Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng kỷ lục trong năm 2018, đạt xấp xỉ 5 triệu lượt. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đang hết sức lo lắng trước tình trạng lượng khách có dấu hiệu giảm sút và người nước ngoài bao số từ a tới z, dẫn tới không tham gia được vào chuỗi cung ứng dịch vụ của họ.
Nhiều charter bay vào Việt Nam đã bị huỷ
Có mặt tại một cửa hàng Ngọc Trai chuyên phục vụ cho khách Trung Quốc thuộc huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, PV báo ĐS&PL ghi nhận, tại đây, luôn có hàng loạt xe du lịch cỡ lớn, nối đuôi nhau tấp vào bãi và đưa nhiều đoàn khách ra vào showroom này để mua bán sản phẩm.
Khi PV ngỏ ý vào tham quan, bảo vệ ra chặn đường và cho biết, chỉ phục vụ “khách theo đoàn”. Tuy nhiên, ý nghĩa của từ “khách theo đoàn” ở đây là chỉ phục vụ khách Trung Quốc, đi theo đoàn của các công ty đặt trước. Theo một số người dân sống ở gần đó, chỉ có một vài người Việt làm nhân công bán hàng tại showroom, còn quản lý và các vị trí chủ chốt đều do người nước ngoài nắm giữ.
Đó cũng là thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi mà doanh nghiệp Việt không tham gia được vào chuỗi cung ứng dịch vụ của thị trường khách Trung Quốc trong thời gian qua. Thực chất, nhiều doanh nghiệp chỉ làm “đối tác” đặt phòng, môi giới dịch vụ, đưa đón, hỗ trợ cho các công ty nước ngoài núp bóng...
Lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam 2018 tăng kỉ lục nhưng lại đang có dấu hiệu giảm. |
Những tháng cuối năm 2018, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam có dấu hiệu giảm sút, đặc biệt là hàng loạt charter (thuê bao nguyên chuyến) đã hủy. “Cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ căng thẳng thì lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài có giảm (khách Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam). Thực tế cho thấy, một loạt các charter bay vào Việt Nam đã bị huỷ trong dịp cuối năm 2018”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải cho biết.
“Có 4 tuyến thuê bao charter từ Trung Quốc đến đã bị hủy trong tháng 1/2019. Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng này, bởi, đây là nguồn khách lớn của công ty trong vài năm qua. Dù không can thiệp được nhiều vào chuỗi cung ứng nhưng là đối tác hưởng phần trăm hoa hồng, doanh nghiệp chúng tôi cũng sống được”, ông Nguyễn Huy Hoài, Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM chia sẻ.
Không chỉ tại Việt Nam, mà ở Thái Lan, một trong những quốc gia có lượng khách Trung Quốc đến tăng cao trong thời gian gần đây cũng đang đối mặt với “khủng hoảng khách” đến từ thị trường này. “Trong quý 3 và 4/2018, lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm trên dưới 10%, nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort... thường đón khách Trung Quốc rơi vào ế ẩm. Nhiều nơi phải rao bán hoặc đóng cửa”, Thạc sĩ Lê Phong Vân, trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận định.
“Vết xe đổ” về một thị trường “độc tôn”
Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị cho kịch bản về khách Trung Quốc sụt giảm. Đặc biệt là phải tìm các thị trường nguồn, thị trường ngách để tránh rơi vào tình trạng “du lịch chết, thành phố ma”...
Thực tế, như tại Bình Thuận với bài học thị trường du lịch “độc tôn” với khách Nga là nhãn tiền vẫn còn tính thời sự. “Ở Phan Thiết, Mũi Né, Hàm Tiến... (tỉnh Bình Thuận), hàng loạt resort, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng mọc lên như nấm sau mưa hy vọng đón dòng khách Nga và các nước nói tiếng Nga. Thế nhưng, khi Nga rơi vào khủng hoảng kinh tế, đồng Rúp mất giá, khách Nga không đi du lịch nữa thì các điểm này rơi vào trạng thái “chết”. Nhiều resort đến nay còn bỏ hoang như thành phố ma”, Thạc sĩ du lịch Lê Phong Vân phân tích thêm.
“Để tránh lặp lại “mô hình này”, du lịch Việt Nam cần phải chuẩn bị và có phương án đối phó, tránh để những điểm như Khánh Hoà, Quảng Ninh, Đà Nẵng... rơi vào tình trạng du lịch chết”, chuyên gia này nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trọng Khôi, đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng: “Phải lường trước kịch bản cho trường hợp khách Trung Quốc và một số quốc gia khác không đến Việt Nam nhiều như kỳ vọng (vì nhiều lý do khác nhau) thì phải chọn thị trường nào làm thị trường nguồn. Xưa nay, khách Tây Âu rất thích sang Việt Nam, đặc biệt là với chính sách miễn visa. Tuy nhiên, do xung đột khách với khu vực Đông Bắc Á, nhất là khách Trung Quốc nên họ đã lựa chọn điểm đến khác”.
“Do đó, cần phải tìm các giải pháp để thu hút trở lại nguồn khách từ thị trường Tây Âu. Có thể coi đây là thị trường trọng tâm trong năm 2019 và các năm tiếp theo, qua đó, tạo ra sự bền vững cho du lịch Việt Nam”, chuyên gia này khuyến nghị.