Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, đồng chí Phan Chí Trà (32 tuổi) đang công tác tại Lữ đoàn 4, Vùng 4, Hải quân vẫn vững tay súng, hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.
“Ông bà, bố mẹ tôi từng tham gia kháng chiến, là tù chính trị và bây giờ tôi là lính Trường Sa để viết tiếp truyền thống cách mạng của gia đình. Truyền thống ấy giúp tôi thêm tự tin, kiên cường, bền gan trước sóng gió, kẻ thù. Và đó không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn là điểm tựa tinh thần vững chãi nhất cho những người lính đảo như tôi. Mỗi khi đứng trước khó khăn, lời cha dạy hôm nào như vọng lại giữa trùng khơi giúp tôi có thêm sinh lực để vững tay súng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó”, đó là tâm sự của đồng chí Phan Chí Trà (32 tuổi) hiện đang công tác tại Lữ đoàn 4, Vùng 4, Hải quân...
Từ tiếp lửa cho con
Chúng tôi về thôn 8, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vào thời điểm Trung Quốc vừa di dời giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển nước ta. Trong căn nhà đơn sơ ven biển, ông Phan Sỹ Canh (72 tuổi), bố của đồng chí Phan Chí Trà vẫn say sưa nghe tình hình thời sự qua chiếc radio nhỏ.
“Biết tôi mê nghe đài nên cháu Trà đã tặng tôi chiếc radio này. Nhờ chiếc đài này mà tôi luôn theo sát được tình hình trên Biển Đông. Với tôi đây là món quà ý nghĩa nhất”, ông Canh nói. Pha ly nước trà mời khách, ánh mắt ông Canh toát lên vẻ tự hào khi con mình là lính Trường Sa.
“Cuộc đời 2 vợ chồng tôi đều kinh qua chiến tranh gian khổ, đẫm máu và nước mắt, giờ già rồi thì có thế hệ trẻ tiếp bước góp phần sức lực, trí tuệ để bảo vệ Tổ quốc. Trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta, vợ chồng tôi luôn động viên con hãy vững chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc”, ông Canh nói trong niềm tự hào.
Ông Phan Sỹ Canh luôn theo sát tình hình Biển Đông qua chiếc radio do con trai tặng. Ảnh: T.N.B. |
Từ nhỏ, Phan Chí Trà đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu thảo và ham học hỏi. Đặc biệt, Trà luôn quan tâm đến những câu chuyện chiến trường mà cha mẹ kể. Cứ mỗi lần có bạn, đồng đội của ông Canh đến thăm nhà là Trà lại lân la ngồi nghe cha ôn lại kỷ niệm chiến trường cùng đồng đội.
“Khoảng 20 năm về trước, một người bạn chiến đấu về thăm vợ chồng tôi, bà nhà gọi Trà đi mua đá về ăn chè đỗ xanh nhưng gọi mãi vẫn không thấy trả lời, đi tìm mới thấy cu cậu ngồi nấp ở góc nhà nghe chúng tôi kể chuyện chiến trường”, ông Canh nhớ lại.
Không những thế, Trà thường tò mò hỏi về những vết thương trên người cha, mẹ bởi anh biết mỗi vết thương ấy sẽ gắn với một trận chiến hào hùng nào đó. Và rồi qua mỗi câu chuyện ấy, ánh mắt Trà lại sáng lên một niềm tin vào chính nghĩa, hào khí và lý tưởng cách mạng của dân tộc. Trà dần thấy yêu màu áo lính từ dạo ấy và quyết thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 để sau này phụng sự Tổ quốc, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình.
Với nỗ lực, quyết tâm học tập, Trà đã thực hiện được ước mơ của mình. Sau 5 năm rèn luyện, Trà ra trường và xung phong về làm việc tại Hải quân Vùng 4 để được thỏa ước mơ ra với đảo xa. “Vợ chồng tôi biết con đam mê màu áo lính nên rất vui và thường lấy những câu chuyện hay, đẹp về tình đồng chí, đồng đội, về đức hy sinh, sự dũng cảm, mưu trí trước kẻ thù để răn dạy con. Chúng tôi muốn tiếp lửa cho con để con bền gan, vững chí trước nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”, ông Canh tâm sự. Được cha mẹ động viên, ủng hộ, Trà như có thêm nguồn sinh lực để lên đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đến hậu phương vững chắc
Với vợ chồng ông Phan Sỹ Canh, bà Lê Thị Mót (72 tuổi), việc xác định xây dựng hậu phương cho con càng quan trọng hơn bao giờ hết. “Ngày xưa vợ chồng tôi cũng theo đuổi lý tưởng cách mạng đến cùng cho dù bị tù đày khổ ải, giờ đây lẽ nào mình lại ràng buộc con theo đuổi khát vọng bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió. Vì thế, chúng tôi luôn làm tốt công tác tư tưởng, tự chăm sóc bản thân mình thật tốt để Trà yên tâm công tác”, ông Canh khẳng khái nói.
Ông kể, vợ chồng ông có 6 người con, Trà là con út. Hiện nay, 4 cô con gái đã lấy chồng và đi làm xa, anh con trai cả lập gia đình rồi định cư hẳn tại thành phố Hồ Chí Minh nên nhà chỉ còn lại 2 vợ chồng già nương tựa vào nhau. Để con yên tâm bảo vệ Tổ quốc, ông bà thường xuyên liên lạc thông báo tình hình sức khỏe để anh khỏi lo âu. “Trà là đứa con hiếu thảo, biết mình là con trai út phải lo việc chăm sóc bố mẹ khi về già nên tuần nào cháu cũng điện về hỏi han sức khỏe, động viên ân cần. Cháu nói với tôi, khi nào tình hình Biển Đông yên ổn con sẽ xin phép đơn vị về thăm nhà”, ông Canh xúc động nhớ lại.
Mấy năm gần đây, bà Mót mắc bệnh sỏi thận, tiểu đường nên sức khỏe suy yếu hơn trước. Nhưng để Trà yên tâm công tác, bà luôn dặn mọi người phải giữ kín thông tin. Cho đến khi căn bệnh biến chứng nặng buộc bà phải nhập viện điều trị dài ngày, mọi chuyện mới vỡ lở.
“Cách đây gần một tháng, bà nhà tôi phải nhập viện để điều trị bệnh tiểu đường và sỏi thận dài ngày. Cả nhà đã giấu nhẹm chuyện này không cho cháu Trà biết. Nhưng gọi điện nhiều lần không thấy mẹ nghe máy, Trà biết mẹ ốm nặng. Cuối cùng, tôi phải kể cho cháu nghe về bệnh tình của mẹ, rồi trấn an, mẹ con không sao, ở nhà đã có ba với các chị lo rồi”, ông Canh kể.
Hiện tại, căn bệnh của bà Mót trở nên nặng, chuyển biến phức tạp hơn trước nên ông Canh đành để cậu con trai cả đưa mẹ vào chung sống tại TP. Hồ Chí Minh để tiện điều trị dài ngày. Không thể giấu con như trước nữa, ông Canh đành thông báo cho Trà biết mọi chuyện, nhưng luôn thông báo theo chiều hướng tích cực nhất để Trà yên tâm.
Từ khi bà Mót vào ở với cậu con trai để thuận lợi cho việc điều trị bệnh, ở quê nhà chỉ còn lại mình ông Canh. Sống một mình nhưng ông Canh không chỉ tự chăm sóc tốt cho bản thân mình mà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội rất sôi nổi. Bà con trong xóm gọi điện thăm Trà và không ngớt lời khen ông Canh nên Trà rất yên lòng.
Đang dở dang câu chuyện, chợt chuông điện thoại reo lên, ông Canh biết ngay là con trai gọi điện thoại về vì ngày nào Trà cũng gọi cho ông Canh đúng vào giờ này. “Ba ăn tối chưa?. Ba cố giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho con. Mấy hôm nay trở trời, vết thương của ba chắc là bị tái phát đau lắm?”, loa ngoài chiếc điện thoại vang lên giọng nói rắn rỏi của Trà. Ông Canh pha trò để trấn an con: “Ba khỏe, ngày nào cũng nghe đài rồi đánh cờ tướng chứ làm gì mà không khỏe hả con. À, dạo này ba nuôi gà thả vườn hiệu quả lắm, khi nào về ba thịt cho vài con mà bồi dưỡng. Ba ngày nào cũng cơm canh, thịt, cá đủ đầy, con đừng có lo. Mà mẹ con dạo này cũng khỏe ra nhiều, chắc vài ba hôm nữa là ra quê thôi”.
Hậu phương của những người lính đảo là thế, họ chấp nhận thiệt thòi về mình để con yên tâm lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Trước lúc cúp máy, Trà tâm sự với tôi rằng: “Cha mẹ, gia đình là điểm tựa lớn nhất của những người lính đảo như tôi. Tôi học được ở cha sự kiên trung, can đảm, mưu trí, học được ở mẹ sự bền gan trước kẻ thù, vì thế những lúc gian khó, hiểm nguy, lời cha dạy như vọng lại giữa trùng khơi giúp tôi thêm tự tin, vững chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc”.