Thời gian qua dưới sự bùng nổ của mạng internet và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, youtube, và mới đây là TikTok những nền tảng này là mảnh đất màu mỡ cho nghề Review phim.
Nghề Review phim có nghĩa là đánh giá hay tóm tắt một phần hoặc toàn bộ nội dung một tác phẩm phim. Đây là một cách phổ biến và đơn giản để cung cấp thông tin về phim, nhằm mục đích giới thiệu đến những người đang quan tâm về một bộ phim nào đó.
Với nguồn lợi thu được từ việc làm review phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook, TikTok... nhiều tác phẩm đã bị sử dụng mà không được cấp phép hoặc chia sẻ bản quyền khiến các đơn vị sản xuất, chủ đầu tư thiệt hại không nhỏ.
Đáng nói nhiều bộ phim chỉ mới ra rạp, hay phát sóng trên truyền hình đã được giới thiệu đầy đủ về nội dung ngay sau đó không lâu
Tuy nhiên, mảnh đất màu mỡ của những người làm review phim sẽ không còn nữa. Mới đây, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, khắc phục được những bất cập nào về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Theo quy định sửa đổi bổ sung tại khoản 10 Điều 4 Luật SHTT sửa đổi 2022: "Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào".
Với quy định mới này, việc sao chép một phần tác phẩm chính thức được xem là hành vi sao chép, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục được những vướng mắc do pháp luật không rõ ràng trong nhiều vụ việc liên quan đến quyền tác giả trước đây.
Theo khoản 7, 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, trong số các hành vi xâm phạm quyền tác giả có hành vi:
Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.
Theo các quy định ở trên thì ngoại trừ trường hợp trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì việc làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm gốc
Bên cạnh đó, việc review phim không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và cũng không thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định.
Có thể nói với những quy định chặt chẽ như trên thì review phim mà tiết lộ toàn bộ hoặc từng phần nội dung phim đang có là hình thức xâm phạm bản quyền tác phẩm, quyền chủ sở hữu tác phẩm.
Căn cứ vào mức độ vi phạm của các cá nhân, tổ chức làm review phim thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định. Việc áp dụng các chế tài xử phạt như trên là điều rất cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phim trong thời gian tới đây.