(ĐSPL) – Luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên đã đưa ra nhiều lập luận bào chữa tội chiếm đoạt của bầu Kiên.
Tiếp tục phiên tòa xét xử đại án bầu Kiên, chiều 27/7, mở đầu phần tranh luận là phần bào chữa của Luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh trong nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Thanh cho rằng: "VKS đã luận tội bị cáo Thanh với mức hình phạt quá nặng. Quan điểm của tôi cho rằng việc bị cáo Thanh bị VKS đưa ra hình phạt như vậy chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo".
Không đồng tình với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng phạm với bị cáo Kiên vì hành vi của ông Thanh chưa đủ yếu tố cấu thành và không phải là đồng phạm chiếm đoạt 264 tỷ từ công ty thép Hòa Phát, luật sư Kim Thanh cho rằng, với vị trí là Giám đốc, bị cáo Trần Ngọc Thanh buộc phải ký hợp đồng. Bị cáo Thanh không lừa dối, không được hưởng lợi, ăn chia. Mặt khác không được bàn bạc thống nhất thỏa thuận với bị cáo Kiên. Việc ký thỏa thuận không có việc thống nhất. Chỉ là việc tuân lệnh lãnh đạo, chỉ là người làm công ăn lương. Việc bị cáo Thanh từ trước tới giờ nếu được ăn chia hoặc hứa hẹn hoặc bàn bạc có sự thống nhất thì là chuyện khác nhưng đây hoàn toàn không có động cơ mục đích gì.
|
Mức án cho từng bị cáo đã được VKS đề nghị trong buổi xét xử sáng nay. |
Luật sư đề nghị HĐXX quan tâm xem xét một số vấn đề như sau: vị trí vai trò của bị cáo Thanh trong ACBI, chỉ là người lao động làm công ăn lương chịu sự chỉ đạo của bị cáo Kiên. Trong bút lục thể hiện từ tháng 3/2008 đến nay bị cáo Thanh giữ chức giám đốc công ty ACBI mặc dù kiêm nhiệm 2 chức nhưng lương hàng tháng đều nhận từ ACI Hà Nội, tại ACBI chỉ nhận thêm phụ cấp 5triệu/tháng. Trách nhiệm quyền hạn của bị cáo Thanh là làm theo chỉ đạo của Kiên. Người chỉ đạo tối cao là bị cáo Kiên Chủ tịch HĐQT, cán bộ ngành lao động đều phải tuân thủ mệnh lệnh của bị cáo Kiên, không có quyền trao đổi thảo luận chất vấn với bị cáo Kiên. Quan hệ của bị cáo Kiên – bị cáo Thanh là người làm công ăn lương và tuân thủ mệnh lệnh người sử dụng lao động.
Hơn thế nữa, hợp đồng 0105 này bình thường là hợp đồng dân sự nhưng ở đây 2 bên A và B đều không biết mặt nhau. Bị cáo Thanh không biết ông Công là ai, và ngược lại. Đây chỉ là 2 đại diện theo pháp luật, còn người đứng sau chủ trương là những người khác.
Đặc biệt, chính bị cáo Thanh cũng không được báo cáo về tình trạng chưa được giải chấp của 20 triệu cổ phiếu trên và cũng không có mục đích vụ lợi để chiếm đoạt số tiền 264 tỷ này. Toàn bộ việc định đoạt số tiền là do chủ trương của công ty và chỉ đạo của bị cáo Kiên.
Vì vậy không đủ yếu tố cấu thành tội bị cáo Trần Ngọc Thanh là chiếm đoạt tài sản, kết tội của VKS là chưa hợp lý. Việc quy kết bị cáo Thanh là đồng phạm của ông Kiên càng không hợp lý.
Vì vậy, luật sư Kim Thanh đề nghị HĐXX, VKS cân nhắc đánh giá lại để ra phán quyết đúng người đúng tội.
Bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh, Luật sư Trần Đình Tuấn (VP Luật sư Trung Hòa Nhân Chính) nêu quan điểm: cáo trạng ghi biên bản họp HĐQT của ACBI là biên bản khống là không chính xác. Biên bản này tuân thủ đúng quy định tại điều 103 Luật Doanh nghiệp.
Mặt khác, bị cáo Trần Ngọc Thanh tin tưởng rằng sau khi gửi các văn bản đến ACB, ACBS, cùng hệ thống nên thủ tục sẽ đơn giản và với tầm ảnh hưởng của bị cáo Kiên thì số cổ phiếu sẽ được giải tỏa. Trong việc đàm phán hợp đồng, rõ ràng không có sự giao tiếp bàn bạc thống nhất giữa 2 đại diện pháp luật là bị cáo Thanh và ông Kiều Chí Công.
Việc ký hợp đồng 0105 cho người mua là Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, khi HĐQT đã chủ trương thì với cương vị là giám đốc bị cáo Thanh phải ký hợp đồng. Mọi hồ sơ giấy tờ đều rõ ràng, hợp lệ.
Đồng thời, luật sư còn đưa ra các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thanh: bản thân bị cáo Thanh được tặng nhiều huy chương, bằng khen và danh hiệu cao quý của Nhà nước. Hiện bị cáo Thanh đang có mẹ già ốm nằm liệt giường, gia đình khó khăn, phải đi thuê nhà, ở nhờ. Bản thân bị Thanh mắc nhiều bệnh như viêm khớp, thiểu năng tuần hoàn máu…
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, Luật sư Phạm Thiên Phong cho rằng, theo luận tội của VKS, bị cáo Thanh và bị cáo Yến biết số cổ phần chưa được giải chấp vẫn làm nên bị kết tội đồng phạm .
Theo Luật sư Phong, tại khoản 1 điều 20 luật hình sự quy định, để thỏa mãn đồng phạm cần có những yếu tố: cùng cố ý thực hiện đồng phạm, hành vi người này hỗ trợ cho người khác, với mục đích chung là đạt kết quả. Do vậy không được coi là đồng phạm nếu trước đó không bàn bạc.
Về ý chí, bị cáo Yến không có thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt mà chỉ làm theo dưới sự chỉ đạo với tư cách làm công ăn lương, cũng như không có quyền phản đối quyết định của HĐQT.
Vì vậy, luật sư khẳng định, bị cáo Yến không thể là đồng phạm như VKS đã nêu.
Hành vi chuyển nhượng việc mua bán cổ phần xem xét là vụ lừa đảo là không thỏa đáng. Vì 20 triệu cổ phần vẫn thuộc sở hữu của ACBI. Hợp đồng quản lý tài sản giữa ACBI và ACBS cũng ko làm mất quyền sở hữu của ACBI mà chỉ hạn chế quyền ACBI. Như vậy cho đến ACBI đến thời điểm ký hợp đông vẫn chưa chuyển nhượng cho bên thứ 3, miễn là có tài sản đảm bảo thay thế cho ACBS.
|
Luật sư Ngô Huy Ngọc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng. |
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo và tội trốn thuế, Luật sư Ngô Huy Ngọc nhấn mạnh: “Với bản cáo trạng của VKS tôi hoàn toàn không nhất trí”.
Về tội lừa đảo, luật sư khẳng định: “Không có vụ việc lừa đảo vì đây là giao dịch dân sự đang còn “sống”, các bên đang thực hiện các quyền và nghĩa vụ bình thường, chỉ chấm dứt theo biên bản thanh lý hợp đồng vào ngày 13/6/2013 nên thời điểm bị quy kết 17/9/2012 thì sau đó rất lâu hợp đồng này vẫn thực tế đang tồn tại, các bên đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, không hiểu quan hệ hình sự pháp luật nào có thể chen ngang vào việc các doanh nghiệp đang thực hiện”.
Theo quan điểm bào chữa của luật sư Ngọc, quy kết tại cáo trạng số 10, có quy kết rằng: bị cáo Kiên với tư cách chủ tịch HĐQT đại diện pháp luật ACBI đã chỉ đạo Thanh và Yến lập khống biên bản quyết định họp của HĐQT thể hiện chủ trương bán 20 triệu cổ phần cho công ty cổ phần Thép Hòa phát mà công ty ACBI đang sở hữu. Vì vậy, quy kết bị cáo Kiên có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của công ty Thép Hòa Phát là không có căn cứ pháp luật. Hơn thế nữa, trong luật Doanh nghiệp có quy định doanh nghiệp được phép tổ chức các cuộc họp dưới nhiều hình thức trong đó có hình thức thể hiện ý chí của các thành viên tham gia họp bằng văn bản. Vậy căn cứ vào đâu cho rằng đây là khống?.
Luật sư Ngọc cho rằng, bị cáo Kiên ký nghị quyết HĐQT là việc bình thường, đúng pháp luật.
Hơn thế nữa, cáo trạng cho rằng bị cáo Kiên chiếm đoạt hoàn toàn 264 tỷ, luật sư không thấy cáo trạng có khái niệm thế nào là chiếm đoạt. Từ 21/5, giao dịch là giữa DN với DN chứ không phải cá nhân với nhau. Chiếm đoạt là chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của người khác thành của mình. Nhưng ở đây, quyền sở hữu 20 triệu cổ phiếu này và quyền sở hữu 264 tỷ đều ghi nhận của 2 pháp nhân với nhau. 264 tỷ chuyển cho ACBI, dù có vấn đề thì cũng thuộc trách nhiệm của pháp nhân chứ đâu phải của cá nhân? Hoàn toàn trong quá trình đó, bị cáo Kiên không có giao dịch nào liên quan đến việc đút túi tiêu riêng.
|
Hôm nay, VSK đề nghị mức án 30 năm tù cho bầu Kiên. |
Ngày 13/6/2012, hợp đồng này đang tồn tại trên thực tế, các bên không có khiếu nại tố cáo, căn cứ vào đâu để áp dụng luật hình sự, quy kết Kiên vào tội lừa đảo?.
Với tư cách là một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm, luật sư Ngọc cho rằng: “Nếu quy kết bầu Kiên tội chiếm đoạt là quá đau đớn khi không đủ căn cứ để buộc tội”.
Luật sư Nam đề nghị tranh luận với VKS chứng minh trên thực tế hành vi của bị cáo Kiên là lừa đảo ông Long, ông Dương. Sau khi khởi tố vụ án, việc vào tên của MTV Thép Hòa phát đã hoàn thành chưa?
Lúc này, Luật sư Bùi Quang Nghiêm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX cho bị cáo thực hiện nguyện vọng tự bào chữa của mình. Tuy nhiên, Tòa không chấp nhận.
Luật sư Nghiêm nhấn mạnh thêm: “Bị cáo Kiên bị bắt và khởi tố vì tội kinh doanh trái phép, 3 tội kia phát sinh sau khi bị bắt. Lẽ ra tội kinh doanh trái phép phải là căn cứ cho quá trình truy tố và xét xử. Thế nhưng tôi thấy CQĐT Bộ Công an khi khởi tố tội kinh doanh trái phép không bắt đầu từ vi phạm trong hoạt động kinh doanh của bị cáo Kiên".
Đối với các hành vi kinh doanh tài chính thông qua 5 doanh nghiệp, quyền góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp đã đươc quy định tại điều 13 Luật Doanh nghiệp. Một chủ thể bất kỳ nếu đáp ứng điều 13 thì có quyền mua cổ phần mà không cần đăng ký kinh doanh.
Theo luật đầu tư 2005, 5 DN của bị cáo Kiên là nhà đầu tư theo quy định, hoạt động đầu tư không phải là ngành nghề kinh doanh tài chính, theo đúng pháp luật.
Theo quy định, doanh nghiệp được phát hành trái phiếu. 5 doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn là đúng quy định. Các ngân hàng đồng ý mua các trái phiếu này dựa vào đánh giá chủ động của các ngân hàng.
Theo luật chứng khoán, phải tôn trọng quyền tự do mua bán kinh doanh chứng khoán. 5 doanh nghiệp đương nhiên có quyền mua cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trong đó có cổ phiếu ngân hàng. Đây là giao dịch dân sự tự nguyện tự chủ.
LOAN HOÀNG
Xem thêm clip: Cận cảnh tàu TQ rượt đuổi, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-bao-chua-toi-chiem-doat-tai-san-cua-bau-kien-a34571.html