+Aa-
    Zalo

    Loạn thị trường điện thoại di động xách tay - Bài 1: Hàng loạt "ông lớn" nói không với VAT

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không xuất hóa đơn VAT, giá rẻ chưa bằng một nửa hàng chính hãng, sinh ra để đấu với hàng chính hãng là những khẳng định xanh rờn từ nhân viên tại hàng loạt cửa hàng...

    Không xuất hóa đơn VAT, giá rẻ bằng một nửa hàng chính hãng, mục đích để "đấu với hàng chính hãng" là những khẳng định xanh rờn từ nhân viên tại hàng loạt cửa hàng điện thoại di động có tiếng như TechOne, Mobile City,

    Điện thoại xách tay được đưa về như thế nào?

    Như một thói quen, người tiêu dùng Việt thường mua các sản phẩm điện thoại xách tay (ĐTXT) để có được mức giá thấp nhất mà không để ý đến chất lượng sản phẩm cũng như các chế độ hậu mãi được quảng cáo như “hàng chính hãng”.

    Những dòng điện thoại di động xách tay từ bình dân đến cao cấp đều được bầy bán công khai như "rau" ở các cửa hàng

    Theo tìm hiểu của PV, ĐTXT được cung cấp chủ yếu qua hai con đường cơ bản. Thứ nhất, nguồn hàng do những người đi máy bay mang từ nước ngoài về trong nước, hay còn gọi là hàng “bay” - nguồn này có từ những người thường xuyên phải ra nước ngoài du lịch, công tác, hoặc du học sinh… 

    Thứ hai, nguồn hàng được gửi qua đường chuyển phát nhanh quốc tế về trong nước. Hàng xách tay loại này hay được giới trong nghề gọi là hàng “ship”. Để ship được hàng về nước cũng có nhiều cách. Nếu người buôn có người thân ở nước ngoài, họ sẽ gom hàng từ bên đó rồi gửi về. Nếu không, “con buôn” trong nước sẽ tự tìm hiểu, liên hệ và giao dịch mua hàng trực tiếp với người bán từ nước ngoài qua các trang mạng.

    Sau khi hàng về đến Việt Nam, các cửa hàng có đội ngũ kỹ thuật kiểm tra máy, xếp loại các mức giá và đưa ra thị trường kinh doanh.

    Theo anh B.T.D, một "thợ" ĐTXT có tiếng tại thị trường Hà Nội cho biết: “Đặc thù của ĐTXT nói riêng và các sản phẩm hàng xách tay đang trôi nổi trên thị trường nói chung là dòng hàng hóa có giá trị thấp hơn rất nhiều so với những hàng hóa được nhập khẩu chính hãng do không phải làm các thủ tục thuế quan, kiểm tra chất lượng,…”

    Thâm nhập thị trường điện thoại xách tay

    Để tìm hiểu kỹ hơn, nhóm PV đã đến hàng loạt cửa hàng điện thoại có tiếng ở Hà Nội như Tech One, Mobile City, để hỏi mua một số dòng sản phẩm đang bán chạy trên thị trường như: Xiaomi, Oppo, Iphone, Samsung…

    Trong vai khách hàng có nhu cầu sử dụng điện thoại trong tầm giá từ 5 - 8 triệu đồng tại cửa hàng điện thoại T. One có tiếng trên đường Thái Hà, Đống Đa. PV được nhân viên kinh doanh giới thiệu sản phẩm Iphone7, 32Gb, hàng xách tay Mỹ, mới 99% với giá 6.490.000. Trong khi đó, sản phẩm này được bán chính hãng tại FPT với giá 13.990.000.Tại tất cả các cửa hàng, PV đều nhận được câu trả lời: Hàng xách tay không xuất được hóa đơn đỏ, và nếu muốn có hóa đơn, cửa hàng có thể bán cho khách với điều kiện, trên hóa đơn sẽ ghi cùng mức giá, nhưng sản phẩm trên hóa đơn sẽ khác với sản phẩm PV muốn mua.

    Với câu hỏi về giá các sản phẩm ĐTXT thấp hơn rất nhiều so với hàng chính hãng, PV nhận dược câu trả lời rất bất ngờ từ nhân viên kinh doanh tại 1 cửa hàng điện thoại M. City lớn trên đường Thái Hà, Đống Đa “Bọn em sinh ra để đấu với hàng chính hãng mà anh”.

    Nhân viên tại một hàng di động còn khẳng định sản phẩm họ đang bán là "sinh ra để cạnh tranh với hàng chính hãng

    Ngoài các cửa hàng trên,PV cũng tham khảo một loạt giá cả, nguồn gốc tại các cửa hàng khác như: Max Mobile, MS Mobile… cũng đều nhận được câu trả lời tương tự về việc "không thể" xuất hóa đơn.

    Theo Luật sư Tạ Anh Tú - Công ty luật TNHH An Quốc Law hành vi kinh doanh “hàng xách tay” không xuất hóa đơn là có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu. Chiếu theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu bao gồm:

    “…

    c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

    d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

    đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.”

    Chưa bàn đến chất lượng, bảo hành các dòng sản phẩm trên như thế nào nhưng việc bày bán điện thoại tại hàng loạt cửa hàng lớn trên có nhiều vấn đề cần làm rõ về thuế, nguồn gốc xuất xứ...

    PV sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm việc với Cục Quản lý thị trường, Tổng cục Thuế Hà Nội… để phản ánh tới bạn đọc những thông tin chính xác nhất.

    “Tháng 4/2018 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2922/VPCP-V.I truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Y tế, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam.

    Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động kinh doanh hàng hóa gắn mác "xách tay", xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật”  (Trích CV số 2922/VPCP_V.I)

     Bài 2: Video lộ diện phát ngôn bán điện thoại xách tay không VAT tại hàng loạt cửa hàng 

    Nhóm PV


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loan-thi-truong-dien-thoai-di-dong-xach-tay---bai-1-hang-loat-ong-lon-noi-khong-voi-vat-a254521.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan