Theo hãng thông tấn Tass, bình luận về việc Nga cáo buộc Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công bán đảo Crimea, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết, chính quyền Mỹ không muốn dân thường thiệt mạng và sẽ thảo luận vấn đề này với Kiev.
"Ukraine tự đưa ra quyết định về hoạt động và mục tiêu tấn công. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng, chúng tôi không muốn thấy xảy ra thương vong đối với người dân”, ông Ryder nói rõ quan điểm của Mỹ về cuộc tấn công mới nhất của Ukraine nhằm vào bán đảo Crimea
Người phát ngôn Lầu Năm Góc lưu ý thêm rằng nếu Nga lo ngại về thương vong trong lực lượng của mình thì họ nên dừng cuộc chiến này ngay lập tức và trả lại lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine thay vì đưa quân đội vào cuộc chiến một cách không cần thiết”.
Ngày 23/6, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng một cuộc tấn công được cho là đã được thực hiện nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự của thành phố Sevastopol bằng tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ cung cấp. Trong số 5 tên lửa tấn công vào Crimea, phòng không Nga đã bắn hạ được 4 mục tiêu. Một tên lửa còn lại sau bị đánh chặn và mất phương hướng đã rơi xuống thành phố Sevastopol.
Chính quyền Nga cũng tuyên bố 4 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương do vụ tấn công. Còn theo ông Mikhail Razvozhaev - Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm giải thích sở dĩ vụ tấn công gây ra thiệt hại lớn về người vì tên lửa ATACMS của Ukraine mang theo đạn chùm.
Ủy ban Điều tra Nga sau đó đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ tấn công. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lời chia buồn tới người dân Sevastopol. Ngày 24/6 được chỉ định là ngày để tang ở Sevastopol và Crimea.
Đạn chùm của tên lửa ATACMS có thể bắn ra hàng chục cho đến hàng trăm quả đạn con và có phạm vi sát thương lớn. Đạn chùm hiện đang bị cấm ở hơn 100 quốc gia, bao gồm cả Anh, Pháp và Đức. Loại vũ khí này được coi là cực kỳ nguy hiểm đối với dân thường vì đạn thường trải rộng trên các khu vực rộng lớn và có thể tồn tại dưới lòng đất trong nhiều năm.
Mỹ tuyên bố cung cấp đạn chùm cho Ukraine vào tháng 7/2023. Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thời điểm đó gọi quyết định này là “rất khó khăn” nhưng có lý, cho rằng việc chuyển giao vũ khí này là cần thiết để thúc đẩy một cuộc phản công của Ukraine
Cả Mỹ, Ukraine và Nga đều chưa ký Công ước về Bom, đạn chùm. Vào mùa hè năm 2023, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu cho biết nước này sẽ không triển khai loại vũ khí này chống lại Ukraine vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Nga có thể đảo ngược chính sách này.
Theo Tass và Pravda