“Quà biếu” được nguỵ trang tinh vi
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa phối hợp với lực lượng Cảnh sát kinh tế và các đơn vị chức năng bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid được ngụy trang là “quà biếu”, nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài.
Các kiện hàng vi phạm này có ghi người nhận là nhiều cá nhân khác nhau ở Hà Nội và Cao Bằng. Tuy nhiên, điều đặc biệt, nhiều người nhận nhưng lại có cùng số điện thoại.
Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm nhưng khi kiểm tra thực tế, Hải quan đã phát hiện và thu giữ hơn 60.000 viên thuốc các loại được dùng trong điều trị Covid-19.
Theo lực lượng hải quan, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nguy cơ nhập lậu tân dược và thiết bị y tế phòng, chống dịch tăng cao, vì thế cơ quan này đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý những vụ nhập lậu tương tự.
Cơ quan nào được nhập khẩu thuốc chữa bệnh?
Xung quanh vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) nhìn nhận: “Theo quy định của pháp luật thì việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh phải do tổ chức, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dược phẩm, có đăng ký nhập khẩu và phải thực hiện khai báo hải quan, nộp thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có chức năng nhập khẩu thuốc chữa bệnh nhưng lại nhập khẩu trái phép, không khai báo hải quan thì đây được xác định là hành vi buôn lậu”.
Theo Luật sư Cường, hành vi buôn lậu thuốc chữa bệnh không những ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thị trường dược phẩm trong nước. Do đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ người đã có hành vi nhập khẩu số thuốc điều trị Covid-19 này là tổ chức, cá nhân nào, trị giá toàn bộ lô thuốc là bao nhiêu tiền, hành vi vi phạm lần đầu hay đã từng bị xử phạt hành chính để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, Luật sư Cường nói.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích: “Trong trường hợp giá trị lô thuốc từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cụ thể, trường hợp giá trị lô thuốc từ 100 triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp hành vi được xác định là có tổ chức hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, phạm tội 2 lần trở lên... thì hình phạt là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm”.
Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng nhấn mạnh thêm: “Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội Buôn lậu còn có thể xử lý cả đối với pháp nhân thương mại. Bởi vậy, trường hợp pháp nhân đứng ra nhập khẩu trái phép lô thuốc này thì ngoài các cá nhân có liên quan, pháp nhân thương mại cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 188 Bộ luật Hình sự”.
Nguyễn Thị Hường
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Thứ 4 (số 152)