Sau một thời gian dài im ắng thì thời gian gần đây lợi dụng khu vực giáp ranh và thời điểm cuối năm tình trạng khai thác cát trái phép lại trở lên sôi động tại khu vực sông Hồng chảy qua tỉnh Hà Nam.
Dòng sông Hồng, đoạn chảy qua bãi nổi xã Nhân Thịnh huyện Lý Nhân – Hà Nam – phía bên kia là đoạn bờ kè của huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình những ngày gần đây trở thành điểm nóng của tình trạng khai thác cát lậu. Không chỉ khai thác vào ban ngày mà ban đêm nơi đây thực sự trở thành công trường. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân ven khu bãi bồi.
Theo ông Nguyễn Văn B thôn Do Đạo xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân “Ban ngày chúng tôi trông thì tàu hút cát họ ra ngoài luồng xa nhưng đêm hôm chúng tôi không có mặt ở đây thì tàu họ vào gần bờ hút. Màu mỡ đất trồng dâu nuôi tằm và cây hoa màu bị tụt hết theo dòng nước hết”. Chính quyền địa phương đã có công văn gửi UBND tỉnh Hà Nam, Sở tài nguyên & môi trường và UBND huyện Lý Nhân để nghiên cứu xem xét để giữ lại bãi bồi này.
Cát tặc mặc sức hoành hành đoạn qua xã Nhân Thịnh khiến người dân và chính quyền cơ sở càng thêm sức lo lắng. Không chỉ có đoạn sông chảy qua địa bàn xã Nhân Thịnh, thực trạng khai thác cát trên đoạn sông Hồng chảy qua xã Phú Phúc cũng đang là vấn đề nhức nhối.
Bà Nguyễn Thị Ng, xã Phú Phúc huyện Lý Nhân cho biết: Khoảng 10 ngày trở lại đây trên địa bàn xuất hiện nhiều tàu hút cát với công suất lớn hoạt động từ tối đến sáng sớm. Nhiều tàu vào sát bờ để hút cát gây sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến hoa màu của người dân.
Trao đổi với phóng viên, đại diện chính quyền xã Phú Phúc cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác cát trên sông, ngay sau khi người dân phản ánh lãnh đạo xã đã cử lực lượng Công an viên xuống tận nơi, đồng thời gọi điện thoại cho đội Cảnh sát Giao thông đường thủy – Công an tỉnh Hà Nam đối phối hợp xử lý.
Theo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Nhân: “Trong tháng 11 năm 2018, Công an tỉnh, Sở Nội Vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam phối hợp với UBND huyện Lý Nhân, UBND xã Chân Lý tiến hành khảo sát thực địa trên sông Hồng, vị trí giáp ranh giữa 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình đoạn từ cầu Hưng Hà đến Cầu Thái Hà. Kết quả cho thấy: tại vị trí tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên từ cầu Hưng Hà xuôi về hạ lưu có 05 phao do tỉnh Hưng Yên đã thả đều lấn sang địa phận tỉnh Hà Nam, phao sang nhiều nhất là khoảng 70m, phao ít nhất là 20m; Việc thả số phao này không có sự tham gia của các cơ quan tỉnh Hà Nam cũng như UBND huyện Lý Nhân và xã Chân Lý. Dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng khai thác cát trong thời gian vừa qua”. Cũng theo phòng Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tình trạng “cát tặc” đang diễn ra khá phức tạp trên địa bàn sông Hồng đoạn chảy qua xã Nhân Thịnh, Phú Phúc gây bức xúc trong nhân dân.
Còn theo bà Nguyễn Tuyết Lan - chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thì việc xử lý các đối tượng hút cát trái phép được lãnh đạo huyện giao cho lực lượng Công an huyện, tuy nhiên sau khi nghe người dân và phóng viên phản ánh lãnh đạo huyện sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng cho kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Theo ông Lương Thanh Hưởng giám đốc Chi cục thuế huyện Lý Nhân, trong thời gian qua trên địa bàn huyện có 5 đơn vị được cấp quyền khai thác khoáng sản gồm: Công ty TNHH Đồng Phát, Công ty TNHH Phú Gia Hà Nam, Công ty CP đầu tư Tam Hà, Công ty CP KS & VL mới Tiến Lộc và Công ty TNHH ĐT & XD Phú Hiệp Phát. Cũng theo ông Hưởng, việc cát tặc hoành hành trên địa bàn huyện đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu thuế của địa phương.
Qua tổng hợp, trong một năm qua, trên tuyến sông Hồng, sông Luộc giáp ranh ba tỉnh, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý 74 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn hai tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hai tháng đối với hai trường hợp vi phạm, tịch thu hàng chục thiết bị khai thác cát… Ngày 22/10, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nam cho biết đã bắt quả tang 2 tàu hút cát trái phép trên tuyến sông Hồng. Ngày 21/10, phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nam phát hiện tàu sắt mang số hiệu HP-4039 có tải trọng khoảng 400 tấn, do Vũ Phúc Hậu, sinh năm 1982, trú ở xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình làm chủ đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng, thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam với xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Quá trình kiểm tra, chủ tàu không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát. Cùng ngày, phòng Cảnh sát giao thông phát hiện tàu sắt mang số hiệu TB-1293 có tải trọng khoảng gần 1.000 tấn, do Nguyễn Văn Nỗ, sinh năm 1971, trú ở xã Quyết Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình làm chủ cùng 6 thuyền viên đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép ở địa phận xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa làm “giảm nhiệt” vi phạm trên các tuyến sông giáp ranh bởi các đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng địa hình sông nước ngang nhiên hoạt động (kể cả ban ngày), khi lực lượng chức năng tới thì di chuyển sang địa phận tỉnh khác. Ngoài ra, việc xâm canh trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực bãi bồi trên sông xảy ra nhiều năm gây mất an ninh trật tự và khó khăn cho công tác quản lý địa giới hành chính cũng như việc kiểm tra, bắt giữ và xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Thái Bình, Hà Nam và Hưng Yên đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý hành chính hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến sông giáp ranh, nhưng gặp rất nhiều vướng mắc, như: Địa giới hành chính giữa các tỉnh trên sông chưa được xác định rõ ràng, không có phao mốc nên khó khăn cho cơ quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát; các xã ven sông cho thuê đất làm bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng không đúng thẩm quyền; các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, đê điều và UBND cấp huyện không có phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Có thể thấy, trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản trên sông hiện nay có rất nhiều ban, ngành tham gia, như: công an, giao thông, nông nghiệp, xây dựng, tài nguyên môi trường, công thương…, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng. Tình trạng "cát tặc" lộng hành giữa ban ngày, trong thời gian dài không được phát hiện, xử lý cương quyết vẫn xảy ra thường xuyên gây mất lòng tin trong nhân dân.
Người dân có đất sản xuất dọc các tuyến sông luôn sống trong trạng thái lo lắng, như ngồi trên đống lửa: sợ mất ruộng, mất vườn, mất nhà ở. Còn về phía các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình cũng đang đối mặt với việc thất thoát nguồn tài nguyên và thất thu nguồn thuế từ việc khai thác cát trái phép.
Nhóm PV