+Aa-
    Zalo

    Mập mờ thông tin nước mắm có thạch tín: NTD hoang mang, doanh nghiệp khóc ròng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Gần 70% mẫu nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng cho phép và rò rỉ danh sách các hãng nước mắm có hàm lượng thạch tín cao đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

    (ĐSPL) - Gần 70% mẫu nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng cho phép và rò rỉ danh sách các hãng nước mắm có hàm lượng thạch tín cao đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

    Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, công bố trên là quá vội vàng, thậm chí vô trách nhiệm với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong khi đó, đại diện bộ Y tế cũng lên tiếng trấn an, khi chưa có kết luận của cơ quan quản lý, người dân không nên quá hoang mang.

    Đạm càng cao nhiễm thạch tín càng nặng?

    Mới đây, hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố kết quả cuộc khảo sát nước mắm toàn quốc khiến người tiêu dùng lo lắng. Theo đó, khi xét nghiệm 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai của 88 nhãn hiệu cho thấy 125/150 mẫu khảo sát có ít nhất 1 tiêu chuẩn (trên tổng số 5 tiêu chuẩn trong nhóm hoá học) không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hoá. Điều người dân lo lắng chính là thông tin 101/150 mẫu thử (tức 67,33%) mẫu mắm nhiễm asen (thạch tín) vượt ngưỡng so với quy định của bộ Y tế.

    Đáng chú ý, công bố chỉ ra độ đạm càng cao, tỷ lệ nhiễm asen càng lớn. Cụ thể 95,65% mẫu có độ đạm từ 40 độ trở lên đều có hàm lượng thạch tín vượt quy định. Công bố trên được đưa ra vào chiều 17/10. Lãnh đạo Vinastas cho biết, mục đích của khảo sát lần này là thông tin cho người tiêu dùng biết về thực trạng của nước mắm, còn Hiệp hội không có trách nhiệm công bố tên sản phẩm nào nhiễm asen vượt ngưỡng.

    Thông tin vừa công bố, trong khi dư luận đang hoang mang thì các chuyên gia và nhà khoa học phản ứng rất mạnh. Họ cho rằng, Vinastas đã công bố quá vội vàng. Thậm chí, dư luận lại đặt câu hỏi, phải chăng cuộc khảo sát này xuất phát từ “cuộc chiến” giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống?

    Mới đây tiếp tục trên mạng xã hội rò rỉ danh sách các hãng nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng. Đáng chú ý, trong danh sách này, đa số là các thương hiệu nước mắm truyền thống, còn những thương hiệu được xem là “nước mắm công nghiệp” thì nằm trong ngưỡng an toàn?

    Không ít người dân tạm dừng dùng nước mắm chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng. Ảnh minh họa.

    Để làm rõ thông tin, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Vinastas. Ông Tuấn khẳng định, Vinastas chưa công bố bất kỳ thông tin gì về danh sách tên các loại nước mắm vượt hàm lượng thạch tín cho phép. Việc ai đó lấy ở đâu và đưa ra thì Hội không chịu trách nhiệm.

    Ông Vương Ngọc Tuấn cũng phủ nhận thông tin tiếp tay cho một số doanh nghiệp khi đưa ra bản công bố này. “Không có chuyện đó. Nói chúng tôi tiếp tay cho doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp là sai. Mục đích của Hiệp hội chỉ nhằm mang lại thông điệp giúp người tiêu dùng lựa chọn, tìm hiểu và đòi hỏi sản phẩm cụ thể về việc công khai các hàm lượng trên sản phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất nước mắm tự nhìn nhận về sản phẩm có đảm bảo các tiêu chuẩn công bố hay không; Có vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm hay không”, ông Tuấn khẳng định.

    Chia sẻ với PV, bà Phạm Thị Dung (Tổ 7, phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) tỏ ra lo lắng: “Nhà tôi vẫn đặt mua mắm truyền thống. Giờ nghe thông tin nhiễm thạch tín có thể gây ung thư mà sợ quá. Thông tin mắm nhiễm thạch tín độc hại hay không độc hại và mức độ như thế nào cứ loạn lên không biết đâu mà lần. Thậm chí loại nước mắm nhà tôi vẫn ăn nằm trong danh sách nhiễm thạch tín rất cao. Giờ không biết nên dùng loại nước mắm nào an toàn. Bộ Y tế sớm đưa ra kết luận để người dân yên tâm”.

    Công bố vội vàng, thiếu trách nhiệm

    Dưới góc nhìn chuyên gia, trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - ĐH Bách Khoa Hà Nội, thẳng thắn: “Thông tin nước mắm chứa asen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định của hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng rất mập mờ. Mập mờ ở chỗ không công bố cụ thể asen ở đây là vô cơ hay hữu cơ. Bởi asen vô cơ rất độc hại còn asen hữu cơ gần như vô hại. Thông tin không rõ ràng này khiến người dân hoang mang, lo lắng. Với thông tin nước mắm có chứa thạch tín cao, vượt ngưỡng, người dân sẽ ngầm hiểu như vậy là rất độc. Bởi từ trước đến nay thạch tín là chất rất độc dùng làm thuốc diệt chuột...”.

    PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích, nước mắm nguyên chất làm từ cá, mà trong cá đã có chứa hàm lượng asen hữu cơ cao. Và, asen hữu cơ cũng sinh ra trong quá trình hải sản tự phân hủy. Bởi vậy, nước mắm có độ đạm cao có asen hữu cơ là hiển nhiên. Công bố đưa ra các thông tin rất chung chung tổng hợp cả asen vô cơ và hữu cơ là thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Việc công bố trên là quá vội vàng và thiếu cơ sở khoa học.

    Đồng quan điểm, PGS. TS Phan Thị Sửu, Giám đốc trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) cho rằng: “Việc công bố nước mắm vượt ngưỡng nhiễm asen của Vinastas là quá vội vàng. Công bố trên chưa biết thực hư thế nào nhưng trước mắt khiến người dân hoang mang, lo lắng còn doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống ít nhiều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khảo sát cũng chưa chỉ ra được asen trong nước mắm là vô cơ hay hữu cơ. Hơn nữa, tôi tự hỏi, quy trình lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển, bảo quản mẫu xét nghiệm và cơ quan làm xét nghiệm có đảm bảo đúng quy trình và khoa học hay không?”.

    Về phía doanh nghiệp, anh Trường Anh, quản lý nhãn hiệu nước mắm Nam Phan (thương hiệu nằm trong nhóm nước mắm nhiễm thạch tín vượt ngưỡng quy định) bức xúc: “Tôi có biết thông tin nước mắm Nam Phan bị liệt vào nhóm có chứa thạch tín cao. Tôi không biết Vinastas căn cứ vào đâu để đưa ra danh sách này hay vì mục đích nào khác? Chúng tôi sẽ gửi văn bản đề nghị Vinastas trả lời rõ và làm cho ra nhẽ trong thời gian sớm nhất. Việc công bố thiếu trách nhiệm này chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, uy tín của chúng tôi”.

    Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch hiệp hội Nước mắm Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cũng lên tiếng, phải xem lại công bố của Vinastas bởi doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống đều phải tuân thủ quy định của cục ATTP (bộ Y tế) và sở Y tế địa phương. Nước mắm truyền thống đang được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu,... thì làm sao nhiễm asen gây nguy hại đến sức khỏe được vì thị trường này đòi hỏi chất lượng, tiêu chuẩn rất cao.

    Trước công bố của Vinastas, trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết: “Cục An toàn thực phẩm sẽ cùng các cơ quan bộ Y tế lấy mẫu, kiểm nghiệm. Khi có kết luận cuối cùng sẽ báo cáo Thủ tướng trước 22/10. Hiện tại các thông tin về nước mắm khi chưa có phát ngôn của cơ quan quản lý người dân không nên hoang mang. Hiện kết quả của Vinastas chỉ là khảo sát để xác minh thông tin, chưa phải kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng nước mắm trên thị trường”.

    Ảnh hưởng sẽ rất lớn

    “Công bố đưa thông tin cần phải khách quan dựa trên cơ sở khoa học nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành sản xuất nước mắm nói riêng và ngành xuất khẩu cá nói chung của Việt Nam. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đúng, nhưng phải nói đúng, làm đúng. Với những thông tin trên thì người dân chắc chắn sẽ nghi ngại nước mắm truyền thống. Hơn nữa, việc xuất khẩu nước mắm sang thị trường các nước sẽ gặp khó khăn”, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch hiệp hội Nước mắm Phan Thiết nói.

    VŨ PHƯƠNG - HOÀNG BÍCH

    Xem thêm video:

    [mecloud]E5E2puflDD[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/map-mo-thong-tin-nuoc-mam-co-thach-tin-ntd-hoang-mang-doanh-nghiep-khoc-rong-a167430.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.