Cay không thật sự là một hương vị được công nhận như mặn, ngọt, chua, đắng. Vị cay thực chất là cảm giác cay, thuộc cảm giác "rát" trong miệng chứ không phải mùi vị. Tuy nhiên, đối với nhiều người, đó là một hương vị không thể thiếu trong bất kỳ món ăn nào. Nhắc đến món cay không thể bỏ qua ẩm thực Trung Quốc. Bên cạnh đó, các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico và Thái Lan cũng được đánh giá là những quốc gia ăn cay nhất thế giới. Nhiều người quan niệm cách chế biến thực phẩm mặn và cay như vậy không có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Jayna Metalonis cho rằng nếu ăn cay chừng mực sẽ thu được nhiều lợi ích.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tuổi thọ trung bình của người Thái Lan là 79,27 tuổi (2020). Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75,38 tuổi.
Trang Mirror dẫn nghiên cứu tại Trường Y Larner thuộc Đại học Vermont (Mỹ) cho thấy ăn ớt giúp giảm 13% tỷ lệ tử vong chủ yếu do bệnh tim hoặc đột quỵ. Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu xem xét dữ liệu dinh dưỡng từ hơn 16.000 người Mỹ trong khoảng thời gian 23 năm và nhận thấy rằng việc tiêu thụ ớt trì hoãn tử vong ở những người này.
Ăn thực phẩm có vị cay 6 hoặc 7 ngày một tuần – thậm chí chỉ 1 ngày một tuần – làm giảm tỉ lệ tử vong lên tới 14% - theo một nghiên cứu quy mô lớn vào năm 2015 của Harvard và Trung tâm quốc gia phòng chống, kiểm soát bệnh tật Trung Quốc.
Giải thích lý do tại sao ớt có thể làm chậm tỷ lệ tử vong, các nhà nghiên cứu tin rằng chất capsaicin - thành phần chính của ớt ảnh hưởng đến các kênh thụ thể tiềm năng (TRP) của cơ thể.
Như Quỳnh (T/h)