+Aa-
    Zalo

    Luật Biểu tình cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Việc soạn thảo Luật Biểu tình nên giao cho Quốc hội. Ban soạn thảo phải tập hợp được những chuyên gia am hiểu sâu sắc vấn đề, đồng thời, cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

    (ĐSPL)- Việc soạn thảo Luật Biểu tình nên giao cho Quốc hội. Ban soạn thảo phải tập hợp được những chuyên gia am hiểu sâu sắc vấn đề, đồng thời, cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

    Quan điểm trên được Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đưa ra khi trao đổi với báo Đời sống và Pháp luật về đề xuất xây dựng Luật Biểu tình.

    Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đã cho rằng thời điểm này, việc xây dựng dự thảo Luật Biểu tình là rất cần thiết. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

    Quốc hội nên soạn thảo Luật biểu tình
    Người dân xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam.

    Điều 25 Hiến pháp mới có nói đến quyền tự do biểu tình của công dân. Đó là quan điểm mới mang tính cách mạng trong việc bảo vệ các của quyền con người và quyền công dân.

    Trong đó, tự do là tự mình hành động theo suy nghĩ, niềm tin, theo chính kiến, theo kinh nghiệm của bản thân mà không bị ai áp đặt, ép buộc, cưỡng chế. Nhưng tự do không phải là vô hại. Con người có quyền tự do nhưng phải có giới hạn. Sự tự do của người này không được xâm phạm đến quyền tự do của người khác.

    Tuy nhiên, trong số những người tham gia biểu tình, có những người không phân biệt được giữa những ý thức và hành động, có những hành vi phá hoại, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và và con người. Hành động đập phá gây rối trật tự là vượt khỏi phạm vi ý chí. Đó là lợi dụng quyền tự do biểu tình, dứt khoát phải có hình thức xử lý nghiêm khắc.

    -Ông có cho rằng, nếu như không có Luật Biểu tình, việc tụ tập đông người, khiếu kiện đều có nguy cơ bị lợi dụng và thực tế đã bị lợi dụng, điển hình nhất là những vụ việc ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh vừa qua?

    Nội dung Điều 25 Hiến pháp quy định về quyền biểu tình là hoàn toàn đúng đắn. Sự quy định của Hiến pháp nhằm bảo đảm quyền tự do của công dân đồng thời đảm bảo cho việc sử dụng quyền tự do biểu tình nhưng không bị lợi dụng, không bị mất định hướng.

    Nhiều ý kiến cho rằng, biểu tình không chỉ có phản đối, mà biểu tình còn để ủng hộ, như vừa qua có hàng triệu người muốn biểu tình để bày tỏ thái độ ủng hộ chính quyền trong việc phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ông có đồng tình với quan điểm này?

    Quốc hội nên soạn thảo Luật biểu tình
    Trong trường hợp cần thiết, những người tham gia biểu tình phải nộp phí biểu tình như ở các nước ngoài họ vẫn thường áp dụng.

    Tư tưởng xuyên xuốt của Luật Biểu tình là bảo đảm quyền tự do của công dân và đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước trong vấn đề thực hiện quyền tự do ấy.

    Trong Luật Biểu tình nên có những điều quy định về tổ chức biểu tình. Chẳng hạn như biểu tình phải có người đứng đầu cơ quan, có thể là một người hoặc một nhóm người để trình bày nguyện vọng với Nhà nước. Tổ chức biểu tình cho đúng mục đích, phải nói rõ thời gian, số lượng, địa điểm, những con đường nào có thể đi qua.

    Trong trường hợp cần thiết, những người tham gia biểu tình phải nộp phí biểu tình như ở các nước ngoài họ vẫn thường áp dụng.

    Về phía chính quyền có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân để họ bày tỏ ý nguyện, nguyện vọng của mình.

    Đối với những trường hợp người biểu tình bị xúi giục, thì các cơ quan chấp hành pháp luật có thể sử dụng lực lượng để “khôi phục trật tự”. Những hành vi biểu tình mang tính chất phá hoại, gây rối trật tự là biểu thị hành vi thiếu văn hoá, cần phải được xử lý nghiêm.

    Theo ông, nên giao cơ quan nào chịu trách nhiệm soạn thảo dự án Luật Biểu tình để đảm bảo khách quan?

    Từ trước đến nay, việc soạn thảo pháp luật thường giao cho cơ quan thi hành pháp luật. Điều đó không tránh khói sự thiếu khách quan. Việc soạn thảo luật thường hướng vào tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành pháp luật hơn là tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.

    Chính vì thế, việc soạn thảo Luật Biểu tình nên giao cho Quốc hội. Trưởng ban và các ban dự thảo pháp luật có thể là một đại biểu Quốc hội, có thể là một số đại biểu Quốc hội.

    Trong đó, Ban soạn thảo phải tập hợp được những chuyên gia am hiểu sâu sắc vấn đề từ các cơ quan của Chính phủ, tổ chức của MTTQ... Mặt khác, quá trình soạn thảo cũng cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

    Xin cảm ơn ông!

    Xin ý kiến Bộ Chính trị về Luật Biểu tình

    Sáng 28/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý ý của đại biểu Quốc hội về việc xây dựng Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

    Trao đổi với báo chí về kết quả cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm, bàn thảo là thời điểm xây dựng Luật Biểu tình. Thống kê của Ban thư ký kỳ họp Quốc hội cho thấy đã có 23 đại biểu đề xuất đưa việc xây dựng Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.

    “Biểu tình là một quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định đối với những quyền cơ bản đó thì chỉ có thể bị hạn chế bằng luật thôi, không thể mãi sử dụng nghị định được (Nghị định 38/2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng). Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi điều đó rồi”, Bộ trưởng Tư pháp nói và cho rằng, có những cuộc biểu tình không phù hợp, nhưng cũng có nhiều cuộc biểu tình phù hợp. Việc sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình để có hành lang pháp lý, biểu thị ý kiến của người dân cũng là điều hoàn toàn phù hợp, thể hiện một bước dân chủ trong xã hội.

    Bộ trưởng Cường cho biết Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này.

    Theo chương trình kỳ họp, chiều 30/5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-bieu-tinh-can-lay-y-kien-rong-rai-trong-nhan-dan-a34753.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan