+Aa-
    Zalo

    Mất cân bằng sinh thái bởi sinh vật ngoại lai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bằng nhiều cách khác nhau, những sinh vật ngoại lai đã du nhập vào Việt Nam và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây mất cân bằng hệ sinh thái .

    Bằng nhiều cách khác nhau, những sinh vật ngoại lai đã du nhập vào Việt Nam và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây mất cân bằng hệ sinh thái cũng như làm đảo lộn nhiều cấu trúc chuỗi thức ăn của các hệ động thực vật.
    Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Tổng cục môi trường thì ở nước ta hiện nay đang có gần 100 loài sinh vật ngoại lai gây hại. Trong đó, hơn 40\% là thực vật ngoại lai, gần 50\% là động vật còn lại là thủy sinh vật. Ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, số loài sinh vật ngoại lai này còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả vấn đề dịch bệnh, mùa màng và an sinh xã hội của con người.
    Nguyên nhân của mất cân bằng sinh thái
    Trong số hàng trăm loài sinh vật ngoại lai gây hại, một số loài mà tác hại của nó đã trở lên thông dụng và được nhiều người dân đề phòng, cảnh giác và tìm mọi cách loại trừ như ốc bươu vàng, bèo Nhật Bản, cây mai dương, rùa tai đỏ…vì những tác hại ghê ghớm mà chúng đã gây ra trong nhiều năm qua.
    Mất cân bằng sinh thái bởi sinh vật ngoại lai
    Ốc bươu vàng, sinh vật ngoại lai phá hoại mùa màng
    Ví dụ như loài ốc bươu vàng. Đây là sinh vật thuộc loài giáp xác, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam khoảng từ trước năm 1975 nhưng phải đến những năm 2000, tác hại ghê ghớm của nó mới được cảnh báo. Cụ thể, nhiều địa phương ở khắp cả nước đã bị loài vật sinh sản cực nhanh này gây hại. Từ những ruộng lúa, ao hồ, sông suối, ốc bươu vàng đều xuất hiện và nhân lên một cách chóng mặt. Rất nhiều nông dân đã bị thiệt hại do loài ốc có vẻ bề ngoài khá bình thường này. Sau đó, thậm chí khi phong trào toàn dân chung tay tận diệt ốc bươu vàng diễn ra, số lượng của chúng vẫn không giảm đi là bao. Sau nhiều năm, cho tới tận bây giờ, ốc bươu vàng vẫn là một loài ốc chiếm số đông trong hệ sinh thái mặt nước ở Việt Nam. Và, nhiều loài động, thực vật nhỏ bé khác đã bị những quần thể ốc bươu vàng nuốt chửng khiến cho hệ sinh thái ở nhiều nơi trở lên mất cân bằng, dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên thủy sản và có thể dẫn tới tuyệt chủng một số loài là thức ăn của ốc bươu vàng. Thực tế cũng chứng minh rằng, nhiều loài ốc khác có nguồn gốc ở Việt Nam đã biến mất, hoặc còn lại rất ít kể từ khi ốc bươu vàng trở lên thông dụng trong môi trường nước như thời gian qua.
    Theo tìm hiểu, có nhiều cách thức để những sinh vật ngoại lai nguy hiểm này tràn vào Việt Nam. Cụ thể, theo Cục bảo tồn đa dạng sinh học thì ở nước ta, sinh vật ngoại lai được du nhập bằng nhiều cách khác nhau. Đó có thể là nhập khẩu có chủ đích phục vụ nhu cầu nuôi trồng, sản xuất hoặc là vô ý. Nhưng, nguyên nhân chính khiến sinh vật ngoại lai trở thành loài vật nguy hiểm là chúng được du nhập với số lượng nhiều, không quản lý hết khiến nguy cơ bùng phát về số lượng kèm theo dịch bệnh uy hiếp sự cân bằng hệ sinh thái và sức khỏe con người vì những dịch bệnh lây nhiễm mà chúng mang theo.
    Môi trường bị đe dọa nghiêm trọng
    Có thể nói, sinh vật ngoại lai có rất nhiều tác hại, trong đó tác hại rõ ràng nhất là về mặt môi trường. Điển hình như trường hợp của rùa tai đỏ cách đây ít lâu. Được biết, đây là loài sinh vật đã được cảnh báo là một trong số 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới, nhưng chúng lại dễ dàng tràn vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Hậu quả là, chỉ trong một thời gian ngắn, khắp các ao hồ, sông ngòi, kênh rạch đã bị loài vật sinh sản rất nhanh này chiếm lĩnh. Theo chương trình Bảo tồn rùa châu Á thì đây là loài sinh vật nguy hiểm, có thể gây hại đến các hệ sinh vật sinh sống trong cùng một hệ sinh thái với chúng. Ngoài ra, khi đã sinh sản và hình thành những quần thể rùa tai đỏ hàng trăm con, loài vật này trở lên đặc biệt nguy hại tới môi trường sống nói chung của những sinh vật trong nước khác sống bên cạnh chúng.
    Mất cân bằng sinh thái bởi sinh vật ngoại lai
    Rùa tai đỏ, sinh vật ngoại lai gây mất cân bằng hệ sinh thái môi trường
    Hay như cây mai dương, một loài cây mà nếu không tìm hiểu kỹ, ít người biết đến nó. Tuy nhiên, đây cũng là loại thực vật ngoại lai có tác động lớn đến môi trường ở Việt Nam. Cụ thể, loài thực vật có nguồn gốc ở Nam Mỹ này lần đầu được ghi nhận tại nước ta cách đây chừng 40 năm tại vùng Mộc Hóa (Long An). Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, cây mai dương đã có mặt ở khắp các địa bàn trên cả nước không biết bằng cách nào. Nhiều chuyên gia sinh vật học cho rằng, chúng phát tán là do hạt giống của loài cây này nhẹ, dễ bị gió đưa đi lên rất nhanh chóng để chúng dễ dàng “di chuyển” từ nơi này tới nơi khác mà không cần phải có sự tác động của con người. Tác hại của cây mai dương, theo ghi nhận thì mặc dù nhìn bề ngoài, chúng rất bình thường nhưng ở những nơi loài cây này sinh sống, hầu hết các loài thực vật khác đều phải lụi tàn do rễ của mai dương lớn, nhiều, sâu đã hút hết các chất dinh dưỡng của đất đai xung quanh. Thế là, tai họa đã đến với những người dân ở dọc dãy núi Trường Sơn từ vùng Cát Tiên (Đồng Nai) cho tới Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay Kon Tum, Đắc Lắc…hay thậm chí cả Nghệ An, Thanh Hóa vì những cây cao su, hồ tiêu, cà phê… đang xanh tốt nhưng bị cây mai dương này tìm đến bỗng nhiên trở lên khẳng khiu, không đơm hoa kết trái. Nói ngắn gọn, cây mai dương đã làm biến đổi hoàn toàn hệ sinh thái đất đai xung quanh nơi mà chúng sinh sống, khiến cho đất đai trở lên khô cằn, không còn dưỡng chất. Cộng thêm việc chúng phát triển rất nhanh khiến người dân phải vô cùng vất vả để diệt trừ cây mai dương, bảo vệ những cây trồng hữu ích của mình.
    Tuy nhiên, xâm hại đến môi trường, cân bằng sinh thái chưa phải là mối nguy hại duy nhất của sinh vật ngoại lai bởi nhiều loài, chúng còn có tác hại là mang dịch bệnh, như loài gián đất mới phát hiện ở Bắc Ninh cách đây chưa lâu. Theo tìm hiểu, loài gián đất này là loại sinh vật ngoại lai có nguồn gốc từ Trung Quốc, chưa được phép nhập và nuôi ở Việt Nam nhưng chúng lại xuất hiện ở Bắc Ninh. Về tác hại, gián đất chính là loài sinh vật trung gian truyền nhiễm những loại dịch bệnh như tiêu chảy, dịch tả… khiến cho chúng cực kỳ nguy hiểm vì nhiều người nhầm lẫn với loài gián khác. Hơn nữa, môi trường sống của chúng cũng khá kín đáo, khó có thể tiêu diệt chính là nguyên nhân biến chúng trở thành loài vật nguy hiểm. Mặc dù vậy, gián đất lại được một số người cho rằng có khả năng chữa bệnh nên giá thành của chúng khá cao. Cộng thêm việc chúng dễ nuôi và sinh sản cực nhanh, có thể trong một thời gian ngắn, vài cặp gián đất bố mẹ đã nhân giống lên hàng ngàn con khiến chúng thành món hàng béo bở.
    Các giải pháp hạn chế sinh vật ngoại lai
    Vì những tác hại to lớn và ghê ghớm của những sinh vật ngoại lai, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể và cấp bách để cứu những sinh vật nội địa khác và cả hệ sinh thái môi trường sống của con người. Theo đó, chúng ta phải áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ để ngăn ngừa, kiểm soát và quản lý loài ngoại lai xâm hại. Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phát hiện, khảo nghiệm, phân tích nguy cơ, đánh giá rủi ro đến môi trường và đa dạng sinh học, kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại. Nghiên cứu, áp dụng giải pháp công nghệ để xác định hướng lây lan của các loài ngoại lai xâm hại dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu giải pháp phục hồi hệ sinh thái bằng các loài cây bản địa nhằm ngăn ngừa sự tái xâm nhập của loài ngoại lai xâm hại. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những biện pháp khác như tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đào tạo và nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai xâm hại. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, phổ biến việc nhận dạng loài ngoại lai xâm hại, phương pháp ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ và tiến tới loại bỏ loài ngoại lai xâm hại; tăng cường đào tạo, tập huấn cho sinh viên tại các trường đại học chuyên ngành về phân loại học đối với loài ngoại lai. Thiết lập mạng lưới và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về loài ngoại lai xâm hại trên toàn quốc.
    Có thể nói, việc gìn giữ môi trường sinh thái một cách lành mạnh, ổn định tránh sự tác động xấu của những sinh vật ngoại lai đang là một vấn đề bức thiết chung của toàn xã hội, cần sự chung tay giúp sức của tất cả mọi người. Hi vọng, trong thời gian tới, những loài sinh vật ngoại lai gây hại sẽ không được du nhập vào Việt Nam và những loài đã có mặt ở nước ta dần dần phải bị loại trừ, trả lại sự cân bằng cho hệ sinh thái chung.
                                                                                                 
    CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
    LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
    ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
     HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mat-can-bang-sinh-thai-boi-sinh-vat-ngoai-lai-a40611.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan