(ĐSPL) - Theo thông tin từ TAND TP.HCM, dự kiến vào ngày 16/10, vụ án xảy ra tại công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (gọi tắt là Sapharco) này sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm. Nguyên Tổng giám đốc công ty này bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Hai bị cáo khác trong vụ án bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Mối quan hệ đáng giá hàng chục tỉ đồng
Theo hồ sơ vụ án, Lê Minh Trí (SN 1961, nguyên Tổng Giám đốc Sapharco) hầu tòa vì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng hầu tòa với Trí còn có Nguyễn Hồng Thu (SN 1966, Giám đốc công ty TNHH Khang Phúc, kiêm Phó Giám đốc công ty TNHH Thương mại dược phẩm (TMDP) Tiến Phúc) và Vũ Duy Quyền (SN 1965, Giám đốc công ty TNHH TMDP Tiến Phúc, đại diện cho công ty Unique - ấn Độ tại Việt Nam) cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyên Tổng Giám đốc Sapharco Lê Minh Trí. |
Theo hồ sơ, ngày 28/7/2010, UBND TP.HCM có quyết định bổ nhiệm Trí làm Tổng Giám đốc Sapharco. Thu vốn có mối quan hệ thân thiết với Trí. Cuối 2008, Thu liên hệ với Trí đề nghị cho hai công ty của mình nhập ủy thác các loại thuốc qua công ty Sapharco, với điều kiện phía mình chịu mọi trách nhiệm quan hệ tìm nhà cung cấp nước ngoài, mua hàng, thanh toán và tiêu thụ tại Việt Nam. Điều đó nghĩa là công ty Sapharco chỉ là đơn vị nhập ủy thác để hưởng phí.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Trí thống nhất với Thu là không ký hợp đồng ủy thác, mà ký hợp đồng mua bán. Công ty Sapharco thay hai công ty của Thu ký hợp đồng mua bán trực tiếp và chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài theo những điều kiện mà Thu đã thỏa thuận với các nhà cung cấp. Khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, công ty Sapharco nhận, ký hợp đồng bán lại cho hai công ty của Thu và cho trả chậm để tiêu thụ hàng hóa. Sau đó, Thu nộp tiền lại cho công ty Sapharco, chuyển trả cho nhà cung cấp nước ngoài.
Điều đáng nói, khi giao hàng hóa bán trả chậm cho hai công ty của Thu, Trí lại không yêu cầu có tài sản thế chấp, hoặc biện pháp để đảm bảo cho số hàng hóa đã giao không bị mất. Đồng thời, khi đến hạn thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài tại các hợp đồng ngoại thương, Trí còn cho Thu vay tiền lấy lãi dưới hình thức hỗ trợ vốn, nhưng cũng không có tài sản thế chấp hoặc biện pháp bảo đảm. Việc giao hàng hóa, cho vay tiền của Trí, vượt quá quyền hạn của Tổng Giám đốc quy định trong điều lệ công ty Sapharco.
Thu biết Quyền được nhà cung cấp nước ngoài là công ty Unique (ấn Độ) giao giữ con dấu, và ủy quyền quan hệ với các đối tác tại Việt Nam. Để lừa đảo chiếm đoạt tiền của công ty Sapharco, Thu yêu cầu Quyền giả chữ ký người đại diện công ty này vào các hợp đồng ngoại thương, tạo ra bốn văn bản xác định điều kiện thanh toán giả của công ty Unique với nội dung "Công ty Unique (nhà cung cấp) xác định, công ty TNHH TMDP Tiến Phúc là nhà phân phối của mình tại Việt Nam, yêu cầu nhập khẩu (công ty Sapharco) giao hàng hóa cho nhà phân phối của mình sau khi thông qua từ cảng, sân bay. Nhà nhập khẩu (Sapharco) không có trách nhiệm về việc thanh toán nhà cung cấp (Unique), cho đến khi các nhà phân phối đã thanh toán của những nhà phân phối và yêu cầu họ thanh toán cho nhà nhập khẩu đúng hạn, để nhà nhập khẩu gửi tiền vào tài khoản của nhà cung cấp".
Khi nhận được các văn bản xác nhận điều kiện thanh toán, với trách nhiệm là Tổng Giám đốc công ty Sapharco, Trí không cho kiểm tra tính chính xác của nội dung bốn văn bản này từ công ty Unique, mà đã đồng ý giao hàng hóa, cho vay tiền, tạo điều kiện cho Thu (với sự giúp đỡ của Quyền) lừa đảo chiếm đoạt được hàng hóa, tiền của công ty Sapharco với tổng số tiền hơn 63 tỉ đồng.
Công ty Sapharco bị chiếm đoạt hơn 63 tỉ đồng. |
Lời khai bất nhất
Tại cơ quan công an, Trí khai nhận, trong quá trình được giao điều hành hoạt động công ty Sapharco, Trí đã có hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, như không ký hợp đồng ủy thác với các công ty để hưởng phí theo quy định, mà cho ký hợp đồng mua bán trực tiếp. Thay vì cho các công ty ủy thác chịu trách nhiệm thanh toán với nhà cung cấp nước ngoài, khi hàng hóa về Việt Nam, lại giao cho Thu bán trả chậm, mà không có tài sản thế chấp hoặc các biện pháp bảo đảm. Đồng thời, Trí còn cho Thu vay tiền với danh nghĩa hỗ trợ vốn, để thanh toán tiền cho các nhà cung cấp nước ngoài và cũng không có tài sản thế chấp, không có biện pháp bảo đảm.
Trong khi đó, Quyền khai, được Thu trả lương, thuê làm Giám đốc công ty Tiến Phúc. Theo yêu cầu của Thu, vì để cho công ty Sapharco tin tưởng giao hàng hóa và cho vay tiền, Quyền đã làm giả các văn bản thỏa thuận điều kiện thanh toán tại Việt Nam, bằng cách soạn thảo nội dung văn bản trên máy vi tính. Sau đó, Quyền in và ký giả chữ ký của ông PK.Singh (Phó chủ tịch đại diện công ty Unique - ấn Độ), rồi đóng dấu công ty này vào gửi cho Sapharco, mà phía Unique không hề hay biết, cũng như không thông báo.
Được sự giúp đỡ của Quyền, Thu đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của công ty Sapharco. Thu chỉ đạo cho Quyền tạo dựng bốn văn bản xác nhận điều kiện thanh toán giả của công ty Unique để ký 41 hợp đồng ngoại thương lừa đảo, chiếm đoạt của công ty Sapharco gần 1,5 triệu USD và thông qua việc ký 22 phụ lục hợp đồng cho vay tiền với danh nghĩa hỗ trợ vốn, để lừa đảo công ty Sapharco gần 20 tỉ đồng. Thu xác nhận, mình còn nợ công ty Sapharco gần 12 tỉ đồng thuế, phí, lãi suất và không còn khả năng thanh toán.
Đối tượng Quyền và Thu. |
Quyền còn khai, việc làm giả các văn bản xác nhận điều kiện thanh toán của công ty Unique, Thu đều biết rõ. Bốn văn bản xác nhận điều kiện thanh toán này, Quyền đều làm theo chỉ đạo của Thu, ký giả ông PK.Singh, đóng dấu công ty Unique, đưa cho Thu giao công ty Sapharco. Ngược lại, Thu khai, do quá tin tưởng Quyền là người đại diện công ty Unique, nên chỉ yêu cầu người này cung cấp các thỏa thuận điều kiện thanh toán từ công ty Unique theo yêu cầu công ty Sapharco, mà không biết việc Quyền làm giả các văn bản xác nhận điều kiện thanh toán của 41 hợp đồng.
Do lời khai của Thu và Quyền không đồng nhất nên cơ quan điều tra đã nhiều lần cho hai người đối chất. Tuy nhiên, trong những lần đối chất này, cả hai vẫn giữ nguyên lời khai của mình. Nhưng, cơ quan chức năng đã xác minh rằng Quyền chỉ được Thu thuê làm Giám đốc công ty Tiến Phúc, chịu mọi sự chỉ đạo của Thu, Quyền không hưởng lợi từ số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án này. Thu là người trực tiếp chiếm đoạt số tiền gần 1,5 triệu USD, gần 20 tỉ đồng của công ty Sapharco và nợ dân sự chưa thanh toán gần 12 tỉ đồng.
Liên quan đến vụ án, Quyền và vợ cũng có đơn gửi Cơ quan điều tra, tố cáo Thu đã vay, chiếm đoạt gần 43 tỉ đồng và mượn 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp vay tiền tại sở giao dịch một ngân hàng TMCP XNK Việt Nam mà không trả. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu dân sự, Cơ quan điều tra đã hướng dẫn vợ chồng Quyền khởi kiện ra tòa án dân sự để giải quyết.
Cơ quan điều tra xác định, đây là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do Trí với cương vị Tổng Giám đốc công ty Sapharco, đã làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Thu là đối tượng chủ mưu với sự giúp sức của Quyền đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của Sapharco. Trí bị VKS truy tố với khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù. Còn Thu và Quyền cùng bị truy tố với khung hình phạt cao nhất là chung thân. |