(ĐSPL) - Dù không được đối tác làm ăn thanh toán tiền sau khi bán hàng, nguyên tổng giám đốc Sapharco vẫn ưu ái cho hai công ty TNHH vay dưới hình thức hỗ trợ vốn mà không cần tài sản thế chấp đảm bảo, dẫn đến hậu quả là hiện nay hai đơn vị này còn nợ Sapharco 63 tỉ đồng nhưng mất khả năng chi trả.
Theo tin tức mới nhất PV nhận được, ngày 19/7, phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ thất thoát hàng chục tỉ đồng, xảy ra tại công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (gọi tắt là Sapharco, 100\% vốn Nhà nước) và chuyển hồ sơ sang viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố Lê Minh Trí (nguyên tổng giám đốc) về hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ việc, PC46 cũng khởi tố hai giám đốc công ty TNHH khác gồm: Võ Duy Quyền (Giám đốc công ty TNHH thương mại dược phẩm Tiến Phúc, gọi tắt là công ty Tiến Phúc) và Nguyễn Hồng Thu (Giám đốc công ty TNHH Khang Phúc, gọi tắt là công ty Khang Phúc), kiêm Phó giám đốc công ty Tiến Phúc) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Các đối tượng bị truy tố: Trí, Thu, Quyền (từ trái sang phải). |
Từ những thoả thuận...
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, công ty Sapharco hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, gồm tất cả 31 đơn vị hạch toán phụ thuộc. Ngày 12/9/2007, UBND TP.HCM đã ra quyết định điều động ông Lê Minh Trí đang là tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Cần Giờ, sang làm tổng giám đốc công ty cổ phần Dược Sài Gòn (sau chuyển thành công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn). Cuối năm 2008, do có quen biết từ trước nên Thu và Quyền đến gặp Trí đề nghị được nhập ủy thác từ đơn vị cung cấp nước ngoài, các loại thuốc qua Sapharco. Theo thỏa thuận, Thu đại diện cho công ty Tiến Phúc chịu trách nhiệm tìm nhà cung cấp nước ngoài, mua hàng, thanh toán và tiêu thụ tại Việt Nam. Sapharco chỉ là đơn vị nhập ủy thác để hưởng phí.
Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác làm ăn, hai bên không thực hiện theo hợp đồng đã thỏa thuận trước đó, mà thống nhất ký hợp đồng mua bán hàng năm. Sapharco thay công ty Tiến Phúc ký hợp đồng mua bán trực tiếp và chịu trách thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài theo những điều khoản mà Thu, Quyền đã thỏa thuận với nhà cung cấp. Khi hàng về Việt Nam, Sapharco chịu trách nhiệm nhận, ký hợp đồng bán lại cho công ty Tiến Phúc theo hình thức trả tiền chậm. Sau khi bán hàng xong, công ty Tiến Phúc mới thanh toán tiền cho Sapharco để Sapharco thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài.
63 tỉ và “cái chết” cho ông giám đốc liều mạng
Theo đó, Sapharco ký 43 hợp đồng mua thuốc của công ty UNIQUE (Ấn Độ) để giao cho công ty Tiến Phúc tiêu thụ. Đồng thời, Sapharco đã ký hai hợp đồng hỗ trợ vốn cho công ty Tiến Phúc thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài gần 20 tỉ đồng. Nhưng công ty Tiến Phúc sau khi bán hàng đã không thanh toán cho Sapharco, nên Sapharco đã phải tự bỏ tiền túi để thanh toán cho công ty UNIQUE toàn bộ giá trị hợp đồng đã ký trước đó. Số tiền này bao gồm tiền hàng, thuế, phí lưu kho, tổng cộng là hơn 50 tỉ đồng, được tính vào khoản nợ mà công ty Tiến Phúc phải trả cho Sapharco.
Ngoài ra, Thu còn lập công ty Khang Phúc, mời Quyền làm giám đốc, Thu là phó giám đốc nhưng thực tế hoạt động của công ty này cũng do Thu điều hành. Thu lập công ty Khang Phúc với mục đích chủ yếu là để vay tiền ngân hàng và xuất hóa đơn làm đầu ra cho công ty Tiến Phúc. Ngày 7/5/2010, với phương thức mua bán hàng hóa tương tự như công ty Tiến Phúc với Sapharco, công ty Khang Phúc mua thuốc giảm đau Cartilon của công ty VISTA LABS (Mỹ) và thủ tục mua bán thông qua Sapharco. Với lần giao dịch này, công ty Khang Phúc tiếp tục không thanh toán cho Sapharco gần 3,6 tỉ đồng.
Đến ngày 26/7/2010, công ty Tiến Phúc và công ty Khang Phúc còn nợ Sapharco hơn 40 tỉ đồng. Do công ty Tiến Phúc không còn khả năng thanh toán nên Sapharco không đồng ý tiếp tục giao hàng cho công ty Tiến Phúc. Trước nguy cơ mất các hợp đồng làm ăn quan trọng, cuối năm 2010, Thu và Quyền thống nhất làm chứng từ giả của công ty UNIQUE gửi cho Sapharco với nội dung: “Sapharco chỉ có trách nhiệm thanh toán tiền cho UNIQUE khi công ty Tiến Phúc thanh toán cho Sapharco đúng hạn”. Có được chứng từ này, Sapharco tiếp tục giao hàng cho công ty Tiến Phúc, và ký các hợp đồng cho vay hỗ trợ vốn hàng chục tỉ đồng nhưng không có tài sản thế chấp, bảo đảm.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2008 đến ngày 31/5/2011, căn cứ đơn đặt hàng của công ty Tiến Phúc và công ty Khang Phúc, Trí đã ký hàng chục hợp đồng nhập khẩu từ hai công ty UNIQUE (Ấn Độ) và công ty VITA LABS (Mỹ) về Việt Nam bán cho hai đơn vị này. Dù sau khi bán hàng không được trả tiền, nhưng Trí vẫn ưu ái cho công ty Tiến Phúc và Khang Phúc vay hàng chục tỉ đồng, dưới hình thức hỗ trợ vốn mà không cần tài sản thế chấp đảm bảo, dẫn đến hậu quả là hiện nay hai đơn vị này còn nợ Sapharco 63 tỉ đồng và mất khả năng chi trả.
Vay vốn không cần tài sản bảo đảm Ngoài các sai phạm nêu trên, từ năm 2008 đến năm 2011, Trí đã ký nhiều hợp đồng bán thuốc cho công ty cổ phần Dược phẩm Cần Giờ, bằng hình thức cho vay 45 tỉ đồng hỗ trợ vốn không có tài sản thế chấp đảm bảo. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu phân phối và tiếp thị dược Sài Gòn cũng được ưu ái cho vay 15 tỉ đồng. Đến nay, cả hai công ty này đều không có khả năng thanh toán. |
Link bài gốc Lấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-nghi-truy-to-nguyen-tong-giam-doc-duoc-sai-gon-sapharco-a42570.html