Nên đăng ký nguyện vọng sớm
Theo quy định của bộ GD&ĐT, từ 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia, theo Pháp luật TP.HCM.
Từ 21/8 đến 17h ngày 28/8, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) tính đến thời điểm hiện tại mặc dù đã hết 2/3 thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển tuy nhiên trên 50% thí sinh chưa thực hiện đăng ký. Năm nay tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển hơn 939.000. Đến nay đã có 180.823 nguyện vọng được đăng ký lên hệ thống.
Theo quy định, thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển vẫn tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng (trong thời gian quy định) không giới hạn số lần. Khi hết thời gian đăng ký, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo và khi đó thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký xét tuyển nữa.
Vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) khuyến cáo thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển trước hạn cuối (trước 17h ngày 20/8) để tránh các rủi ro về kỹ thuật (nếu có).
Hiện trên hệ thống đã hỗ trợ thông tin để thí sinh biết đã đăng ký đúng nguyện vọng trúng tuyển có điều kiện (trúng tuyển sớm) hay chưa và số thứ tự nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh có thể vào mục Tra cứu - Danh sách nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, để xem thông tin chi tiết. Bên cạnh đó, thí sinh có thể kiểm tra danh sách các nguyện vọng trúng tuyển có điều kiện đã đăng ký, tránh nhầm lẫn, sai sót làm mất cơ hội xét tuyển.
Nắm chắc nguyên tắc xét tuyển
Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của dộ GD&ĐT quy định không giới hạn số lần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng là để tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh trúng tuyển. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.
PGS TS Nguyễn Thu Thủy phân tích: Mỗi phương thức xét tuyển có một tỉ lệ chỉ tiêu tuyển nhất định. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm, nên đăng ký đó là nguyện vọng 1. Đồng thời không nên tập trung tất cả các nguyện vọng vào trường top đầu, những trường có mức độ cạnh tranh quá cao vì không cẩn thận sẽ có nguy cơ không đỗ trường nào. Năm nay, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng và không xảy ra tình trạng thí sinh trúng tuyển nhiều ngành, nhiều trường khác nhau như trước.
Với các thí sinh biết mình đủ điều kiện trúng tuyển bằng xét học bạ, đánh giá năng lực... nhưng nếu không xác nhận bằng cách đăng ký lại nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung thì xem như thí sinh đó không trúng tuyển. Ngoài ra, nếu thí sinh đã được thông báo trúng tuyển 1 nguyện vọng trên hệ thống thì các nguyện vọng sau đó đều không còn giá trị.
“Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển và phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ dở quy trình, hệ thống sẽ không cập nhật và không nhận thông tin đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh”, bà Thủy nhấn mạnh.
Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển, hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Để có đủ thông tin xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH mình quan tâm nhằm đảm bảo không bị nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng.
Thêm một điều cần nhắc lại, đó là trong thông báo của các trường đều lưu ý thí sinh phân biệt điểm sàn và điểm chuẩn. Thí sinh bắt buộc nắm rõ các bước và các nguyên tắc xét tuyển. Khi đã tìm hiểu, cân nhắc kỹ thì cần kiên định với suy nghĩ, nguyện vọng của mình, tránh việc thay đổi liên tục dễ gây bất ổn tâm lý, mất phương hướng, mất chính kiến dẫn đến việc chọn sai trường, sai ngành, sai nghề khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, theo Kinh tế & Đô thị.
Linh Chi(T/h)