Lộc Bình là huyện miền núi giáp biên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Nơi đây có hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng các di sản văn hóa rất phong phú và đa dạng, đặc biệt huyện có lợi thế rất lớn khi điểm du lịch núi Mẫu Sơn được tỉnh quy hoạch và xây dựng thành điểm du lịch quốc gia, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch ở vùng đất này. Với nhiều tiềm năng có sẵn, huyện Lộc Bình xác định phát triển du lịch là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo…
Theo báo cáo của UBND huyện Lộc Bình, kết thúc năm 2018, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Lộc Bình đã đạt được khá nhiều kết quả tích cực. Theo đó Tổng sản phẩm trên đại bàn huyện tăng 9,0% đạt 100% kế hoạch; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản ước đạt 811,825 triệu đồng; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương đạt 1.628 tỷ đồng; tổng thu ngân sách năm 2018 ước đạt 114.322 triệu đồng đạt 196,43% so với dự toán tỉnh giao. Lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục có bược tiến bộ, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên khá rõ; công tác quốc phòng, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo giữ vững.
Trong khi đó, Lộc Bình là địa phương có rất nhiều tiềm năng nhất là tiềm năng để phát triển du lịch. Huyện có đường biên giới dài 28,879 km và có cửa khẩu Chi Ma tiếp giáp với Trung Quốc. Nổi bật ở Lộc Bình là hệ thống dãy núi Mẫu Sơn có độ cao trung bình trên 1.000 m so với mặt nước biển, trong đó đỉnh núi Cha cao 1.541 m, cũng là đỉnh núi cao nhất ở khu vực Đông Bắc của Việt Nam, nhiệt độ trung bình khoảng 150c;…Khai thác lợi thế đó, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, những năm qua, huyện Lộc Bình đã thực hiện các chương trình, kế hoạch quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trọng tâm đặc biệt là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu qua địa bàn, đồng thời quy hoạch và xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma |
Bên cạnh đó, Lộc Bình còn có 14 hồ nhân tạo vừa và lớn, trong đó nổi tiếng là các hồ chứa như: Tà Keo, Nà Cáy, Bản Chành; thác Khuôn Van, suối Long Đầu,… Đáng chú ý, trong năm 2017, danh thắng thác Bản Khiếng (xã Hữu Khánh) được xếp hạng cấp tỉnh, huyện có hệ thống di tích lịch sử – văn hóa lâu đời và mang nhiều giá trị nhân văn như: đình Vằng Khắc, chùa Trung Thiên, giếng làng cổ 100 tuổi, Khu du kích Chi Lăng,… đã đi vào lịch sử, trở thành những địa chỉ giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đặc biệt, điểm du lịch núi Mẫu Sơn – một điểm du lịch nổi tiếng của Xứ Lạng và cũng là điểm nhấn của du lịch huyện Lộc Bình đã được UBND tỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng thành Khu du lịch quốc gia. Đây là những yếu tố tạo rất nhiều thuận lợi cho phát triển du lịch huyện.
Không chỉ có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử, Lộc Bình còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật, nơi sinh sống và giao thoa văn hóa của các dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao… với nhiều di sản văn hóa dân gian đặc sắc như: hát then, sli, lượn, slắng cọ, múa sư tử mèo, múa võ dân tộc, bắn nỏ, nghi lễ cấp sắc của người Dao… Vùng đất Lộc Bình còn có văn hóa ẩm thực miền sơn cước độc đáo với những đặc sản: rượu, đào Mẫu Sơn, gà 6 cựa, ếch hương, thịt treo gác bếp…
Để phát huy tiềm năng lợi thế này, nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng du lịch đã được huyện đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mới như: đầu tư phục dựng đền thờ tại địa điểm núi Phặt Chỉ và đền cổ tại Khu linh địa cổ Mẫu Sơn; quy hoạch phát triển du lịch tại các điểm: đình Vằng Khắc, chùa Trung Thiên, suối Long Đầu, Khu du kích Chi Lăng… Phát triển sản xuất, quảng bá các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến đầu tư mời gọi các nhà đầu tư với nhiều cơ chế ưu đãi, tổ chức các hoạt động xúc tiến, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại du lịch vào điểm du lịch núi Mẫu Sơn và điểm du lịch thác Bản Khiếng. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ tại 15 cơ sở lưu trú (trong đó có 164 buồng với 227 giường nghỉ). Với những nỗ lực đó, lượng khách du lịch đến với Lộc Bình ngày càng tăng. Năm 2018 tổng số lượng khách ước đạt 213.200 lượt, trong đó riêng Khu du lịch Mẫu Sơn đón khoảng 203.000 lượt khách.
Múa Sư tử - nét văn hóa của người Tày, Nùng xứ Lạng |
Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nhất là phát huy lợi thế Khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma, khu du lịch Quốc gia Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình xác định: Kinh tế cửa khẩu phát triển theo hướng xây dựng các khu dịch vụ biên mậu, cải thiện dịch vụ thông quan, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, vì vậy các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện sẽ phát triển mạnh. Thông qua đó góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ, tăng thu ngân sách nhà nước. Khu du lịch Mẫu Sơn sẽ tập trung đầu tư khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (Nùng, Dao...) để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định thương hiệu du lịch Mẫu Sơn. Khu du lịch Mẫu Sơn phát triển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh và văn hóa tộc người; bảo đảm an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra Huyện cũng chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ tại các điểm đến và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh, danh thắng, du lịch cộng đồng… Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất tạo các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương; kết nối một số điểm du lịch trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các tour: thành phố Lạng Sơn – Khu du lịch Mẫu Sơn – thác Bản Khiếng – Cửa Khẩu Chi Ma…
Mục tiêu phấn đấu đến năm đến năm 2030 khu du lịch Mẫu Sơn đón trên 1,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó trên 50 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2030 đạt trên 3.400 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và những giải pháp đồng bộ, tin tưởng du lịch huyện sẽ tiếp tục có những bước tiến vững chắc trên hành trình trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Thu Hà