+Aa-
    Zalo

    Mặt đỏ bừng, mệt lả, nôn mửa... là triệu chứng bệnh nguy hiểm này trong nắng nóng đỉnh điểm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để giúp người dân có thêm kiến thức trong việc giữ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng kéo dài, các chuyên gia y tế đã đưa ra những khuyến cáo như sau.

    Để giúp người dân có thêm kiến thức trong việc giữ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng kéo dài, các chuyên gia y tế đã đưa ra những khuyến cáo như sau.

    Đợt nắng nóng liên tục trong mấy tuần nay đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và mô hình bệnh tật cũng có sự thay đổi theo hướng gia tăng các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.

    Nắng nóng khiến lượng người mắc bệnh tăng cao.

    Theo thống kê ở một số bệnh viện, số lượng người bệnh đến khám, điều trị do nắng nóng khá cao, thậm chí đã có một số trường hợp phải cấp cứu do ảnh hưởng của nắng nóng.

    Trường hợp sốc nhiệt nguy hiểm

    Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho một trường hợp (nam, hơn 40 tuổi) đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng. Khi được đưa đến bệnh viện thì đã rơi vào tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt hơn 41 độ C, mất nước nghiêm trọng.

    Các bác sĩ chẩn đoán, xác định người bệnh bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Người bệnh được hỗ trợ thở, đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hạ sốt, truyền dịch, chụp CT não và làm các xét nghiệm đánh giá. Kết quả chụp phim CT cho thấy có tổn thương phù não; các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể...

    Với rất nhiều nỗ lực, các y sĩ, bác sĩ đã cứu được tính mạng, nhưng người bệnh không tránh khỏi các di chứng về ý thức và vận động.

    Do vậy, mọi người dân cần lưu ý, thực hiện những biện pháp phòng, chống các bệnh do nắng nóng. Những người cần đặc biệt lưu ý là: Người bắt buộc phải làm việc kéo dài ở ngoài trời khi thời tiết nắng nóng (nông dân, công nhân xây dựng, người tham gia giao thông đi xe đạp, xe máy trên đường trong thời gian dài…


    Lao động dưới trời nắng nóng rất dễ bị sốc nhiệt.

    Với những người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, bệnh lý hô hấp mãn tính... khi nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ bất ổn các bệnh lý đang mắc có thể dẫn tới những biến chứng không thể lường trước được. Còn đối với những người cao tuổi, sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém cho nên dễ bị thiếu nước...

    Dấu hiệu bị sốc nhiệt và cách sơ cứu

    Khi tiếp xúc trong một thời gian dài với nhiệt độ cao sẽ dẫn đến kiệt sức vì nóng thường đi kèm với tình trạng mất nước. Nếu không điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến đến đột quỵ nhiệt, có thể gây chết người.

    Các bác sĩ cho biết, người bị sốc nhiệt có các biểu hiện ban đầu như mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, nôn mửa, đau đầu.

    Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng, việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu nạn nhân. Cần nhanh chóng chuyển người bệnh ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân; nếu người bệnh tỉnh, cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt và nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp đưa đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ có thể khám, đánh giá tình trạng cho người bệnh...

    Người lao động cần có phương án chủ động bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng gay gắt.

    Cách phòng tránh sốc nhiệt

    Trong những ngày trời nắng nóng, hãy thay đổi thói quen như tập thể dục trong nhà sẽ an toàn hơn khi tập thể dục ngoài trời. Sắp xếp làm các công việc phải làm ngoài trời vào sáng sớm hoặc buổi chiều muộn khi nhiệt độ ngoài trời mát mẻ hơn. Cần bổ sung nước hoặc biết những dấu hiệu của mất nước do nhiệt độ cao, điều có thể xảy ra khi tập luyện hay làm việc trong thời tiết nắng nóng.

    Nếu trong trường hợp phải ở lâu ngoài trời, thì cố gắng tránh thời điểm từ 11h đến 15h (thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất). Mỗi người cần có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng cũng như che chắn khi làm việc ngoài trời.

    Cấn có ý thức bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể, không đợi đến khi quá khát mới uống nước. Trung bình một người nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.

    Cứ sau khoảng thời gian nhất định cần vào chỗ mát tạm nghỉ 10 đến 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể.

    Uống nhiều nước và tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây rất tốt cho sức khỏe trong thời tiết nắng nóng.

    Bên cạnh đó, mọi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh có tác dụng thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa... Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột và khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài vì rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

    Không được uống aspirin và acetaminophen khi bị say nắng nóng vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

    Người trên 65 tuổi và trẻ sơ sinh, không nên ra ngoài trong thời tiết nắng nóng. Nếu người già có những triệu chứng như chuột rút, đau đầu, buồn nôn cần gọi sự giúp đỡ ngay. Không nên để trẻ trong xe ô tô một mình, dù chỉ trong thời gian ngắn.

    Những điều tuyệt đối không được làm khi bị say nắng, kiệt sức do nắng hay đột quỵ do quá nhiệt

    - Từ chối hoặc không gọi hỗ trợ y tế: đây là một quyết định sai lầm và gây hậu quả nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị đột quỵ do nhiệt, hoặc có đấu hiệu sốc, co giật, mất ý thức.

    - Uống một số loại thuốc: nhiều người khi cảm thấy không khỏe, cụ thể trong trường hợp say nắng, họ thường sử dụng thuốc aspirin hoặc acetaminophen. Hành động này sẽ làm bệnh nặng thêm bởi đây là 2 loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máy, gây ra vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe bởi khi đó da của người bệnh có thể đang cháy nắng dẫn tới phồng rộp.

    - Không cho bất cứ thứ gì qua đường miệng của người bệnh trong trường hợp họ đang bất tỉnh hoặc nôn mửa, vì có nguy cơ gây ngạt.

    - Nhiều người thường cho rằng chà xát lên cơ thể bằng rượu, làm hạ nhiệt nhanh. Điều này rất nguy hiểm với người bệnh bởi rượu làm cơ thể hạ nhiệt quá nhanh dẫn đến biến động nhiệt mạnh trong cơ thể. Tốt nhất hạ nhiệt cơ thể người bệnh bằng nước lạnh thường.

    - Bổ sung nước và chất điện giải là đúng nhưng không nên uống quá nhanh, quá nhiều, có thể gây sốc. Nên tuân thủ hướng dẫn của y bác sĩ.

    Điều quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe trong thời tiết khắc nghiệt này là mỗi người cần tăng cường hiểu biết để phòng bệnh, có cách xử trí phù hợp để bảo vệ sức khỏe bản thân hay trong trường hợp có người cần trợ giúp.

    Minh Khôi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mat-do-bung-met-la-non-mua-la-trieu-chung-benh-nguy-hiem-nay-trong-nang-nong-dinh-diem-a328805.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan