Uống trà xanh có giúp giảm nguy cơ đột quỵ?
Trà xanh từ lâu đã trở thành thức uống quen thuộc của người Việt. Theo Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam trà xanh được coi là một trong những đồ uống tốt cho sức khỏe hàng đầu.
Thường xuyên uống loại trà này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc bệnh Alzheimer, giúp chúng ta duy trì mật độ khoáng xương tốt hơn, tránh các bệnh về mắt ảnh hưởng đến thị lực khi về già, ngăn ngừa đột quỵ, chống ung thư, chống rối loạn chuyển hóa và kéo dài tuổi thọ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ phát hiện catechin trong trà xanh làm giảm đáng kể cả cholesterol toàn phần và cholesterol "xấu" (LDL).
Trên trang Healthline đưa tin, một đánh giá của 14 nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ trà xanh hàng ngày trong ít nhất 2 tuần sẽ làm giảm tổng lượng cholesterol khoảng 7mg/dL và cholesterol LDL (cholesterol xấu) khoảng 2mg/dL.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy trà xanh có thể làm giảm cholesterol bằng cách giảm sản xuất LDL của gan và tăng loại bỏ nó khỏi máu. Trà xanh cũng rất giàu chất chống oxy hóa, có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol LDL và hình thành mảng bám trong động mạch.
Theo BlueZones, ở Nhật Bản, trà xanh là một trong những đồ uống phổ biến nhất. Trong một nghiên cứu trên 40.000 người Nhật uống trà thường xuyên, nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn đáng kể. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ở phụ nữ giảm hơn 30% và nguy cơ ở nam giới giảm hơn 20%.
Tỷ lệ tử vong do đột quỵ thậm chí còn thấp hơn ở nhóm dân số Nhật Bản này với tỷ lệ giảm hơn 60% ở phụ nữ và hơn 40% ở nam giới. Catechin được biết là có tác dụng ngăn chặn việc sản xuất các gốc tự do trong động mạch và mô, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
Nước chè xanh rất tốt nhưng lại "đại kỵ" với 7 nhóm người này
Người đại tiện táo không nên uống nhiều nước chè
Bài viết của BS Lê Thị Hương trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, trong nước chè chứa nhiều axit không những làm giảm sự co bóp của ruột mà còn làm lắng đọng protein, các peptit, chất sắt, ion kim loại, gây chứng táo bón hoặc khiến cho người bị táo bón lại bị nặng thêm.
Cần chú ý rằng, lá chè đun hãm càng lâu thì tanin tách ra càng nhiều, càng bất lợi cho người bị táo bón.
Người nhạy cảm với caffeine
Trà xanh chứa caffeine. Hấp thụ quá nhiều chất này có thể dẫn đến hồi hộp, lo lắng, nhịp tim bất thường và run. Một số người không có khả năng dung nạp caffeine sẽ bị các triệu chứng đó ngay cả khi uống ít trà.
Dùng đồ uống nhiều caffeine cũng có thể cản trở hấp thụ canxi, ảnh hưởng đến sức khỏe của xương và tăng nguy cơ loãng xương.
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Chè xanh chứa caffeine, catechin và axit tannic. Cả ba chất này đều liên quan đến nguy cơ khi mang thai. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, uống trà xanh với lượng nhỏ, khoảng 2 cốc mỗi ngày là an toàn. Lượng trà xanh này cung cấp khoảng 200mg caffeine.
Tuy nhiên, uống nhiều hơn 2 tách trà xanh/ngày liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai và các tác động tiêu cực khác. Caffeine đi vào sữa mẹ dễ ảnh hưởng đến trẻ. Uống nhiều có thể gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, một số nhóm nên hạn chế uống trà xanh như người bị rối loạn cảm xúc, bệnh tim, tiêu chảy, tăng nhãn áp, bệnh gan, đang uống thuốc.
Trẻ em cũng không nên uống trà xanh do tannin có thể cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng như protein và chất béo ở trẻ. Caffeine cũng có thể dẫn đến kích thích quá mức.
Người thiếu máu
Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang Guru On Time cho biết, axit tannic trong trà xanh kết hợp với sắt trong thức ăn, cản trở sự hấp thụ sắt vào niêm mạc ruột, gây thiếu sắt. Từ đó có thể gây thiếu máu. Vì vậy, những người thiếu máu nên thận trọng khi uống trà xanh. Tốt nhất là không nên uống.
Người bị thiếu canxi hoặc gãy xương
Các alkaloit trong chè xanh có thể ức chế sự hấp thụ canxi, đồng thời thúc đẩy bài tiết canxi trong nước tiểu, do đó canxi trong cơ thể ngày càng ít, dẫn đến thiếu canxi và loãng xương, gãy xương khó hồi phục.
Người đang sốt cao
Bệnh nhân sốt nên uống nước lọc. Hợp chất theophylline trong trà có tác dụng làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến cơn sốt trầm trọng hơn, đồng thời chất này cũng có tác dụng lợi tiểu làm giảm hiệu quả hạ sốt.
Bệnh nhân có vấn đề dạ dày
Báo VietNamNet dẫn nguồn trang Practo cho biết, tannin có trong chè xanh làm tăng axit trong dạ dày, dễ gây đau bụng, buồn nôn hoặc táo bón. Vì vậy, bạn không được uống trà xanh khi đói. Những người bị loét dạ dày hoặc trào ngược axit cũng không nên uống quá nhiều. Một nghiên cứu kết luận trà là chất kích thích mạnh axit dạ dày, có thể giảm bớt bằng cách thêm sữa và đường.