Lời khai của… “ông trùm”
Theo thông tin PV Đời sống & pháp luật mới nhận vào ngày 5/12, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã triệt phá thành công vụ án băng nhóm hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức “tín dụng đen” do Đào Xuân Thắng (SN 1990, trú ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu gây hoang mang lo sợ cho người dân trong một thời gian dài. Theo tìm hiểu của P.V, đối tượng Thắng đã có 2 tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo các trinh sát cho biết, trong quá trình làm chuyên án, công tác khám xét 4 địa điểm tại TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng, cơ quan công an đã thu giữ 3 xe ô tô, 13 điện thoại, 3 thẻ ngân hàng, 4 ổ cứng máy tính, cùng nhiều sổ sách, hợp đồng cho vay, hợp đồng cầm cố, giấy ủy quyền, thế chấp tài sản như nhà cửa, ô tô và nhiều loại tài sản khác… có liên quan đến hoạt động cho vay “tín dụng đen” của băng nhóm này.
Từ đó, cơ quan điều tra đã làm rõ các đối tượng liên quan đến vụ án trên gồm: Phạm Thị Thúy Hằng, SN 1989 - vợ của Đào Xuân Thắng; trú tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng; Nguyễn Văn Luyện, SN 1980; Trần Văn Chung, SN 1991; Đào Văn Thuận, SN 1975; Hoàng Đăng Dũng, quê ở Hải Phòng, hiện đang ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, và Trần Hồng Giang, SN 1990; quê quán huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.
Qua tri vấn lý lịch, nhiều đối tượng trong ổ nhóm này có gốc Hải Phòng và các tỉnh phía bắc, đã di chuyển vào các tỉnh phía Nam và TP. Hồ Chí Minh để “lập nghiệp” bằng nghề cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Theo lời khai của Đào Xuân Thắng và Nguyễn Văn Luyện, vào tháng 5/2020 chúng cùng một số đàn em vào TP. Hồ Chí Minh, thuê chung cư để hoạt động cho vay lãi nặng, mở rộng mạng lưới hoạt động phạm pháp.
Theo lời khai của Thắng, hắn trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của băng nhóm; quyết định các khoản vay, hình thức cho vay, lãi suất và cũng là người trả lương cho các đối tượng đàn em giúp sức. Theo Thắng khai, khách vay tiền thường được Thắng áp dụng 2 hình thức: vay “bát họ”- trả tiền góp theo ngày, lãi suất từ 282% - 1.738%/năm; vay “lãi nằm”- đóng tiền lãi 15 ngày một lần, lãi suất 5.000đ/1 triệu/1 ngày hoặc 1,5%/ngày, tương đương mức lãi suất 180% - 547,5%/năm.
Để làm mồi nhử những người đang có nhu cầu vay tiền, băng nhóm này đăng quảng cáo trên các website, mạng xã hội; thậm chí kết nối với các đối tượng môi giới (“cò”) làm trong ngành ngân hàng, tài chính để giới thiệu người đang có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, đầu tư, buôn bán, đặc biệt là những người có nhu cầu đáo nợ ngân hàng và cả những con nợ cờ bạc…
Hòng qua mắt cơ quan chức năng, thủ đoạn cho vay lãi nặng, Thắng thuê căn hộ chung cư, vừa ở vừa kinh doanh. Nhưng thực chất là đại bản doanh của các đối tượng lập, sử dụng tài khoản kế toán trên trang web “dongnai123.online” để quản lý, theo dõi các khoản vay của khách, số tiền gốc, tiền lãi, tiền góp hàng ngày theo từng mã vay, từng khách hàng.
Đời khi con mồi dính bẫy, Thắng chỉ đạo Luyện, Giang, Dũng… trao đổi để kiểm tra chỗ ở, điều kiện kinh tế rồi mới cho vay tiền. Vì nắm rõ lý lịch của khách hàng, khi vay tiền con mồi chỉ cần để lại các giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe, Sổ hộ khẩu... để làm tin và viết giấy vay nợ. Đó là những khách hàng vay ít, còn đối với những khách vay khoản tiền lớn, Thắng yêu cầu viết giấy tờ thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản hoặc hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản như ô tô, nhà cửa nhằm mục đích đảm bảo cho khoản vay, nếu sau này khách chậm trả hoặc không trả được nợ thì sẽ ép khách làm thủ tục sang tên tài sản. Với thủ đoạn tinh vi nói trên, rất nhiều con mồi đã dính bẫy của bằng nhóm này dẫn đến tán gia bại sản.
Đối tượng Đào Xuân Thắng (ngoài cùng bên trái)
Đọc lệnh bắt giữ các đối tượng trong ổ nhóm do thắng cầm đầu
Thủ đoạn tinh vi đẩy con nợ đến đường cùng
Cũng theo tài liệu điều tra, lúc đến hẹn trả tiền, các đối tượng Luyện, Giang, Dũng nhắn tin đe dọa, thúc nợ. Nếu trường hợp người vay chậm nộp, Thắng chỉ đạo đàn em gây sức ép yêu cầu người vay “bốc bát” mới để đáo hạn, tất toán cho các khoản vay trước. Như vậy, với thủ đoạn nói trên đã dồn ép con nợ vào tròng “lãi chồng lãi”. Với thủ đoạn này, nhiều người vay mặc dù đã trả cho nhóm của Thắng số tiền lãi gấp nhiều lần tiền gốc nhưng vẫn chưa trả hết nợ, phải chuyển nhượng tài sản có giá trị cao như căn hộ, ô tô rồi dắt díu nhau ra đường.
Theo một lãnh đạo của Cục hình sự, để lập trình mô hình tín dụng đen, ổ nhóm này đã góp khoản tiền khá lớn “đầu tư ban đầu” để kiếm lãi khủng. Sau khi kiểm tra và làm thủ tục cho khách vay, Thắng chỉ đạo vợ là Phạm Thị Thuý Hằng chuyển tiền từ tài khoản của Hằng đến tài khoản của người vay. Khi khách trả tiền góp hàng ngày (gồm tiền gốc và tiền lãi) vào tài khoản của Luyện, Giang, Dũng thì những người này lại chuyển tiền vào tài khoản của Hằng, sau đó nhắn tin báo đã chuyển. Tiền lãi thu được, Hằng sẽ tính toán và chia theo tỉ lệ góp vốn. Với nhiệm vụ như trên, Thắng trả cho Luyện 15 triệu đồng/tháng; Trần Hồng Giang 20 triệu đồng/tháng; Hoàng Đăng Dũng 10 triệu đồng/tháng.
Theo cơ quan CSĐT Bộ Công an, cũng cố lời khai của các đối tượng, bước đầu xác định nhóm Thắng đã cho hàng trăm khách hàng vay với số tiền cho vay lên tới hàng trăm tỷ đồng; trong đó có trường hợp vay 24 tỉ đồng, lãi suất từ 144% - 491%/năm, tổng số tiền gốc và lãi phải trả là gần 40 tỷ đồng,…
Ngay sau khi đủ chứng cứ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 7 đối tượng: Đào Xuân Thắng, Phạm Thị Thúy Hằng, Nguyễn Văn Luyện, Trần Văn Chung, Đào Văn Thuận, Hoàng Đăng Dũng và Trần Hồng Giang về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Được biết, hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để đưa các đối tượng này ra xét xử trước pháp luật một cách nghiêm minh trước pháp luật.
Hoàng Long