+Aa-
    Zalo

    Long Nhật :NSƯT Chánh Tín từng đi bán rau nuôi vợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ca sĩ Long Nhật tiết lộ NSƯT Nguyễn Chánh Tín từng phải đi bán rau muống ngoài chợ.

    Ca sĩ Long Nhật tiết lộ NSƯT Nguyễn Chánh Tín từng phải đi bán rau muống ngoài chợ.

    Hâm mộ nghệ sĩ Chánh Tín đã lâu, Long Nhật đã xem hết các vai diễn mà nghệ sĩ Chánh Tín đảm nhận. Anh từng trốn học, nhịn ăn sáng để dành dụm tiền mua vé coi phim của nghệ sĩ Chánh Tín... Chính từ điều đó, ngay từ nhỏ Long Nhật đã nuôi đam mê trở thành ca sĩ và giúp anh có được thành công đến hiện tại... Long Nhật đã có những chia sẻ về NSƯT Nguyễn Chánh Tín, thần tượng của anh:

     Ca sĩ Long Nhật ngưỡng mộ NSƯT Nguyễn Chánh Tín.

    “Tôi yêu mến và hâm mộ NSƯT Nguyễn Chánh Tín từ nhỏ. Ngay khi học cấp 1 tôi đã coi ti vi trắng đen và say mê những vai diễn anh đóng cùng với nữ minh tinh Thẩm thúy Hằng như: Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa Sim Gai Trắng ( 1977-1978 ).
    Bẵng đi một thời gian, có phim màn ảnh rộng chiếu ngoài rạp của anh Tín, tôi đam mê đến mức đòi bằng được ba cho đi coi. Nhà tôi chỉ cách rạp chiếu bóng 1 km nên bộ phim nào của anh Tín tôi cũng có mặt để xem.

    Nhiều lúc, tôi để dành tiền mẹ cho ăn quà mua vé xem đi xem lại rất nhiều lần các bộ phim của anh Tín đóng mà hầu hết đều là vai chính, đến mức tôi thuộc tất cả những lời thoại của NS Chánh Tín cùng với các nữ diễn viên xinh đẹp như: Thuý Lan, Hoa Hạ trong các bộ phim trắng đen: Tình đất củ chi, Giữa hai làn nước, Con mèo nhung, Pho tượng. 
    Những bộ phim của anh Tín đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ mà tôi mang theo cho đến bây giờ. Ngoài ra tôi còn say mê Chánh Tín với những bản tình ca anh thể hiện được chiếu trên ti vi thời bấy giờ như: Mimoza, Tôi đi giữa hoàng hôn, Gẩy đàn lên người bạn Mỹ.

    Mặc dù là ti vi trắng đen nhưng tôi nhớ tất cả... áo sơ mi,quần jeans, comple của anh. Với tôi, anh Tín là một diễn viên điện ảnh, diễn viên kịch nói, một ca sỹ tài năng xuất sắc phong độ, đep trai, sang trọng và là hình mẫu cho thế hệ đàn em chúng tôi noi theo .

    Đến năm học cấp 2, tôi đã xác định lớn lên sẽ làm ca sĩ. Khi cô giáo hỏi ước mơ sau này sẽ làm gì? Tôi trả lời cô giáo mà không cần suy nghĩ "em muốn làm ca sĩ nổi tiếng và chuyên hát dòng nhạc trữ tình quê hương". Chính những vai diễn những bài hát của anh đã vẽ cho tôi một giấc mơ trở thành ca sỹ chuyên nghiệp sau này và tôi đã làm được điều đó.
    Đỉnh điểm năm 1982-1988, ở những bộ phim anh Tín đảm nhận, tôi đều coi hết và thấy anh đẹp lắm, đẹp cả hình thức tài nghệ khi biến hóa vào các nhân vật. Đặc biệt là nhân vật Đại tá Nguyễn Thành Luân trong 8 tập của bộ phim Ván Bài lật Ngửa.

    Nhớ nhất, trong lần đầu tiên Chánh Tín ra TP Huế - quê hương tôi - năm 1985, để tham gia hội diễn ca múa nhạc các nhà văn hoá lao động toàn quốc. Khi đi, đoàn nghệ sỹ còn có vợ anh - ca sỹ Bích Trâm và các ca sỹ khác là Thanh Lan, Trang Kim Yến, ban nhạc Đại Dương.

     NSƯT Nguyễn Chánh Tín.

    Tôi cũng hâm mộ đến mức chạy theo sau để nhìn bằng được anh và đó là lần đầu tiên gặp anh Tín. Tôi chạy đến cầm tay anh, thật không ngờ giữa rất nhiều người anh lại cúi xuống nhìn một thằng bé xa lạ chỉ học cấp 3 với nụ cười rất độ lượng
    Tối hôm đó, khi nghe anh tín hát bài Alibaba và 40 tên cướp, về nhà tôi đã thức trắng đêm vì cứ nhắm mắt lại hiện ra hình ảnh anh Chánh Tín trên sân khấu.

    Trong một lần khác, bất chấp thời tiết mưa to, tôi chạy đến khách sạn Hương Giang để tìm Chánh Tín và Thanh Lan xin hình, chữ ký. 
    Tôi năn nỉ mãi chú bảo vệ mới cho vào. Tôi đứng ngoài gọi to: “Anh Chánh Tín”, “Anh Chánh Tín ơi" ngay lập tức từ phía trong lễ tân của khách sạn anh cầm mà một cái ô ra cổng che mưa cho tôi, với giọng nói ấm áp anh bảo "vào đây với anh coi chừng ướt hết lại bệnh đó" - anh đã kéo tay tôi vô trong đoàn. 
    Tôi thật sự không ngờ với một tên tuổi nổi tiếng như anh mà lại để ý đến cậu bé như mình. Tôi đã rất hạnh phúc và kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên. Sau đó, tôi đã nộp đơn xin nghỉ học với lý do bị ốm và bắt đầu đi theo đoàn Chánh Tín để nghe anh cùng các nghệ sỹ hát suốt ngày đêm.
    Có ngày đoàn ca nhạc điện ảnh của anh diễn liên tục một ngày 3 suất sáng trưa chiều tối tại nhà hát Hưng Đạo TP Huế.

    Đến những ngày anh Tín chuẩn bị cùng đoàn đến nơi khác lưu diễn. Khi nhìn thấy những chiếc băng rôn quảng cáo của đoàn anh gỡ xuống, tôi đã khóc và buồn vì nghĩ rằng mình sẽ không còn cơ hội được thưởng thức anh Chánh Tín biếu diễn trên sân khấu nữa. 
    Lúc đó nhìn thấy tôi anh đã bước tới xoa đầu và an ủi tôi hãy cố gắng học, nếu đam mê hát thì phải tốt nghiệp cấp 3 và thi vào học viện âm nhạc Huế.

    Anh cũng nhắc nhở tôi giống như một người anh trai lớn dạy em ruột của mình: Từ nay em không được bỏ học đi theo đoàn hát mà phải học hành tử tế nếu không nghe lời anh, anh sẽ không làm anh em với em nữa đâu". Những lời nghiêm khắc rất ngọt ngào và ấm áp của anh làm tôi lặng người và nhớ đến tận bây giờ.

    Thời gian dần trôi đi, tôi đã thi đỗ vào môt trường âm nhạc sau đó tôi về công tác tại đoàn ca nhạc Sở GTVT Bình Trị Thiên và tôi lại có dịp gặp anh Chánh Tín. Lúc đó anh cùng với ca sỹ Bảo Yến, nhạc sỹ Quốc Dũng ra Huế biểu diễn cùng đoàn ca nhạc điện ảnh TPHCM.
    May mắn nhất là tôi vinh dự được diễn cùng anh trên một sân khấu vì cơ quan của tôi có mời đoàn của anh về giao lưu. Lần đó, tôi được anh Chánh Tín và chị Bảo Yến khen hát hay và có tương lai.

    Đến năm 1992-1993, tôi về công tác tại đoàn ca múa nhạc Hải Đăng - Nha Trang và bắt đầu nổi tiếng, tôi có cơ hội đứng trên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp cùng Chánh Tín khi đoàn tôi mời anh ra Nha Trang tăng cường cho chuyến lưu diễn miền trung và Hà Nội. 
    Đó là cảm giác vừa tự hào vừa hạnh phúc vì được biểu diễn cùng thần tượng, vừa được gần một người anh mình yêu quý từ lâu.

    Năm 1995, tôi về Sài Gòn để mở rộng hoạt động nghệ thuật, công việc đầu tiên tôi làm là đi tìm và thăm nhà anh Chánh Tín.

    Dù lúc đó anh em đã thân thiết nhưng chưa bao giờ tôi nhờ anh Tín giúp đỡ mà luôn nghĩ bản thân phải nỗ lực vươn lên bằng chính sức lực của mình. Nhưng anh Tín đã hết mực yêu thương tạo điều kiện và giới thiệu tôi đến những sân khấu, tụ điểm ca nhạc trong thành phố hát và để phát triển sự nghiệp hơn nữa. 

    Trải qua bao nhiêu thăng trầm kể từ ngày đầu tiên đến giờ tình cảm tôi dành cho anh Chánh Tín không thay đổi. Anh Tín là người sống rất quan tâm đến những người xung quanh mình.

    Nhớ lại lần đi diễn đêm tại ở một tỉnh khác, cả đoàn ai cũng mệt mỏi và thiếp đi nhưng anh Tín không ngủ để nói chuyện cùng bác tài cho bác quên cảm giác buồn ngủ tập trung lái xe. 
    Hay mỗi lần tập nhạc, thử giọng anh rất ân cần chỉ bảo, uốn nắn kỹ càng, chu đáo cho từng người em trong đoàn.

    Với anh Tín, tôi không chỉ ngưỡng mộ mà còn khâm phục tài năng của anh. Ở bất cứ giai đoạn nào anh đều có những đóng góp đối với nghệ thuật nước nhà từ sân khấu kịch nói, hay dòng phim điện ảnh cách mạng, phim nghệ thuật, truyền hình… Đó là người nghệ sĩ làm việc không biết mệt mỏi. Anh có công rất lớn khôi phục lại dòng phim kinh dị cho điện ảnh Việt Nam với các phim: Chiếc mặt nạ da người, Ngôi nhà oan khốc.

    Nhớ lại thời điểm khi tình hình đất nước chưa ổn định, tôi từng hỏi anh tại sao trong giai đoạn đó anh dám đảm nhận vai diễn Thành Luân, một người biệt động chiến sĩ tình báo có rất nhiều kẻ thù.
    Vì trong quá khứ có một xuất diễn tại rạp Lao Động B quận 5 Tp.HCM - cô Thanh Nga từng bị ném lưu đạn lên sân khấu, khi vào vai Trưng Trắc trong vở cải lương tiếng trống Mê Linh, sau đó cô đóng tiếp vở Thái hậu Dương Văn Nga thì bị ám sát.

    Nhưng anh Tín nói: Sợ chứ ! Ai mà không sợ chết. Thậm chí anh còn nhận được nhiều thư nặc danh, sự hăm dọa nhưng làm người ai cũng phải chết một lần, nếu được chết vì vai diễn để đời của mình thì cũng đáng…Câu nói đó của anh luôn ăn sâu và nhắc nhở bản thân tôi phải cố gắng cho niềm đam mê nghệ thuật của mình.

    Cũng chính tài năng diễn xuất tuyệt vời và hình thức diện mạo sang đẹp mà tôi đã nói với anh: “sao anh không lấy nữ đại gia”, vì em thấy có rất nhiều người sẵn sàng giao hết giá tài sản cho anh để được anh yêu và cưới người ta làm vợ, sao anh phải làm việc vất vả như thế?

    Nhưng anh trả lời: "Anh có vợ, con rồi. Ai cũng có những lúc lãng mạn, lỗi lầm nhưng phải biết quay lại đúng lúc. Không ai yêu thương anh bằng chị Bích Trâm. Anh hạnh phúc bởi gia đình của mình".
    Kể cả thời điểm anh đã nổi tiếng, giàu sang, anh có biệt thự xe hơi, đến khi anh sạt nghiệp phải đi bán rau muống bán trái cây ở chợ (sau 1975) nuôi vợ con, gia đình, nhưng anh vẫn lao động bằng công sức của mình mà không nề hà mình là ngôi sao nổi tiếng.

    Anh Tín nói anh hạnh phúc nhất là kiếm tiền bằng công sức và tài năng của mình để lo cho vợ cho con. Anh muốn làm ra tiền để nuôi sống người đàn bà anh yêu.

    Tôi đi rất nhiều nơi từ Nam đến Bắc và các nước trên thế giới nhưng anh Tín là người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. 

    Ngoài sự ngưỡng mộ tài năng, tôi còn yêu quý sự uy tín chịu khó say mê làm việc và sáng tạo nghệ thuật của anh. Được làm em kết nghĩa, được chơi và yêu thương anh Tín cũng như được anh Tín yêu thương, đối với tôi là một may mắn trong cuộc đời".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/long-nhat-nsut-chanh-tin-tung-di-ban-rau-nuoi-vo-a31612.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan