái độ không thiện chí.
Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Công an xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: Theo lời của gia đình ông Lượng giải trình thì gia đình ông này tiến hành đào bới như vậy là để tìm hài cốt của người vô danh nào đó đang nằm trên phần đất của gia đình chứ không phải đào vàng. Tuy nhiên, dù là đào với mục đích gì thì việc này đã gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người sống xung quanh, đặc biệt là gia đình chị Nguyễn Thị Muôn. Lãnh đạo xã Khai Thái đã yêu cầu dừng việc đào bới và tiến hành san lấp hố sâu. Hiện, gia đình ông Lượng đã không còn tiếp tục việc làm ngu muội này nữa. |