+Aa-
    Zalo

    Lợi dụng dịch virus corona để "chặt chém" giá khẩu trang y tế có thể bị phạt 7 năm tù

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lợi dụng người dân chủ động mua khẩu trang y tế để phòng chống virus corona, nhiều đơn vị kinh doanh đẩy giá cao hơn so với ngày thường.

    Lợi dụng người dân chủ động mua khẩu trang y tế để phòng chống virus corona, nhiều đơn vị kinh doanh đẩy giá cao hơn so với ngày thường. Theo bộ luật Hình sự 2015, hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Người dân đi mua khẩu trang y tế phòng virus corona. Ảnh: Nguyễn Phượng

    Sáng ngày 31/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do sự bùng phát và lây lan của virus corona (2019nCoV - virus corona Vũ Hán).

    Quyết định này được WHO đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR) ngày 30/1 (giờ Geveva).

    Theo thông tin từ bộ Y tế, tính đến 6h hôm nay (31/1), trên thế giới đã ghi nhận 9.807 trường hợp nhiễm virus corona, 213 trường hợp tử vong, 115 trường hợp mắc bệnh ngoài Trung Quốc. Tại Việt Nam có 5 người nhiễm virus corona, trong đó có 2 bệnh nhân người Trung Quốc (1 người đã khỏi) và 3 người Việt Nam đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa và bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).

    Hiện số trường hợp nghi nhiễm tại Việt Nam là 97 trường hợp, trong đó có 65 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với virus corona và 32 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng, 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm corona.

    Do lo ngại về dịch bệnh trên, tại các điểm công cộng ở TP.Hà Nội, nhiều người dân đeo khẩu trang để chủ động phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona.

    Dạo quanh thị trường khẩu trang y tế những ngày gần đây, giá khẩu trang y tế tại nhiều hiệu thuốc ở Hà Nội cũng đang "nhảy múa" theo diễn biến tình hình của dịch bệnh viêm phổi cấp.

    Ghi nhận tại một số cửa hàng thuốc trên phố Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội), các loại khẩu trang đều tăng giá. Nếu trước đó, một hộp 50 chiếc loại dùng 1 lần, 3 lớp chỉ 100.000 đồng/hộp thì nay đã tăng lên 200.000 đồng. Loại khẩu trang có túi nilon bọc ngoài từng chiếc một hộp 25 chiếc cũng tăng lên 200.000 đồng/hộp.

    Không chỉ tại các cửa hàng, khẩu trang hiện còn được rao bán rất nhiều trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn theo Facebook H.H quảng cáo, loại khẩu trang Unicharm 3D Maks của Nhật Bản có khả năng hống khuẩn tối đa, ngăn chặn khói bụi thâm nhập vào các khe hở, gia tăng mức độ phòng chống bụi, vi khuẩn trong không khí được bán với giá không hề rẻ 300 nghìn đồng/ hộp 100 cái.

    Lợi dụng thời điểm nhu cầu mua khẩu trang y tế của người dân tăng cao, một số đối tượng đã "thổi" giá mặt hàng này lên cao để trục lợi.

    Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, luật sư Lê Minh Đức (Văn phòng Luật số 6, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ, việc lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá vật tư y tế lên cao là không thể chấp nhận được và cần bị xử lý thích đáng, hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Luật sư Đức cho biết, Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có quy định rõ về mức xử phạt đối với "Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý".

    Cụ thể, Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

    Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Thậm chí, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý về Tội đầu cơ.

    Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội đầu cơ: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Minh Đức cũng phân tích rõ, hành vi "mua vét hàng hóa" trong tội đầu cơ không đòi hỏi phải mua bằng hết hàng hoá ở một địa bàn, một vùng nhất định mà chỉ cần mua với số lượng lớn để bán lại trục lợi đã bị coi là đầu cơ. Ngoài ra, việc mua vét hàng hoá phải xảy ra trong thời điểm khan hiếm loại hàng hoá đó tại địa bàn mà người phạm tội mua vét. Nếu mua vét nhưng mặt hàng đó không khan hiếm thì cũng chưa phải là đầu cơ.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

    a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

    b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

    c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

    d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loi-dung-dich-virus-corona-de-chat-chem-gia-khau-trang-y-te-co-the-bi-phat-7-nam-tu-a309837.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan