Miền Trung và miền Bắc đang hứng chịu những trận lũ lụt lịch sử, gây hậu quả nặng nề.
Từ ngày 9/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung mưa lớn, các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa nước lũ dâng cao, nhấn chìm hàng trăm nhà dân. Sau đó, mưa lớn "dịch chuyển" ra miền Bắc, gây mưa lớn, sạt lở đất ở Hòa Bình, xuất hiện đợt lũ lịch sử ở Yên Bái. Tính đến chiều 12/10, tại miền Bắc hơn 50 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích và bị thương.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái, tính đến cuối ngày 11/10, số lượng người chết và mất tích đã tăng lên 15 người; 1.108 ngôi nhà bị thiệt hại; nhiều điểm trường học bị cuốn trôi và ngập hoàn toàn; nhiều công trình giao thông; thủy lợi hư hỏng hoàn toàn...ước tính thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng.
Vào khoảng 1h30' ngày 12/10 tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sạt lở đất vùi lấp 4 ngôi nhà với 18 người. Ngay sau khi xảy ra sự cố, hàng trăm chiến sĩ, lực lượng cứu hô, người dân đã được huy động đến hiện trường để tìm kiếm các nạn nhân. Đến sáng ngày 13/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 10 thi thể nạn nhân.
Trả lời báo VnExpress về nguyên nhân mưa lũ lịch sử ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đợt mưa trong hai ngày 9-10/10 do tác động của hai hình thái thời tiết - áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Đổ bộ vào Nghệ An - Hà Tĩnh rạng sáng 10/10, áp thấp nhiệt đới chỉ gây mưa vừa cho hai tỉnh này, nhưng đã tạo ra một sóng khí áp lan truyền tới phía Bắc, gây mưa lớn cho Thanh Hóa, phía nam đồng bằng Bắc Bộ và một số tỉnh phía tây như Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình.
Mưa lũ đổ về Yên Bái. Ảnh: Trí Thức Trẻ |
Không khí lạnh giai đoạn đầu mùa không phải là dạng gió bắc hay đông bắc mà là gió đông và đông đông bắc, di chuyển về Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc) rồi tràn xuống Việt Nam. Không khí lạnh kết hợp với áp thấp nhiệt đới hay bão gây ra mưa lũ khủng khiếp.
"Tôi phải nhấn mạnh thông thường vào mùa thu, chỉ không khí lạnh, hoặc là áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to. Nhưng mấy ngày qua, hai yếu tố này lại kết hợp tạo nên một đợt mưa lớn. Rất nhiều điểm mưa trên 400 mm, cá biệt tại Bến Thượng (Thanh Hóa) tới 536 mm. Mực nước sông Hoàng Long ở Ninh Bình cao kỷ lục, tại Bến Đế (Gia Viễn) là 5,49 m, cao hơn lũ lịch sử năm 1985 tới 29 cm.
Một nguyên nhân nữa là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến các trận mưa có tính cực đoan và khó lường", ông Hải cho hay.
Nhiều hộ dân ở Yên Bái bị cô lập. Ảnh: Tiền Phong |
Ông Hải cũng dự báo, những ngày tới mưa ở Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ đã giảm, Đông Bắc Bộ còn một vài nơi. Chỉ khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là có mưa vừa và một số nơi mưa to. Hình thái thời tiết này sẽ tiếp diễn trong ít nhất ba ngày tới.
Một cơn bão mới lại hình thành. Khi vào bắc biển Đông, bão gặp không khí lạnh tràn xuống vào đêm 15/10. Hai yếu tố này kết hợp, bẻ cơn bão đi xuống phía tây. Dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa vừa và mưa rất to ở các tỉnh từ Thanh Hóa đền Quảng Ngãi từ đêm 15 đến hết ngày 18/10. Các tỉnh ở Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ cũng sẽ có mưa vừa, một số nơi mưa to.
Hoàng Yên (T/h)