+Aa-
    Zalo

    Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa: Hội nhập và phát triển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là trường đại học công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý của UBND dân Tỉnh Thanh Hóa....

    Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là trường đại học công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa và quản lý chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiền thân là Trường Văn hóa Nghệ thuật đào tạo cán bộ nghiệp vụ văn hoá nghệ thuật cho tỉnh Thanh Hóa trở thành một trường đại học đa ngành có nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học lĩnh vực văn hóa  - nghệ thuật, thể thao và du lịch cho vùng Bắc Trung Bộ và Nam sông Hồng.

    Những năm gần đây, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Uy tín, thương hiệu và chất lượng đào tạo từng bước được khẳng định, tạo thêm nguồn nhân lực cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể thao và du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quê hương, đất nước.

    Phát triển dựa trên thế chân kiềng bền vững, với văn hóa - nghệ thuật là lĩnh vực nền tảng, thể thao là lĩnh vực thế mạnh và du lịch là lĩnh vực mới đón đầu xu thế, nhu cầu nhân lực của xã hội. Song, mục tiêu của nhà trường là xây dựng và hoàn thiện mô hình đào tạo không chỉ đa lĩnh vực mà còn đa cấp độ, nhiều ngành học đặc thù được liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, ĐH và sau ĐH. Hiện, nhà trường đang đào tạo 4 ngành bậc trung cấp năng khiếu, 18 ngành  ĐH, 1 chuyên ngành cao học, liên kết đào tạo 4 chuyên ngành cao học, được Tổng cục Du lịch cấp phép đào tạo cấp chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch đạt chuẩn quốc gia.

    Lễ kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường ĐH Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thanh Hóa với Trường Đại học Daejin, Hàn Quốc.

    Bên cạnh đó, nhằm tiến tới xu hướng tự chủ hoàn toàn, Ban Giám hiệu Nhà trường cũng chủ trương thành lập và phát triển các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ ngắn hạn phục vụ cho nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Nhà trường được Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Thông tin & Truyền thông cho phép tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản; Cũng trong năm này, Nhà trường đã có đủ các điều kiện pháp lý phối hợp với IIG Việt Nam tổ chức thi, cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ cho cá nhân có nhu cầu.

    Để hoàn thiện mô hình đào tạo đa ngành, đa nghề và hướng tới cơ chế tự chủ đó, “chìa khóa” ở đây là phải có một cơ chế quản lý điều hành khoa học và xây dựng chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho từng lĩnh vực đào tạo đặc thù. Với phương châm “Nuôi dưỡng đam mê, khuyến khích sáng tạo, tôn trọng khác biệt, hợp tác phát triển”, Đảng ủy, Hội đồng nhà trường và Ban Giám hiệu đã chủ trương xây dựng một môi trường làm việc thông thoáng, đồng thuận để cán bộ, giảng viên, viên chức có thể phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo, góp phần vào sự phát triển chung của nhà trường. Nhà trường xác định, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng được xem là khâu then chốt, quyết định đến sự đổi mới, phát triển của nhà trường. Hiện, nhà trường có gần 220 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có hàng chục giảng viên đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, có chức danh phó giáo sư, giảng viên cao cấp đang là những tấm gương sáng về tinh thần cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp trồng người và sự phát triển của nền nghệ thuật quê hương, đất nước.

    Cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà trường đã thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín trong và ngoài nước. 5 năm gần đây, nhà trường đã triển khai, nghiệm thu hàng chục đề tài NCKH cấp tỉnh, hàng trăm đề tài NCKH cấp cơ sở; tổ chức một số cuộc hội thảo khoa học quốc tế, hàng chục hội thảo khoa học cấp trường và quốc gia... Ngoài ra, nhà trường đã hợp tác với Trường ĐH Minscat (Philippine), ĐH Zielona Gora (Ba Lan), ĐH Nakhon Phanom  (Thái Lan)... để trao đổi giảng viên, sinh viên. Cùng với đó, trường cũng đã ký kết hợp tác đào tạo toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao với các Sở Giáo dục và Thể thao Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bolikhămxay (nước CHDCND Lào). Đây thực sự là cánh cửa “nhìn ra thế giới” giúp nhà trường không chỉ nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy và học, mà còn góp phần nâng cao vị thế của nhà trường. Với uy tín và chất lượng đào tạo đã được khẳng định, do vậy công tác tuyển sinh của nhà trường có nhiều khởi sắc, với chỉ tiêu được tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao mỗi năm từ 1.500 – 1.700 chỉ tiêu.

    Có thể khẳng định, Trường ĐH VHTT&DL Thanh Hóa là cái nôi đào tạo, nuôi dưỡng và chắp cánh cho hoài bão, tài năng văn hóa nghệ thuật của xứ Thanh và cả nước. Dù là một trường ĐH còn non trẻ và đang đứng trước nhiều thời cơ, thách thức song với định hướng là ổn định các ngành đào tạo hiện có, nhà trường sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo để tạo dựng thương hiệu và uy tín; đồng thời ưu tiên cho đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng công tác giảng dạy và NCKH… quyết tâm xây dựng nhà trường phát triển nhanh, bền vững.

    PGS.TS Trần Văn Thức

    Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học VHTT&DL
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-dai-hoc-van-hoa-the-thao-va-du-lich-thanh-hoa-hoi-nhap-va-phat-trien-a279456.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan