+Aa-
    Zalo

    Lưu ý cách ra đề và làm bài với đề Văn mở

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bộ GD&ĐT khởi xướng phong trào ra đề bài văn và làm bài dạng mở nhằm khuyến khích các thầy cô giáo và các em học sinh bậc học THPT và THCS đổi mới trong việc dạy và học.

    Vài năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT khởi xướng phong trào ra đề bài văn và làm bài dạng mở nhằm khuyến khích các thầy cô giáo và các em học sinh bậc học THPT và THCS đổi mới trong việc dạy và học.

    Lưu ý cách ra đề và làm bài với đề Văn mở

    Thầy Lê Xuân Toàn - Giáo viên Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Thanh Hóa) cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn kịp thời và chiến lược giúp cho thầy cô giáo đổi mới phương pháp dạy học từ khâu ra đề.

    Đề tránh khô cứng, giáo điều

    Nhận định các vấn đề về xã hội và văn chương rất phong phú, nhưng để có những dạng đề hay khơi gợi sự hứng thú cho học sinh không dễ.

    Điều dễ nhìn thấy nhất, theo thầy Lê Xuân Toàn, đề bài và đáp án còn chung chung, đơn điệu, mang tính công vụ hình thức, đầu tư chưa cao.

    Kết quả còn hạn chế trên, thầy Toàn cho rằng, là do giáo viên chưa quyết liệt trong việc phát huy tính tích cực chủ động trong học sinh, yêu cầu các em tự giác học tập nắm vững kiến thức và kỹ năng làm bài. Mặt khác, do chưa tập trung tư duy để có những đề, xây dựng đáp án và viết văn theo hướng

    “Ra đề, xây dựng đáp án và viết văn theo hướng mở đòi hỏi giáo viên vừa có kiến thức sâu rộng vừa có kinh nghiệm ra đề hay có ý nghĩa xã hội và nhân văn, khơi gợi sự hứng thú cho học sinh, tránh khô cứng giáo điều.

    Đồng thời, xây dựng đáp án chi thiết, khoa học có hướng mở để phát huy tính tích cực và sáng tạo cho học sinh và còn để phân loại học sinh

    Làm được điều này rất cần sự tâm huyết yêu nghề của giáo viên, luôn đào sâu nguồn tri thức để có những đề hay cho học sinh” - Thầy Toàn cho hay.

    Kinh nghiệm trên 20 năm giảng dạy, thầy Toàn cho rằng, khi ra đề bài này, giáo viên phải tư duy chiều sâu, giàu liên tưởng, tưởng tượng để có một sản phẩm hay tạo kích thích cho học sinh làm bài.

    Bên cạnh đó, trình độ về tri thức của học sinh ngày càng nâng cao nhất là tri thức xã hội qua đài, báo, mạng và các nguồn thông tin khác, các em nắm bắt các vấn đề xã hội nhạy bén hơn.

    Tuy nhiên, các vấn đề về xã hội nhân văn cũng rất phức tạp, nên giáo viên trong quá trình dạy, ra đề và trả bài kiểm tra cần định hướng thanh lọc những kiến thức có ý nghĩa tích cực đối với xã hội còn những vấn đề tiêu cực phản nhân văn cần loại trừ.

    Việc ra đề bài văn mở, giáo viên cần chú ý những điểm “nóng”, những thông tin thời sự xã hội cập nhật mà mọi người đang quan tâm, những tình huống có vấn đề trong tác phẩm.

    Khi tham gia làm những đề bài này tạo hứng thú cho học sinh, học sinh sẽ tập trung tư duy, bày tỏ chia sẻ và bàn luận một cách sôi nổi dân chủ.

    Để bài viết sáng tạo

    Chấm nhiều bài văn theo hướng mở, thầy Toàn nhận định, bài viết của học sinh thường rơi vào tình trạng khô khan, viết các ý chung chung, diễn đạt rời rạc, lủng củng, lộn xộn. Người chấm thường gặp các bài na ná như nhau, nhàm chán thiếu sáng tạo.

    Một phần nữa, do vốn kiến thức của bộ phận học sinh còn nghèo nàn nên trình bày cách hiểu sáo mòn công thức thậm chí là sai lệch một cách tai hại. Số học sinh này kỹ năng diễn đạt yếu nên bài văn hệ thống lộn xộn, bố cục không rõ ràng.

    Để làm tốt kiểu đề bài này, thầy Toàn cho rằng, học sinh không chỉ vận dụng tốt những thao tác cơ bản của bài văn nghị luận như giải thích, chứng minh, phân tích bình luận, so sánh, bác bỏ… mà còn phải trang bị cho mình kiến thức về đời sống xã hội.

    Làm bài văn đề mở, vừa giàu lí lẽ vừa nắm vững kiến thức thực tế. Cần tránh tình trạng hoặc không có dẫn chứng hoặc lạm dụng dẫn chứng bỏ qua cá bước đi khác của quá trình lập luận.

    Cái khó của dạng đề mở là không có định hướng cụ thể mà học sinh phải suy luận ra lời giải để nghị luận cho đúng hướng. Nắm vững kiến thức, cần phải ngẫm nghĩ cẩn trọng định hướng đúng để viết bài theo quỹ đạo.

    Là bài viết sáng tạo bay bổng, nhưng quá trình nghị luận học sinh không được đi quá xa hoặc thoát ly định hướng.

    “Giáo viên và học sinh cần làm rõ vấn đề nghị luận, sau đó mới đi vào đánh giá, bàn luận rút ra bài học cho bản thân. Thực tế cho thấy, một số học sinh chỉ dừng lại ở việc làm rõ vấn đề nghị luận mà coi nhẹ khâu thứ hai vốn được coi là phần quan trọng của bài văn nghị luận” - Thầy Lê Xuân Toàn cho hay.

    Thêm nữa, đứng trước những tầng kiến thức rộng lớn về xã hội và văn chương, yêu cầu học sinh phải luôn nỗ lực học tập, nắm bắt cuộc sống thì mới giải quyết được các vấn đề một cách thấu đáo và thuyết phục.

    Trong bài làm, học sinh phải biết trình bày vốn hiểu biết đó một cách khoa học, lập luận chặt chẽ đúng đắn, lý lẽ sắc sảo hợp tình hợp lý, lời văn trau chuốt co giãn hài hòa, dẫn chứng đưa ra vừa tiêu biểu vừa thuyết phục cao.

    Cuối cùng, học sinh trước một đề Văn mở cần lưu ý: Bám vững chắc vào văn bản văn chương và các vấn đề về xã hội để tạo ra các tiền đề tri thức cho bản thân; nắm vững kỹ năng làm bài, huy động hợp lý kiến thức, bài viết hấp dẫn lôi cuốn, đồng thời phải tự giới hạn được vùng kiến thức, xác định được luận điểm, luận cứ của vấn đề nghị luận.

    “Đề bài không gợi ý hoặc cho sẵn luận điểm, luận cứ nên xác định được luận điểm, luận cứ là thành công bước đầu cho việc lập luận. Sau đó, tập trung xây dựng luận điểm, luận cứ khoa học và diễn đạt tốt, chắc chắn bài nghị luận sẽ đạt kết quả cao” - Thầy Toàn nhắn nhủ.

    Theo GD&ĐT

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luu-y-cach-ra-de-va-lam-bai-voi-de-van-mo-a33654.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đề thi Văn 12 với chủ đề Biển Đông

    Đề thi Văn 12 với chủ đề Biển Đông

    (ĐSPL) – Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên dạy văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã ra đề thi với chủ đề biển Đông lấy dẫn chứng từ bài thơ “Tổ Quốc nhìn từ biển”.