Theo NY Post, nhiều người dùng tinh mắt đã phát hiện phương tiện không người lái dưới nước (UUV) tối mật của Mỹ có tên Manta Ray trên Google Earth vào ngày 23/6.
Hình dáng của tàu hoàn toàn nổi bật so với các phương tiện khác đậu gần đó. Con tàu tự hành được đặt tên theo một loài sinh vật biển vì thiết kế và khả năng neo sâu dưới nước khi hoạt động ở chế độ năng lượng thấp của nó.
Manta Rayy do tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) thiết kế, được đặt theo tên của cá đuối do hình dạng nhiều tương đồng với sinh vật này. Theo Northrop Grumman, “Manta Ray” sẽ thực hiện các nhiệm vụ dưới biển trong thời gian dài, phạm vi rộng và không cần hỗ trợ tại chỗ từ con người. Northrop Grumman nhấn mạnh, do thiết kế module nên có thể tháo dỡ và vận chuyển “Manta Ray” trong các container tiêu chuẩn. Nếu có mối đe dọa khẩn cấp, “Manta Ray” được cho sẽ triển khai nhanh hơn tàu lặn truyền thống.
Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại Mỹ (DARPA) đã khởi động chương trình Manta Ray vào năm 2020 để cải thiện thiết kế phương tiện dưới nước, bao gồm phát triển các kỹ thuật nhằm tăng khả năng tải trọng và tiết kiệm năng lượng.
Cơ quan này ban đầu đã chọn ba nhà thầu - Northrop Grumman, Martin Defense Group LLC và Metron Inc, nhưng sau đó đã chọn Northrop Grumman vào cuối năm 2021. Kể từ đó, Northrop Grumman và Martin Defense Group LLC, mỗi đơn vị đã phát triển các nguyên mẫu độc đáo của thiết bị không người lái để hoạt động dưới nước.
Mặc dù sứ mệnh tương lai của Manta Ray chưa được tiết lộ nhưng Northrop Grumman mô tả phương tiện này là một lớp UUV mới. Manta Ray có ưu điểm tiết kiệm năng lượng, với khả năng neo xuống đáy biển và "ngủ đông" ở trạng thái năng lượng thấp.
Đặc điểm của Manta Ray dễ dàng vận chuyển và lắp ráp sẽ hỗ trợ khả năng triển khai nhanh chóng trên toàn thế giới mà không chiếm nhiều không gian có giá trị tại các cơ sở hải quân.
"Manta Ray có thể trở thành một công cụ quan trọng cho các hoạt động quân sự dưới nước", ông Kyle Woerner, giám đốc chương trình của Manta Ray tại DARPA, cho biết.