Hàng trăm trụ tiêu đang kỳ kinh doanh đã bị “tiêu tặc” chặt gốc, cào sạch trái, người dân trồng tiêu tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đứng ngồi không yên, dựng chòi, mắc võng ngủ ngay ngoài vườn tiêu để canh. Tình trạng chặt trộm diễn ra kéo dài, người trồng tiêu đang hoang mang, trong khi đó chính quyền gần như bất lực.
Chặt trụi, cào sạch
Từ cuối năm 2013, nhiều vườn tiêu của người dân tại huyện Cư Kuin liên tục bị “tiêu tặc” viếng thăm. Theo thống kê, ít nhất đã có vài chục hộ bị cắt trộm dây tiêu, ít thì từ 5-7 trụ, nhiều thì 20-30 trụ, tổn thất ước cả tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, trú thôn 11, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin trồng hơn 1 nghìn trụ tại rẫy cách nhà không xa. Đầu năm 2014, tiêu vừa bước sang kỳ kinh doanh đã bị kẻ gian chặt dây 26 trụ.
Một vườn tiêu của nông dân trơ trụi khi bị cào trộm trái và chặt lấy dây. |
“Mỗi trụ tiêu từ lúc xuống giống đến khi cho thu hoạch mất 3 năm. Cộng hết tiền giống, trụ, phân bón, công chăm sóc, trung bình mỗi trụ tiêu tốn từ 5 đến 7 triệu đồng. Tiêu được chăm sóc tốt nên cho thu từ 15-17 kg tiêu hạt, với mức giá từ 130-140 nghìn đồng/kg như hiện nay, mỗi trụ tiêu bị chặt, tôi bị mất trắng từ 2-3 triệu đồng”, ông Xuân xót xa.
Bi hài nhất có lẽ là hộ ông Trần Văn Hạnh (xã Ea B’hốk), gia đình ông vay mượn trồng 500 trụ trong vườn sát nhà hết cả trăm triệu đồng. Tiêu đến kỳ thu hoạch, được mùa được giá, vợ chồng chưa kịp mừng thì bọn trộm vào cắt dây, cào trụi trái 50 trụ. Còn khoảng 100 trụ chưa hái kịp, sợ bị kẻ gian “đột kích” lần nữa, vợ chồng bàn nhau dựng lều thay phiên canh giữ ngày đêm.
Theo ông Hạnh, “tiêu tặc” thường chọn những vườn tiêu sai trái để trộm. Khi lọt vào vườn, chúng dùng cào sắt cào trụi trái lẫn lá, thậm chí kéo đứt dây tiêu xuống đất để hái. Ác hơn, chúng chặt dây tiêu sát gốc rồi đưa đến chỗ vắng tuốt lấy hạt.
Cũng theo ông Hạnh, bọn trộm tiêu rất liều lĩnh, chúng thường đi theo tốp 4 - 5 tên và mang theo hung khí như dao, rựa phát và gậy gộc. Nhiều chủ khi phát hiện trộm, tiến hành truy đuổi liền bị chúng dùng hung khí chống trả và tỏ thái độ rất hung hãn, thậm chí sau đó quay lại trả thù.
Trường hợp hộ anh Lê Huy (ngụ xã Ea B’hốk) phát hiện “tiêu tặc” đang chặt trộm tiêu trong vườn, tiến hành đuổi bắt thì bị chúng truy kích ngược, quá sợ, anh Huy báo chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ.
Những tưởng thế là yên, bẵng đi ít hôm, “tiêu tặc” bất ngờ quay lại “dằn mặt” chặt phá hơn 50 trụ tiêu, gây thiệt hại cả trăm triệu đồng.
Bó tay với nạn trộm, cướp tiêu?
Về việc “tiêu tặc” lộng hành tại Cư Kuin, ông Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu cho biết, khoảng vài năm trở lại đây giá tiêu tăng cao đột biến, một ký tiêu bán đã có cả trăm nghìn đồng khiến nhiều đối tượng bất chính nảy lòng tham bất chấp hái trộm để lấy tiền tiêu xài.
Vườn tiêu bị cào trộm trái và chặt lấy dây. |
Bên cạnh đó, việc người dân ồ ạt mở rộng diện tích, trong khi nguồn tiêu giống không đủ cung cấp, khiến nhiều kẻ hám lời đi cắt trộm dây tiêu về giâm giống, bán thu lợi.
Tại xã Ea Tiêu, từ đầu năm đến nay, ghi nhận xảy ra 5 vụ cắt, trộm tiêu quy mô lớn. Qua kiểm tra hiện trường, nhận thấy các vụ trộm xảy ra dưới 2 hình thức: một là cắt trộm dây tiêu bán cho các vườn ươm tiêu giống; hai là chặt vườn tiêu, phá hoại kinh tế để trả đũa.
Theo ông Hạnh, các đối tượng này thường đi thành từng tốp có nam, lẫn nữ và cử người canh gác vòng ngoài, nếu có động chúng dùng điện thoại liên lạc để tẩu thoát. Do đó, tại những địa bàn xảy ra việc mất trộm tiêu, lực lượng công an xã liên tục tổ chức tuần tra, mật phục cả ngày lẫn đêm, nhưng đến nay vẫn chưa bắt được đối tượng nào.
Còn theo ông Nguyễn Bường, Trưởng Công an huyện Cư Kuin, trước tình hình diễn biến phức tạp của nạn cắt trộm dây tiêu, đơn vị đã lập riêng chuyên án để điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, theo ông Bường, việc điều tra đang gặp khá nhiều khó khăn, bởi những kẻ cắt trộm dây tiêu rất chuyên nghiệp. Chúng không hành động liên tục mà theo chu kỳ, cứ 15-20 ngày tiến hành một vụ.
Địa bàn xảy ra các vụ việc thường nằm trong rẫy cách xa khu dân cư và trên một diện tích rộng, việc khoanh vùng, truy tìm hung thủ vì thế gặp rất nhiều khó khăn.