Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Mâm ngũ quả không chỉ để dâng lên bàn thờ tổ tiên mà còn trang trí cho không khí Tết thêm rực rỡ.
Tuy nhiên, tùy theo văn hóa, khí hậu và phong tục từng miền mà có sự khác biệt giữa các loại quả ở Bắc-Trung-Nam
Cách bày mâm ngũ quả Tết ở miền Bắc. |
Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc theo truyền thống gồm 5 loại quả tượng trưng cho năm yếu tố ngũ hành là: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim và Thủy được cho là cấu thành nên vũ trụ đó là: chuối/táo màu xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam/quýt màu vàng; hồng đỏ hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi/đào/lê màu trắng; hồng xiêm/nho/măng cụt/mận tím. Người miền Bắc thường chọn số quả lẻ khi bày mâm ngũ quả ngày Tết.
Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác.
Mâm ngũ quả đẹp là mâm ngũ quả có đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi căng mọng hoặc quả phật thủ chín vàng nổi bật. Những quả chín đỏ đặt xung quanh. Những chỗ khuyết đặt xen kẽ quýt vàng, táo màu xanh hoặc những trái ớt đỏ mọng.
Mâm ngũ quả trông đẹp mắt sẽ thể hiện mong muốn một năm mới đủ đầy, trọn vẹn và hạnh phúc.
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Trung
Mâm ngũ quả theo phong tục miền Trung. |
Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Trung. Khúc ruột miền Trung nghèo khó, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon.
Người miền Trung thường bày mâm ngũ quả theo những loại quả vốn có sẵn ở quê hương chứ không cầu kì như nhiều miền khác. Các loại quả thường thấy là: Thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…
Các tỉnh thành ở miền Trung đa phần đều giữ được nền văn hoá làng xã, họ tộc. Những bảng gia phả hơn mười đời tổ tiên là niềm tự hào chung của mỗi người con được sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất miền Trung.
Mâm ngũ quả chuẩn theo phong tục miền Nam
Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.
Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mỗi người một cuộc sống và mong muốn khác nhau, biết là nào là “đủ”, nhưng ai cũng chỉ cần đủ mà thôi.
Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt, như:
Chuối: Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được.
Lê, táo (bom): Lê lết, đổ bể, dễ thất bại.
Cam, quýt: Quýt làm cam chịu.
Ngoài ra mâm ngũ quả miền Nam còn có thêm một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng tượng trưng cho sự may mắn và trái thơm (quả dứa) để tượng trưng cho con cái đủ đầy.
Cách bày đơn giản là chọn những trái lớn như đu đủ, dừa, mãng cầu đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó bày những quả nhỏ hơn lên trên, sắp xếp hợp lý để mâm ngũ quả có hình thù giống như một ngọn tháp. Riêng cặp dưa hấu thì được dùng để đặt hai bên sau khi mâm ngũ quả đã hoàn thành.
Tùy theo từng vùng miền với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. - Lê (hay mật phụ), ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ - Lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống - Đào thể hiện sự thăng tiến - Mai, do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn - Phật thủ giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người - Táo (loại trái to màu đỏ tươi) có nghĩa là phú quý - Hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt - Thanh long - ý rồng mây gặp hội - Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn - Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương đọng thành quả ngọt và che chở, bảo bọc - Quả trứng gà có hình trái đào tiên - lộc trời - Dừa có âm tương tự như là “vừa," có nghĩa là không thiếu - Sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc - Đu đủ mang đến sự đầy đủ thịnh vượng - Xoài có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. |
Minh Minh(T/h)