Loại bỏ tài xế nghiện ma túy khỏi vô lăng bằng cách nào? Đời Sống Pháp Luật
    +Aa-
    Zalo

    Loại bỏ tài xế nghiện ma túy khỏi vô lăng bằng cách nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tài xế nghiện ma túy, gây ra những vụ tai nạn giao thông cực kỳ nghiêm trọng đã và đang là vấn đề nhức nhối của xã hội.

    (ĐSPL) - Tài xế nghiện ma túy, gây ra những vụ tai nạn giao thông cực kỳ nghiêm trọng đã và đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Làm gì để loại bỏ những tài xế nghiện ma túy này?
    Sau khi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ra quyết định yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành tổng kiểm tra sức khỏe của đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải trong cả nước, sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu các doanh nghiệp cho hơn 60.000 tài xế tham gia lưu thông trên địa bàn tổ chức kiểm tra sức khỏe, trong đó bao gồm cả việc kiểm tra chất ma túy...
    Sẽ thanh kiểm tra đột xuất
    Ngày 1/4, trong buổi trao đổi với báo chí về việc tiến hành tổng kiểm tra sức khỏe của đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải, ông Dương Hồng Thanh (Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) cho hay: “Công tác kiểm tra này nhằm góp phần làm giảm tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu do tình hình sức khỏe của người tham gia điều khiển không đảm bảo như bị bệnh tim mạch, huyết áp, hỏng mắt... Đồng thời, phát hiện và loại bỏ những lái xe sử dụng chất ma túy, chất kích thích hay các chất gây nghiện khác. Các doanh nghiệp chủ động tổ chức khám sức khỏe cho tài xế và báo cáo kết quả cho Sở trước ngày 30/4”.
    Trên thực tế, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho lái xe đã được triển khai thí điểm tại TP.Hải Phòng và thu được nhiều kết quả. Qua đó, Sở GTVT Hải Phòng đã phát hiện tới 217 trường hợp cho kết quả kiểm tra dương tính với ma túy. Việc kiên quyết loại bỏ hơn 200 tài xế nghiện khỏi vô lăng đã giúp Hải Phòng giảm 20\% số vụ tai nạn giao thông trong hai tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ được xem là một tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành giao thông đường bộ cả nước.
    Riêng trên địa bàn TP.HCM, Sở GTVT yêu cầu các doanh nghiệp hằng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe. Theo đó, Sở sẽ tạm thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, các loại phù hiệu đã cấp, nếu doanh nghiệp không tổ chức kiểm tra nhằm phát hiện các trường hợp lái xe sử dụng ma túy. Đối với các tài xế nghiện, doanh nghiệp vận tải phải chấm dứt hợp đồng ngay lập tức, không cho tiếp tục lái xe. Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ công khai danh tính của những trường hợp lái xe có kết quả dương tính với ma túy trên website của Sở để tránh tình trạng lái xe bị thôi việc ở đơn vị này chuyển sang công tác tại đơn vị khác.
    Làm gì để loại bỏ tài xế nghiện khỏi vô lăng?

    Khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho tài xế nhằm hạn chế tối đa những vụ tai nạn như thế này có thể xảy ra.

    Tuy nhiên, nghi vấn hàng đầu được những người quan tâm đặt ra hiện nay chính là tính minh bạch, trung thực của các đợt kiểm tra sức khỏe này. Liệu có đảm bảo loại bỏ được hoàn toàn các tài xế “phê” thuốc trên vô lăng chỉ với kết quả kiểm tra do doanh nghiệp cung cấp. Nhiều ý kiến cho rằng, song song với việc doanh nghiệp tự kiểm tra, Sở GTVT cũng cần tiến hành kiểm tra đột xuất, bất ngờ để tránh những tiêu cực, gian lận trong công tác kiểm tra sức khỏe. Như vậy, mới hạn chế được tình trạng “cá lọt lưới” vẫn thường xảy ra ở các đợt kiểm tra đại trà từ trước đến nay.
    Có tránh được nạn “mua giấy khám sức khỏe”?
    Sau khi có văn bản quy định về việc các doanh nghiệp vận tải phải tổ chức khám sức khỏe cho các tài xế ít nhất là mỗi năm một lần, bao gồm cả việc kiểm tra chất ma túy, hầu hết các doanh nghiệp đều đồng tình vì đây là quy định rất thiết thực, nhằm giảm tai nạn giao thông, giảm thiệt hại về tài sản của các doanh nghiệp vận tải.
    Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp vận tải tỏ ra lo ngại, bởi chi phí cho việc khám sức khỏe tài xế hằng năm là rất cao. Một bộ phận khác còn cho biết, nếu chỉ quy định doanh nghiệp tổ chức khám và báo cáo về Sở GTVT địa phương thì sẽ rất bất cập, vì có thể doanh nghiệp sẽ báo cáo khống. Về cánh tài xế, những người nghiện ma túy đang tỏ ra lo lắng vì có thể bị mất việc và bị nêu tên. Tuy nhiên, có không ít người cho rằng, có nhiều cách để tránh né kiểm tra hoặc mua kết quả kiểm tra giả để đối phó.
    Theo anh Nguyễn Văn Nam, tài xế công ty TNHH thương mại và dịch vụ Vận tải Viết Hải (TP.HCM): “Để xảy ra tai nạn là điều không mong muốn của bất kỳ tài xế nào, nhưng cũng có những tài xế vì nghiện ma túy, nghiện rượu hay bất cẩn đã để xảy ra những vụ tai nạn không đáng có. Tôi đồng ý với quy định của Sở GTVT TP.HCM về việc yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Tuy nhiên, phải triển khai quy định này một cách đồng bộ, có sự phối hợp của tất cả các tổ chức liên quan. Và đặc biệt, phải làm tới cùng, lâu dài để quy định này trở thành một tiêu chí không thể thiếu khi cấp giấy phép lái xe hay tuyển tài xế của doanh nghiệp”.
    Liên quan đến vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Chung (Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM).
    Loại bỏ tài xế nghiện ma túy khỏi vô lăng bằng cách nào?
    Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM.
    Theo ông Chung, hiện Sở GTVT TP.HCM đang giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc khám sức khỏe tài xế, sau đó báo cáo về Sở. Để bảo đảm việc kiểm tra được chất lượng, cơ quan liên ngành của Sở sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các tài xế để phát hiện sai phạm và xử lý. Tuy nhiên, hiện trong hạng mục khám sức khỏe định kỳ không có mục kiểm tra người khám có bị nghiện ma túy hay không. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào việc khám sức khỏe hàng năm thì sẽ không quy được trách nhiệm các tài xế và cơ quan tổ chức khám.
    Đồng quan điểm trên, ông Phan Thái Bình (Tổng thư ký hiệp hội Taxi TP.HCM) cho hay, việc kiểm tra khám sức khỏe định kỳ hằng năm, bao gồm cả việc kiểm tra ma túy đối với tài xế là một việc thật sự cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh việc giao cho các doanh nghiệp chủ động tổ chức khám sức khỏe, các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt. Trong đó, doanh nghiệp vận tải là những đơn vị cơ sở đầu tiên phải thực hiện triệt để những quy định này, kiên quyết cho thôi việc các tài xế không đủ điều kiện lái xe. Các cơ sở được giao nhiệm vụ khám sức khỏe cho tài xế phải làm việc nghiêm túc, không bán kết quả khám. Nếu phát hiện tài xế có dấu hiệu nghiện ma túy nhưng cơ sở khám vẫn cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe lái xe thì sẽ xử lý nghiêm.
    Cần quy trách nhiệm tới cùng
    Cũng theo ông Thái Văn Chung (Tổng thư ký hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM), nên đưa việc khám và kiểm tra ma túy hay các tiền chất gây nghiện vào hạng mục khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Từ đó, nếu cơ quan liên ngành của Sở kiểm tra đột xuất mà phát hiện tài xế nghiện ma túy thì ngoài tài xế phải chịu trách nhiệm, cơ sở khám sức khỏe cho tài xế hay doanh nghiệp chủ quản phải chịu trách nhiệm liên đới. Có như thế, mới hạn chế được việc mua bán kết quả khám, xét nghiệm hoặc nhờ người đi khám thay trong những đợt kiểm tra sức khỏe.
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/loai-bo-tai-xe-nghien-ma-tuy-khoi-vo-lang-bang-cach-nao-a28129.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tin cùng chuyên mục
    Nổi bật trong ngày