Ngày 11/8, người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết lực lượng này vẫn kiểm tra các nữ tân binh về việc họ có mang thai hay không, để phát hiện u nang và những biến chứng khác có thể ảnh hưởng đến năng lực thực hiện nghĩa vụ nhưng sẽ không còn bài kiểm tra trinh tiết.
“Có những thứ giờ không còn phù hợp nữa và chúng ta không thể làm những bài kiểm tra như vậy nữa. Chúng ta phải có những bài kiểm tra tương đương để tuyển chọn nam và nữ tân binh", Tham mưu trưởng lực lượng lục quân Indonesia Andika Perkasa phát biểu.
Các nhóm về nhân quyền đã bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của lục quân Indonesia, nhấn mạnh rằng bài kiểm tra trinh tiết là không cần thiết. Andreas Harsono, nhà nghiên cứu Indonesia tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng "đây là quyết định đúng đắn" vì các bài kiểm tra trinh tiết là "sự phân biệt đối xử và gây tổn thương".
Trước đó, Quân đội Indonesia khẳng định rằng bài kiểm tra này rất quan trọng trong việc xác định đạo đức của tân binh, đảm bảo sự chính trực của nữ quân nhân xứng đáng với trọng trách bảo vệ đất nước.
Phương thức kiểm tra này tồn tại hàng chục năm và trở thành cơn ác mộng với không ít cô gái nuôi ước mơ đứng trong quân ngũ của Indonesia. Không chỉ có các nữ quân nhân, hôn thê của các nam quân nhân cũng phải trải qua bài kiểm tra tương tự.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới WHO nói rằng cách làm này “không có bằng chứng khoa học” và sự hiện diện của màng trinh không phải dấu hiệu đáng tin cậy của việc giao hợp.
Bà Alim Qibtiyah, ủy viên thuộc Ủy ban Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ của Indonesia, cho biết khi chính sách được chuyển đổi, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội tham gia quân đội hơn. Hiện tại, chỉ 10% trong số 450.000 quân nhân Indonesia là phụ nữ.
Mộc Miên(Theo Reuters)