Cao khảo được đánh giá là kỳ thi sinh tử, quyết định tương lai sau này của học sinh. Đây là một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới với 4 bài thi: tiếng Anh, tiếng Trung, Toán, một môn tự nhiên tự chọn (Sinh học, Vật lý, Hoá học) và một môn xã hội tự chọn (Lịch sử, Địa lý, Chính trị). Năm nay kỳ thi cao khảo sẽ diễn ra vào (7/6) và (8/6). Không giống như các học sinh Mỹ có thể tham gia thi SAT nhiều lần, đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học Cao khảo kéo dài hai ngày là cách duy nhất để vào các trường đại học hàng đầu của đất nước và hầu hết học sinh Trung Quốc chỉ được có một cơ hội duy nhất để tham gia kỳ thi mang tính cạnh tranh khốc liệt này.
Có thể nói, với hàng triệu thí sinh Trung Quốc thì đây là chính giây phút mà 12 năm đèn sách cuối cùng có thể đơm hoa kết trái. Truyền thông tuần qua đăng tải những bức ảnh cho thấy nhiều học sinh đến các ngôi đền để thắp nhang và cầu nguyện cho kết quả tốt. Nhiều giáo viên phát bánh bao gạo để lấy may.
Những ngày này mạng xã hội Trung Quốc cũng tràn ngập những thông điệp chúc may mắn và động viên.
Được biết đây là kỳ thi đại học đầu tiên sau khi Trung Quốc tiến hành nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên các biện pháp bảo vệ an ninh kỳ thi vẫn diễn ra hết sức nghiêm ngặt.
Chính vì lượng thí sinh cao kỷ lục cũng như những nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể rình rập, giới chức Trung Quốc đặc biệt áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt để có thể có một kỳ thi thành công. Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường vào ngày 3/6 đã chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này đảm bảo kỳ thi tuyển sinh đại học diễn ra suôn sẻ.
Thời báo Hoàn Cầu đưa tin nhiều thành phố ở Trung Quốc đã nâng cấp kiểm tra an ninh cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới.
Trong đó lắp đặt thiết bị kiểm tra an ninh thông minh lần đầu tiên và yêu cầu thí sinh không đeo đồ trang sức bằng kim loại, nhằm ngăn chặn gian lận và đảm bảo tính công bằng của kỳ thi này.
Nhằm loại bỏ các sai phạm có thể xảy ra trong kỳ thi, những ngày gần đây Bộ Công an Trung Quốc đã phát động chiến dịch "đưa ra ánh sáng" những vụ việc liên quan đến gian lận có tổ chức, dùng thiết bị chụp ảnh bí mật để gian lận trong kỳ thi...
Chiến dịch này được phát động vài ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay.
Một số tỉnh như Quảng Đông và Vân Nam đã nâng cấp kiểm tra an ninh, bao gồm lắp đặt thiết bị kiểm tra an ninh thông minh lần đầu tiên trong năm nay, để phát hiện bất kỳ thiết bị điện tử nào, chẳng hạn như điện thoại di động, tai nghe, đồng hồ điện tử hoặc các thiết bị hỗ trợ gian lận khác.
Ngoài khả năng phát hiện thiết bị gian lận, hệ thống kiểm tra an ninh thông minh còn tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt để tránh trường hợp người khác đi thi thay thí sinh.
Theo số liệu do Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố tuần trước, có tới 12,91 triệu người - con số cao kỷ lục - đã đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc năm nay, đánh dấu mức tăng 980.000 thí sinh so với năm 2022.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, thành phố Tất Tiết ở tỉnh Quý Châu thì yêu cầu các thí sinh phải trải qua quy trình kiểm tra an ninh ba bước trước khi vào địa điểm thi. Nhiều trường thi khác còn triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, nhận diện khuôn mặt để tránh trường hợp có người đi thi hộ.
Ngày 4/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cảnh báo với các thí sinh dự thi tuyển sinh đại học năm nay rằng hãy tham gia kỳ thi và cư xử một cách chính trực, đúng với các điều luật và tránh việc bị lợi dụng trong thi cử.
Theo các chuyên gia giáo dục, để gian lận trong kỳ thi Cao khảo là một việc cực kỳ khó, và các thí sinh có ý định gian lận cũng khó mà thực hiện trót lọt, nếu so với các kỳ thi khác như SAT hay ACT. Một khi bộ đề bị phát hiện là đã bị tuồn ra ngoài, một bộ đề khác ngay lập tức sẽ được "kích hoạt". Nếu gian lận mà bị phát hiện, thí sinh có thể bị cấm thi trong vòng vài năm, nghiêm trọng hơn là có thể bị phạt án tù nhiều năm.
Không ngoa khi nói rằng không khí thi cử đã bao trùm cả đất nước Trung Quốc trong những ngày diễn ra kỳ thi Cao khảo vừa qua. Học sinh tập trung đông đúc tại các cổng trường; gia đình hồi hộp chờ đợi và cầu nguyện ở bên ngoài là những hình ảnh thường thấy tại các tỉnh thành Trung Quốc những ngày này. Tất cả mọi quan tâm của chính quyền đều đổ đồn cho kỳ thi được coi là khốc nghiệt bậc nhất và có quyết định lớn tới số phận học sinh.
Tại nhiều trường Phổ thông, nhà trường đã tổ chức hàng loạt hoạt động cổ vũ tinh thần cho sĩ tử thi Đại học như phát bánh miễn phí, biểu diễn văn nghệ, toàn bộ thầy cô mặc sườn xám (biểu tượng cho đỗ đạt trong thi cử)...
Có thể nói, hiếm có có sĩ tử nước nào đi thi đại học bằng đa dạng phương tiện như sĩ tử Trung Quốc. Ngoài việc tự đạp xe đến trường hoặc nhờ bố mẹ đưa đón, thí sinh có thể đến điểm thi bằng xe bus, tàu điện ngầm được phân công riêng cho công tác đưa đón học sinh lớp 12 thi đại học.
Trước kỳ thi Cao khảo, Bộ Công an và Bộ Giao thông nước này đã phối hợp phân luồng xanh nhiều tuyến đường để kịp thời đưa đón các trường hợp đặc biệt như thiếu giấy tờ hay ngủ quên tới phòng thi kịp lúc. Cảnh sát giao thông, lực lượng cứu hoả đã được phân bổ đến mọi điểm thi, nhà xe để đảm bảo tất cả sĩ tử có thể tìm đến sự giúp đỡ bất kỳ lúc nào.
Gần sát ngày thi, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng cảnh sát tiến hành hàng loạt biện pháp kiểm soát tiếng ồn như hoãn thi công công trình xây dựng, đóng cửa cửa hàng vượt mức tiếng ồn cho phép. Cảnh sát được cử đi dọc các tuyến phố để duy trì sự yên tĩnh trong suốt quá trình dự thi. Xe cứu thương và hàng chục nhân viên túc y tế luôn trực ngoài phòng thi phòng trường hợp thí sinh có bất ổn về tâm lý hay sức khoẻ.
Đối với thí sinh có hành vi gian lận sẽ bị huỷ hoàn toàn kết quả thi, cấm thi trong 3 năm hoặc đi tù... Toàn bộ quá trình làm bài của hầu hết thí sinh đều được camere ghi lại và gửi thẳng đến kho dữ liệu chung để phục vụ công tác điều tra sau này.
Thùy Dung(T/h)