+Aa-
    Zalo

    Luật sư nói gì về vụ Châu Bùi bị quay lén khi thay đồ?

    (ĐS&PL) - Ngày 25/6, Công an quận 3, TP.HCM đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ Bùi Thái Bảo Châu (người mẫu, fashionista Châu Bùi) bị quay lén trong nhà vệ sinh.

    Trước đó, mạng xã hội xôn xao về bài viết đăng tải trên trang cá nhân của Châu Bùi. Trong bài viết, cô tiết lộ sau khi vào những chỗ công cộng luôn cố gắng cẩn thận nhìn trước ngó sau nhưng không ngờ, lần đầu tiên trong 10 năm làm nghề, bản thân cô lại trở thành nạn nhân của camera quay lén.

    Cụ thể, sự việc xảy ra vào chiều 23/6, khi Châu Bùi và ekip có một buổi thử đồ cho nhãn hàng ở một studio có tiếng tại quận 3 (TP.HCM). Trước khi Châu Bùi đến, phía team sản xuất đã kiểm tra các phòng có thể dùng để thay đồ.

    Luật sư nói gì về vụ Châu Bùi bị quay lén khi thay đồ? - 1

     

    Luật sư nói gì về vụ Châu Bùi bị quay lén khi thay đồ? - 2

     

    Châu Bùi chia sẻ một số hình ảnh để chứng minh những khoảnh khắc bản thân thay đồ được quay lại rất cận và rõ nét

    Châu Bùi chia sẻ một số hình ảnh để chứng minh những khoảnh khắc bản thân thay đồ được quay lại rất cận và rõ nét

    Do studio này có rất nhiều camera nên phòng WC được chọn là nơi kín đáo và an toàn nhất. Hơn nữa, đây cũng là studio mà Châu Bùi đã hợp tác cùng nhiều lần trước đó nên cô cũng khá yên tâm.

    Khi vào WC, phía bên team mình có kiểm tra phần tường, gương (những nơi hay có camera mà mình được biết trước đó) và không thấy có gì bất thường, nên bắt đầu việc thay đồ. Sau khoảng 30 phút thay đồ trong phòng, mình mới vô tình nhìn về phía cây sắt trong góc toilet và thấy có 1 vật thể hình tròn màu đen lấp ló dưới 1 chiếc khăn trắng. Khi đến gần, mình phát hiện vật thể nhìn giống mặt đồng hồ đo nước, mình rút chiếc khăn ra mới thấy rõ đó là 1 chiếc đồng hồ cơ, mình còn nghĩ ai đó để quên…. Nhưng khi cầm vào, đồng hồ rất nóng phía mặt sau và liên tục nhấp nháy đèn khi bấm nút. Mình thấy có điều không lành, thật sự mình run bần bật chân tay vì bất an. Team mình tìm kiếm trên mạng, search “đồng hồ giả camera quay lén” thì lập tức chính mẫu sản phẩm này hiện ra.

    Đến lúc này mình đơ cứng, team đã cố gắng trấn an mình, kiểm tra thì thấy đồng hồ này dùng bằng pin và phải cắm dây mới có thể lấy file, chứ không thể xem hoặc phát trực tiếp trên máy (mình chỉ biết cầu nguyện rằng thật sự không thể xem ở đâu khác)”, Châu Bùi chia sẻ.

    Theo lời kể, team của Châu Bùi sau đó đã phối hợp với chủ studio để tiến hành check camera an ninh thì phát hiện người đàn ông tên N.T.H là người đầu tiên và duy nhất xuất hiện trong camera an ninh trước khi ekip tới.

    Hành vi đáng lên án

    Trao đổi với PV, TS.LS Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết hành vi quay lén người khác trong phòng thay đồ là hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội, nếu phát tán những hình ảnh này gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Theo LS Đặng Văn Cường, trong vụ việc nêu trên, rất may mắn là nạn nhân đã kịp thời phát hiện ra mình bị quay lén nên đã trình báo sự việc với cơ quan tổ chức để làm rõ sự việc, hình ảnh, clip chưa bị phát tán.

    TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

    TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

    Tuy nhiên, sự việc này cũng cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của người đã thực hiện hành vi, nguy cơ đe dọa đến danh dự nhân phẩm của nhiều nạn nhân, và hành vi như vậy đã thể hiện cụ thể hành vi vi phạm pháp luật, có chứng cứ rõ ràng là clip còn lưu lại. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý đối với người vi phạm bằng chế tài hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào hậu quả cụ thể, theo LS Đặng Văn Cường.

    "Cơ quan chức năng sẽ làm rõ đặc điểm nhân thân của nam thanh niên đã thực hiện hành vi ghi hình lén trong nhà vệ sinh, sẽ làm rõ mục đích sử dụng của các clip này, ngoài hành vi đã bị phát hiện thì người này đã từng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tương tự hay chưa, hậu quả đến đâu để có đánh giá tổng thể về sự việc làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật", LS Đặng Văn Cường phân tích.

    Theo LS Đặng Văn Cường, trường hợp nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người này đã nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm, thu thập trái phép thông tin rồi đăng tải lên mạng internet để trục lợi hoặc có các hành vi khác xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, đến trật tự an toàn xã hội thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng vi phạm về các tội danh có liên quan như: Tội làm nhục người khác, Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể…

    Nếu sử dụng các thông tin hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác để đe dọa tống tiền thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

    Bởi vậy, theo LS Đặng Văn Cường, việc làm rõ động cơ mục đích ghi hình, diễn biến hành vi, nhận thức và đặc điểm nhân thân của đối tượng vi phạm là rất cần thiết để xem xét có đủ căn cứ để xử lý hình sự về các tội danh xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác hay không, hoặc các tội danh xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội.

    Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tới 30 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

    Cụ thể, nếu hành vi được phát hiện ngăn chặn kịp thời, đối tượng chưa sử dụng để đăng tải lên mạng internet, hành vi được xác định là “trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác” thì sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

    Trường hợp hành vi được xác định là “sàm sỡ, quấy rối tình dục” thì có thể bị phạt tới 8 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5, Điều 7 của Nghị định này.

    Nếu hành vi có mục đích để đưa lên không gian mạng thì có thể bị phạt tới 30 triệu đồng. Cụ thể, theo định tại điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

    Nếu thu thập trái phép thông tin được xác định là bí mật đời tư cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tới 30 triệu đồng, nếu phát tán thông tin cá nhân mà chưa được cá nhân đồng ý thì có thể bị phạt tới 60 triệu đồng và phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân (nếu có).

    "Trong vụ việc này, người mẫu Châu Bùi có thể đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi của người vi phạm, xác định động cơ mục đích, hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Người vi phạm cũng sẽ bị xã hội lên án và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hành vi của mình", LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/luat-su-noi-gi-ve-vu-chau-bui-bi-quay-len-khi-thay-o-a438001.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan