TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi - BV Việt Đức cho biết: Hầu hết các trường hợp mắc phải hội chứng 2 cơ quan sinh dục nam và nữ ở miền núi nước ta là do hôn nhân cận huyết.
Sau bài báo của VTC News về "Vùng đất trẻ em có hai "của quý" ở Hà Giang", Tiến sỹ Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi - Bệnh viện Việt Đức đã cho biết: "Việc những đứa trẻ bị dị tật như trên không phải hiếm gặp ở nước ta dù khá hiếm trên thế giới. Tôi đã đi tất cả các tỉnh biên giới rồi và tôi thấy rằng, tình trạng dị tật tiết niệu sinh dục đặc biệt là dị tật cơ quan sinh dục có rất nhiều, có những gia đình có mấy anh em đều bị.
Tiến sỹ Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi - Bệnh viện Việt Đức |
Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng trên, tuy nhiên, thực tế ghi nhận hầu hết các trường hợp mắc phải hội chứng này ở miền núi nước ta là do hôn nhân cận huyết.
Tôi từng mổ cho một bệnh nhân ở Hà Giang ở vùng rất sâu, rất xa, bệnh nhân này bị tăng sản thượng thận bẩm sinh, nghĩa là có bộ phận sinh dục ngoài giống như nam nhưng bản chất bệnh nhân là nữ. Tôi đã mổ xong, tạo hình lại cơ quan sinh dục cho bệnh nhân và cho bệnh nhân uống thuốc để duy trì và ổn định cơ thể.
Về những trường hợp trong bài viết về "Vùng đất trẻ em có hai 'của quý' ở Hà Giang" mà VTC News đăng tải, mới đây tôi cũng có nhận được điện thoại của cán bộ của huyện Bắc Mê, họ có nhờ tôi lên thăm khám để mổ, phẫu thuật cho các trường hợp dị tật ở địa phương. Tuy nhiên, việc này không thể 1-2 ngày là thực hiện được".
Bác sĩ Việt Hoa nói thêm: "Dù vậy, tôi xin khẳng định, tất cả các cháu này, tôi hoàn toàn có thể giúp đỡ miễn phí, kể cả là tiền để các cháu về Bệnh viện Việt Đức mổ, chi phí phẫu thuật, chi phí ăn ở trong thời gian ở bệnh viện.
Tuy nhiên, trước khi được phẫu thuật, các cháu vẫn cần phải được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm đánh giá, sau đó các bác sĩ mới hội chẩn và kết luận chi tiết về phương pháp chữa trị.
Để phẫu thuật, tốt nhất là chuyển các cháu xuống Hà Nội, còn phẫu thuật ở tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh là không thể được, vì các phương tiện cơ sở vật chất, kỹ thuật không đảm bảo".
Bác sĩ Việt Hoa nhấn mạnh: "Xin nói rõ là để đến bước phẫu thuật, các cháu cần phải được thăm khám, xét nghiệm, đánh giá kỹ càng của 5 chuyên gia gồm: Chuyên gia gene di truyền, nội tiết, phẫu thuật, thẩm mỹ, sản. Đây đều là các bước quan trọng không thể thiếu".
Theo bác sĩ Hoa, các cháu bé cùng lúc có 2 cơ quan sinh dục nam và nữ tại Hà Giang mắc phải Hội chứng DSD - còn gọi là Hội chứng rối loạn phát triển giới tính. Những bệnh nhân mắc phải hội chứng này nếu nhìn bên ngoài sẽ tưởng rằng cùng lúc họ có 2 bộ phận sinh dục nhưng không phải.
Các cháu bé này có biểu hiện khá giống nhau: Có trường hợp xét nghiệm nhiễm sắc thể (NST) của nó là nữ, nhưng cái nội tiết tố của nó không nhạy cảm với nội tiết tố nữ, mà nó nhạy cảm với nội tiết tố nam. Chính vì thế, các bộ phận sinh dục ngoài của nó sẽ phát triển như của nam, âm vật to như dương vật nhưng cơ thể vẫn có âm đạo, có trường hợp vẫn có buồng trứng.
Ngược lại, có trường hợp NST là nam, nhưng không nhạy cảm với nội tiết tố nam mà nhạy cảm với tiết tố nữ dẫn tới là nam giới nhưng cơ quan sinh dục lại phát triển thêm cả "môi bé, môi lớn"... như con gái.
Những cháu bé mắc phải hội chứng này có thể phát hiện sớm, có nhiều trường hợp có biểu hiện sớm từ sơ sinh có thể phát hiện sớm, tuy nhiên có những cháu bé giai đoạn sơ sinh không có biểu hiện gì, chỉ đến giai đoạn phát triển mới phát hiện ra được...
Việc chữa trị cho các bệnh nhân này càng sớm càng tốt, vì nếu để quá lâu bệnh nhân bắt đầu dậy thì sẽ ảnh hưởng tới tâm sinh lý của các cháu, ảnh hưởng tới việc phát triển xương, tăng trưởng chiều cao của cơ thể.
Theo ghi nhận những trường hợp mắc phải hội chứng này thường dậy thì sớm, 8-10 tuổi đã dậy thì rồi, cũng vì thế họ thường có hình dáng thấp bé chỉ cao khoảng trên dưới 1,4m một chút vì xương thường không phát triển.
Rất nhiều trẻ em ở Bắc Mê (Hà Giang) có hai bộ phận sinh dục. (Ảnh: Phạm Ngọc Dương) |
Để chỉnh sửa giới tính cho những trường hợp này, cách duy nhất là phẫu thuật, sau đó là sử dụng thêm một số loại thuốc nội tiết.
Thiết nghĩ, để chấm dứt được tận gốc số trẻ mắc căn bệnh tưởng như "giời phạt" này cần phải có biện pháp tuyên truyền, giáo dục người dân có những hiểu biết cần thiết về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống cũng như cần có những biện pháp thiết thực để ngăn ngừa hủ tục này.
Ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phổ biến nhất là hôn nhân con cô - con cậu, tức là hôn nhân giữa con của anh hoặc em trai với con của chị hoặc em gái.
Đáng báo động nhất là một số dân tộc vùng cao, vùng sâu như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru, đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum) là những dân tộc chỉ có dân số dưới 1.000 người đang có nguy cơ suy giảm giống nòi do tình trạng hôn nhân cận huyết.
Những đứa trẻ mang hai bộ phận sinh dục ở Ký Thì, Hà Giang. |
Trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống còn rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm về máu như bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và rối loạn đông máu bẩm sinh (Hemophilia).
Minh Minh(T/h)