“Cơn bão” từ “hiệu ứng” của bộ sách Cánh Diều đã bộc lộ lỗi sai về cách tổ chức làm sách để còn “sạn”, việc nể nang xuê xoa của hội đồng thẩm định dẫn đến lọt “sạn”. Vậy, quy trình nào sẽ được áp dụng trong thời gian tới để từng trang sách luôn thấm đẫm tình người và mênh mang tri thức như sứ mệnh vốn có của nó?
Nhiều “sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 – Cánh Diều. |
Điều tối kỵ đã xảy ra
Trước sự truy vấn của dư luận về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều có nhiều “sạn”, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ sách rất công phu, nhưng không thể tránh khỏi những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn sách giáo khoa dù được tái bản nhiều lần vẫn còn “sạn”. Đồng ý cải cách giáo dục là tất yếu, những cái mới không tránh khỏi ý kiến khen chê trái chiều. Tuy nhiên, chúng ta không thể cứ viện dẫn ý nghĩa tốt đẹp của cải cách, đổi mới bằng việc lấy “trung tâm” của giáo dục - là học sinh, ra làm chuột bạch. Bởi khi sửa chữa được sai lầm, có khi lại vô tình góp phần làm hỏng một thế hệ.
Nếu nói như ông Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, bộ GD&ĐT sẽ còn tiếp tục sai sót? Vậy sai sót đến bao giờ?
Mặc dù đã nghỉ hưu, GS.TS Trương Việt Bình - nguyên Giám đốc học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam - đã bức xúc nhắn nhủ đến PV tạp chí Đời sống và Pháp luật: “Tôi không thể không lên tiếng khi chứng kiến những sai sót lớn như trong bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa rồi. Sai thì phải sửa là đương nhiên! Nhưng cũng có những vấn đề khi đã sai là không thể sửa được. Chẳng hạn, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được xây dựng chương trình giới thiệu kiến thức đến học sinh một cách tuần tự, bây giờ đã sai là sai cả hệ thống, rất nhiều nội dung phản giáo dục, không thể sửa được nữa. Nếu những kiến thức đó tiếp tục được truyền thụ đến học sinh sẽ trở nên rất nguy hại – vì các em là thế hệ tương lai của đất nước. Bởi thế, không thể tiếp tục đưa hàng vạn trẻ em trở thành thế hệ chuột bạch, được đào tạo một cách chụp giật, thiếu trung thực, như thế là phá hoại cả dân tộc”.
Thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân tạo ra và bỏ lọt những “hòn đá cuội” trong sách giáo khoa, ThS. Phan Thế Hoài - nhà nghiên cứu ngôn ngữ tại TP.Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: “Đội ngũ biên soạn cẩu thả, hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, không nắm được tâm lý lứa tuổi học sinh lớp 1 (chỉ mới lên 6 tuổi) và yếu kém phương pháp sư phạm ở phạm vi bậc tiểu học. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định làm việc không đến nơi đến chốn, đọc không kỹ bản thảo, thiếu phản biện nghiêm túc và kể cả sự quyết đoán cần có trong học thuật - có thể do nể nang. Thêm nữa, do giáo viên trong quá trình lựa chọn sách làm việc thờ ơ hoặc biết sách còn bất cập nhưng không dám lên tiếng phản ánh”.
Bên cạnh đó, GS.TS Trương Việt Bình cũng phân tích: “Bộ GD&ĐT cho các nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa, tạo nên 5 bộ sách khác nhau. Không phải đội ngũ nào cũng thực sự có chuyên môn giỏi, nên vô tình bị ảnh hưởng bởi mục đích kinh doanh. Thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, những tiêu cực sẽ dễ bị cho qua. Đó là một thảm họa! Một số nhóm tư nhân không đủ trình độ, trí tuệ nhưng vẫn viết sách, chỉ tìm cách để “chạy”, đưa chương trình vào trường học. Đó là điều không được phép làm đối với một nền giáo dục”.
Theo GS.TS Trương Việt Bình, ngay lúc này, ngành giáo dục cần phải trưng cầu ý dân xem có nên tiếp tục cải cách giáo dục theo hướng này hay không. Tức là, thay vì cải cách chương trình có sự kế thừa và phát huy cái hay, cái đẹp của chương trình cũ, thì đây lại loại bỏ sạch trơn cái cũ, trong khi, cái mới lại không đủ trình độ như cái cũ. Đó là điều tối kỵ!
Trách nhiệm của bộ GD&ĐT
ThS Phan Thế Hoài nêu quan điểm: “Dĩ nhiên, đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa mà đứng đầu là GS. Nguyễn Minh Thuyết -Tổng Chủ biên, kiêm Chủ biên - phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này. Cuốn sách này cần được nhanh chóng thu hồi và tiêu hủy bởi có quá nhiều “sạn”. Cùng với đó, những người có trách nhiệm liên quan phải bồi thường bằng tiền cho khách hàng - phụ huynh, khi họ buộc phải mua một phế phẩm”.
Cũng bày tỏ sự đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, nhà văn Nguyễn Quang Vinh bày tỏ: “Mới đầu, khi nghe những lý giải của GS Trần Đình Sử và GS Mai Ngọc Chừ (Chủ tịch và Phó Chủ tịch hội đồng thẩm định) rằng đã có văn bản khuyến cáo, yêu cầu tổ biên soạn sách Cánh Diều chỉnh sửa nhưng họ không chịu, tôi cũng thông cảm rằng, dù sao Hội đồng thẩm định đã nhận thấy có “sạn”. Hóa ra, đọc văn bản trong website của Cánh Diều thì lời lẽ thẩm định kết luận của hội đồng lại “đẹp như mơ”, khen nức nở tổ biên soạn. Chỉ như thế thôi, đủ thấy, Hội đồng thẩm định đã thiếu trách nhiệm với công việc của mình, một công việc rất thiêng liêng, một công việc ảnh hưởng đến hàng triệu con trẻ”.
Ông Vinh nhấn mạnh: “Tôi thẳng thắn nói thế này, có vẻ như nhóm tác giả và hội đồng thẩm định sách giáo khoa đang cùng một ê-kíp làm cho bằng được, làm lấy được và dùng tên tuổi vài vị để che lấp sự ấu trĩ của mình. Cần một hội đồng thẩm định khác để minh bạch, công khai hoá các công đoạn biên soạn sách giáo khoa, cần một sự giám sát mang tính pháp lý và cần một sự chịu trách nhiệm trước pháp luật với sản phẩm đặc biệt này”.
Đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý, GS.TS Trương Việt Bình cho rằng: “Bộ trưởng bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi để học sinh sử dụng sách giáo khoa nhiều “sạn” như vậy. Chưa kể, trước đây, khi bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng, nhưng không làm được dẫn đến câu chuyện xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa và lùm xùm chuyện “sạn” như hiện nay”.
Thủy Tiên
Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Năm (166)