Nếu năm 2016 tăng lương tối thiểu thấp sẽ tạo áp lực cho năm 2017 - năm cuối cùng thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu.
Tại hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 26-8, ngoài một số nội dung về công tác tài chính, kinh tế Công đoàn (CĐ); tổng kết 10 năm chương trình “Mái ấm CĐ”... thì vấn đề nóng được bàn bạc và cho ý kiến là điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, người đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết tổ chức CĐ vẫn bảo lưu đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2016 là 16,8\%. Với đề xuất này thì mức LTT cao nhất của năm 2016 (vùng 1) cũng chỉ mới đạt 3.650.000 đồng.
Doanh nghiệp đã trả cao hơn quy định
Báo cáo với hội nghị, ông Mai Đức Chính cho rằng quan điểm của đại diện giới chủ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) về việc nếu mức lương tăng cao quá thì doanh nghiệp (DN) không có khả năng chi trả là thiếu thực tế bởi hiện nay, các DN đều trả lương cho người lao động (NLĐ) cao hơn LTT.
Cuộc sống của công nhân ở trọ thiếu thốn trăm bề. Ảnh: HỒNG ĐÀO |
“Theo điều tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì trung bình lương ở Hà Nội đã là 4,4 triệu đồng, TP HCM 4,9 triệu đồng. Rất nhiều DN ở TP HCM đã trả mức 5,5 triệu đến 6,6 triệu đồng/tháng. Sức chịu đựng của DN đã trên mức ấy rồi. Trong thực tế, họ đã trả gấp rưỡi mức LTT nên việc tăng LTT chỉ tác động tới chuyện đóng BHXH của DN” - ông Chính chỉ rõ bản chất vấn đề.
Bên cạnh đó, theo lộ trình tăng LTT, đến năm 2017, LTT phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Ông Chính nhấn mạnh: “Hiện nay, LTT mới đáp ứng 74\%-75\% nhu cầu sống tối thiểu. Có nghĩa là trong 2 năm 2016 và 2017, mỗi năm phải tăng trung bình 13\% tiền lương cộng với 5\% trượt giá, vị chi khoảng 18\%. Nếu không chia đều việc tăng LTT cho 2 năm thì áp lực cho lần tăng năm cuối cùng của lộ trình tăng LTT (2017) sẽ rất lớn, DN càng khó thực hiện”.
Sẽ kiên trì đấu tranh
Để chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 3 dự kiến sẽ diễn ra ngày 3-9, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia làm việc với các cơ quan liên quan như thuế, BHXH nhằm làm rõ vấn đề chi trả lương thực tế của DN.
Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo LĐLĐ TP HCM và Hà Nội làm việc với Cục Thuế và BHXH của 2 địa phương, đề nghị cung cấp quyết toán thuế của ngành dệt may, da giày năm 2014 để nắm chính xác các DN đã quyết toán tiền lương vào giá thành là bao nhiêu, đóng BHXH cho NLĐ là bao nhiêu. Đây là căn cứ để trong phiên họp ngày 3-9, Tổng LĐLĐ Việt Nam cung cấp cho Hội đồng Tiền lương quốc gia xem xét, quyết định.
Với đồng lương quá thấp, công nhân chỉ còn biết chọn đậu hũ là thức ăn mỗi ngày. Ảnh: THANH NGA |
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định tổ chức CĐ sẽ kiên trì thương lượng, nếu cần thì sẽ đấu tranh mạnh mẽ để NLĐ được bảo đảm quyền lợi theo luật định. “Việc tăng lương không chỉ cải thiện đời sống NLĐ mà còn mang lại lợi ích cho chính DN. Đó là điều chắc chắn bởi DN không thể tồn tại, phát triển với đội ngũ nhân lực yếu kém cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi tin không có người quản lý chân chính nào không muốn chăm lo cho nguồn nhân lực - nguồn vốn quý nhất của mình” - ông bày tỏ.
Chị Lê Thị In, công nhân Công ty TNHH MoLex Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long, TP Hà Nội): Chẳng dư đồng nào Tôi làm việc đã gần một năm nay, lương mỗi tháng được 3,6 triệu đồng. Lương có chừng đó mà trả tiền trọ, tiền ăn, chẳng dư được đồng nào. Đến cốc sinh tố ở quán cũng chẳng mấy khi dám uống vì tiếc tiền. Đó là nói lúc mạnh khỏe, chứ khi ốm đau thì không biết làm sao. Tôi đọc báo, thấy các bác bên VCCI bảo chỉ tăng LTT 10\% vì DN đang khó khăn. Tôi không hiểu sao họ lại nghĩ vậy. Với đề xuất tăng gần 17\% như của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chưa chắc công nhân chúng tôi đã đủ sống. Các bác bên VCCI hãy xuống chỗ chúng tôi ở và làm việc để xem với mức lương hiện nay và mức tăng như thế, chúng tôi sống thế nào? Chị Trần Thị Kiều Tiên, công nhân Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung 2, quận Thủ Đức, TP HCM): Lương không đủ sống Tôi vào công ty làm gần 2 năm, tính luôn tiền tăng ca được hơn 5 triệu đồng, cộng với lương bán hàng ở chợ nông sản của chồng, cả thảy chưa tới 10 triệu đồng. Ai cũng nói thu nhập vậy là khá song thực tế sống ở TP HCM, cái gì cũng đắt đỏ nên vợ chồng tôi phải hết sức tiết kiệm. Chỉ tính tiền trọ mỗi tháng đã hết 1,5 triệu đồng, rồi tiền con đi học cũng hơn 1 triệu đồng/tháng và nhiều thứ khác phải chi xài. Tôi đã hết sức dè sẻn mà cũng không có dư. Theo dõi kỳ họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia lần này, tôi thực sự thất vọng với đề xuất 10\% do VCCI đưa ra. H.Đào - V.Duẩn ghi |
Theo Nguyễn Quyết/Người lao động