(ĐSPL) – Kết thúc phiên xét xử sáng nay (27/5), đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án 30 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Xem Clip: "Bầu" Kiên bị đề nghị mức án 30 năm tù giam
Theo đại diện Viện kiểm sát (VKS), hành vi của bị cáo Nguyễn Đức Kiên đối với các công ty do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên đã tổ chức không đúng với quy định đăng ký kinh doanh, lợi dụng kinh doanh vàng, cổ phần, cổ phiếu.
Đối với việc kinh doanh trái phép thông qua Công ty Thiên Nam, công ty này không có giấy phép nhưng vẫn thực hiện kinh doanh vàng.
Hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, cổ phần cổ phiếu,.. tại 6 công ty của Kiên đủ bị quy kết tội kinh doanh trái phép.
Đối với tội trốn thuế, VKS cho rằng: Bị cáo Kiên đã lợi dụng chính sách của Nhà nước về việc miễn thuế thu nhập cá nhân, công ty B&B đã thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) với công ty B&B để chuyển lợi nhuận doanh nghiệp sang cho cá nhân, nhằm trốn thuế hơn 25 tỷ đồng. Hành vi này của Kiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội trốn thuế.
Bầu Kiên có thể phải chịu mức án 30 năm tù giam vì tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. |
Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trần Ngọc Thanh, Trần Hải Yến và Nguyễn Đức Kiên đã có chủ trương bán 20 triệu cổ phần cho công ty Thép Hòa Phát mà công ty ACBI đang sở hữu cho công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát.
Số cổ phần, cổ phiếu này đang bị phong tỏa nhưng Kiên và đồng phạm vẫn thực hiện chuyển nhượng để thu về số tiền 264 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được cơ quan điều tra thu hồi và trả lại cho Tập đoàn Hòa Phát.
Căn cứ vào tài liệu điều tra và tại phần xét hỏi tại tòa, VKS khẳng định, Thanh và Yến chỉ làm theo chỉ đạo của Kiên, không được hưởng lợi. Tuy nhiên, Thanh và Yến biết số cổ phần, cổ phiếu bị phong tỏa mà vẫn thực hiện hành vi.
Đối với số tiền 718 tỷ đồng, sau khi đưa ra những lập luận về sự việc, VKS cho rằng, ACB phải chịu trách nhiệm về số tiền này. Số tiền này bị thất thoát là do các bị cáo đã cố ý làm trái…
Đối với việc hợp tác đầu tư mua cổ phiếu, các bị cáo đã thông qua Nghị quyết để đồng ý cho Kiên chỉ đạo việc mua cổ phiếu của ngân hàng ACB thông qua việc hợp tác đầu tư giữa ACBS – công ty chứng khoán thuộc ngân hàng ACB với công ty ACI.
Việc mua cổ phiếu ACB bằng chính nguồn tiền của ACB của các bị cáo là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân hàng ACB số tiền hơn 687 tỷ đồng.
Vì vậy, VKS cho rằng với hai hành vi ủy thác tiền gửi và kinh doanh cổ phiếu thì đã có đủ cơ sở để quy kết các bị cáo về tội cố ý làm trái.
VKS cũng kết luận, trong vụ án này, Kiên giữ vai trò chính, đối với tội cố ý làm trái, Kiên giữ vai trò chủ mưu. Vì vậy, VKS đề nghị cách ly bị cáo một thời gian dài để giáo dục, răn đe.
Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt các bị cáo mức án như sau:
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Kinh doanh trái phép: 18-24 tháng tù; phạt tiền 25-30 triệu, tịch thu tiền kinh doanh trái phép. Trốn thuế: 4-5 năm tù giam: truy thu số tiền gần 25 tỷ đồng, tuyên phạt 2-3 lần số tiền trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 16-18 năm tù giam; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 14-15 năm tù. Tổng hình phạt là 30 năm tù.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ (SN 1956, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB): 7-8 năm tù giam.
Bị cáo Trịnh Kim Quang (SN 1954, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB): 6-7 năm tù.
Bị cáo Phạm Trung Cang (SN 1954, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB): 3 năm tù cho hưởng án treo.
Bị cáo Lý Xuân Hải (SN 1965, nguyên TGĐ Ngân hàng ACB): 12-14 năm tù.
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB): 3 năm tù cho hưởng án treo.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh (SN 1952, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 9-10 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 7-8 năm tù.
Chiều nay, phiên xét xử sẽ tiếp tục với phần tranh luận…
LOAN HOÀNG
Xem thêm clip: Cận cảnh tàu TQ rượt đuổi, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam