+Aa-
    Zalo

    Lộ chi phí “nhạy cảm” của nhà thầu chính dự án đường hành lang ven biển phía Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đại diện nhà thầu chính Hàn Quốc đã ép nhà thầu phụ Việt Nam phải “gánh” nhiều phí “nhạy cảm” trái pháp luật trong dự án đường hành lang ven biển phía Nam.

    (ĐSPL) - Đại diện nhà thầu chính Hàn Quốc đã ép nhà thầu phụ Việt Nam phải “gánh” nhiều khoản chung chi “nhạy cảm” trái pháp luật, hòng chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tiền bảo lãnh thi công gói thầu (!?). PV báo ĐS&PL đã nhập cuộc điều tra và phát hiện không ít sự thật bất ngờ.

    Tự thanh toán rồi “ép” thầu phụ trả lại

    Hồ sơ PV báo ĐS&PL thu thập được thì, nhà thầu chính một số gói thầu dự án (DA) đường hành lang ven biển phía Nam là công ty TNHH tư vấn và xây dựng Ssangyong (Cty Ssangyong) của Hàn Quốc đã tự ý chung chi những mức phí “nhạy cảm” và ép những nhà thầu phụ thanh toán lại các khoản phí này.

    Một trong những nhà thầu phụ đã gửi đơn tố cáo đến báo ĐS&PL. Theo đó, họ đã ký hợp đồng với Cty Ssangyong làm nhà thầu phụ của gói thầu thứ 7 – thi công đoạn cầu Kênh 14 (đoạn từ Km 139+900 đến Km 147+900), thuộc dự án đường hành lang ven biển phía Nam. Nội dung đơn tố cáo cho là Cty Ssangyong đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng khi buộc nhà thầu phụ phải thanh toán những khoản phí phát sinh “trên trời rơi xuống” hàng tỷ đồng.

    Một phần của dự án mà nhà thầu chính (Cty Ssangyong) giao lại cho nhà thầu phụ.

    Điều đáng nói, thông tin từ hồ sơ cho thấy, những khoản chi phí mà phía Cty Ssangyong “ép” nhà thầu phụ thanh toán hoàn toàn không nằm trong các hạng mục thỏa thuận trước đó. Theo thỏa thuận, hiệu lực của hợp đồng có giá trị từ ngày 13/2/2012 đến ngày 31/7/2015. Trong quá trình triển khai gói thầu, do nhà thầu chính liên tục gây sức ép, buộc liên danh nhà thầu phụ nhiều điều vô lý, trái quy định pháp luật nên Liên danh nhà thầu phụ đã thông báo ngừng thi công. Và ngày 9/12/2014, hai bên đã tổ chức ký kết bàn giao khối lượng công trình đã hoàn thành. Phía Liên danh (nhà thầu phụ) đã gửi thông báo theo quy định cho phía nhà thầu chính (Cty Ssangyong) về việc ngưng hợp đồng thi công theo quy định.

    Sự việc tưởng chừng sẽ được hoàn tất các thủ tục kết thúc hợp đồng, nhưng bất ngờ sau đó, Cty Ssangyong gửi văn bản có con dấu và được ký bởi Tổng giám đốc công ty này là ông Ji Kwang Bac, buộc nhà thầu phụ phải thanh toán một số khoản phí phát sinh lên đến gần 1,9 tỷ đồng.

    Những khoản chi phí được chỉ ra như: Chi phí tăng ca của kỹ sư 240 triệu đồng; chi sửa chữa công trình 524 triệu đồng (làm tròn số); chi phí của nhà thầu chính cho kỹ sư văn phòng trong giai đoạn gia hạn và giữ lại trên 586 triệu đồng. Đặc biệt trong đó có những khoản phí “nhạy cảm” như: Chi phí kiểm định 215.965.681 đồng; chi phí tiếp khách 34.000.000 đồng; chi phí thêm cho công tác kiểm định 296.052.810 đồng.

    Ông Hoàng Quốc Toàn, đại diện Liên danh nhà thầu phụ bức xúc: “Nhà thầu chính đã ép chúng tôi một cách phi lý, dù chúng tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam thì không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã bàn giao và thông báo rõ ràng những khoản phí bất hợp lý trên không thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ và trên thực tế không làm thì không thể thanh toán được. Chi phí kiểm định thuộc trách nhiệm của nhà thầu chính, không có trong hợp đồng giữa hai bên. Hơn nữa, buộc chúng tôi chịu chi phí sửa chữa phát sinh là hoàn toàn phi lý. Bởi, phần gói thầu thi công đã được hai bên ký bàn giao trên thực địa, không có phản ánh hay yêu cầu sửa chữa gì suốt thời gian 1 năm”.

    Theo ông Toàn, trong cuộc họp giữa hai bên, phía Cty Ssangyong, đại diện nhà thầu chính mới đây, vẫn tiếp tục “ép” nhà thầu thanh toán những khoản chi phí bất hợp lý nêu trên. Mặt khác, Cty Ssangyong đã đưa ra điều kiện vô lý, “nếu như Liên danh không chấp nhận những chi phí phát sinh nêu trên xem như Liên danh tự ý vi phạm hợp đồng và Cty Ssangyong được quyền thu hồi hoặc trừ vào khoản bảo lãnh của liên danh nhà thầu phụ”.

    Có dấu hiệu hình sự

    Nhận định về vụ việc nêu trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bùi Quốc Tuấn cho rằng, ngoài những chi phí không có trên thực tế mà nhà thầu chính ép thầu phụ phải chịu, những khoản phí “nhạy cảm” như: Chi phí kiểm định 215.965.681 đồng Chi phí tiếp khách 34.000.000 đồng... phía nhà thầu phụ cần làm việc với Cty Ssangyong và không chấp nhận bất cứ khoản chi phí “nhạy cảm” nào, đồng thời gửi đơn đến bộ Xây dựng yêu cầu xác định các khoản đó có hay không?

    Giả sử những khoản “nhạy cảm” đó có, thì Cty Ssangyong nên có văn bản gửi các cơ quan công an tố cáo những cán bộ có hành vi tham nhũng trên, đồng thời chịu trách nhiệm với những việc mình tố cáo. Còn phía Cty Ssangyong không thực hiện, có quyền nghi vấn Cty Ssangyong tạo dựng những khoản phí này nhằm khấu trừ tiền từ nhà thầu phụ.

    “Cũng cần lưu ý thêm, những dự án có vốn nước ngoài tài trợ như ODA, ODP hoặc những dự án được tài trợ thực hiện bởi Chính phủ các nước Hàn Quốc, Úc, Nhật... và ngân hàng châu Á (ADB), nếu có tham nhũng phát sinh trong quá trình thực hiện, thì nên tố cáo đến nhà chức trách Việt Nam. Còn nếu im lặng sẽ được xem như đồng lõa với tham nhũng. Như Việt Nam đã xét xử các quan chức tham nhũng trước đây có liên quan đến những nguồn vốn tài trợ này...”, luật sư Tuấn chia sẻ thêm.

    Theo thỏa thuận hợp đồng với thầu phụ mà Cty Ssangyong giao cho một trong những nhóm thầu phụ tại Việt Nam có tổng giá trị là 13.156.364.000 Won giá trị tương đương 253.752.714.600 đồng. Những gói thầu này đã được phía thầu phụ thi công hoàn thành thì phía Cty Ssangyong đã “gài” vào những khoản chi phí để “ép” nhà thầu phụ thanh toán. Điều đáng nói là những khoản chi phí “trên trời rơi xuống” này do Cty Ssangyong kê khai hoàn toàn không nằm trong các hạng mục thỏa thuận trước đó.

    Với những khoản phí bất thường và được xác nhận bởi chủ đầu tư cho thấy, Cty Ssangyong không những đã vi phạm thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên, vi phạm luật đầu tư của Nhà nước Việt Nam mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

    PV báo ĐS&PL cũng đã liên lạc với bộ Xây dựng để làm rõ những nghi vấn được đặt ra. Bộ Xây dựng cũng xác nhận là đã nắm được thông tin ban đầu. Hiện, Bộ đã phân công các đơn vị chuyên trách để tìm hiểu, làm rõ vụ việc.

    Cần làm rõ một số khoản “chung chi”

    Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng viện Quy hoạch và quản lý GTVT cho biết, thông thường, các công trình giao thông đều có những khoản như chi phí dành cho kiểm định chất lượng công trình. Tuy nhiên, đã có chi phí dành cho kiểm định chất lượng rồi thì sẽ không có cái gọi là “chi phí thêm cho kiểm định chất lượng”. Vì vậy, việc tổng thầu Hàn Quốc buộc nhà thầu phụ phải chi trả cùng lúc 2 lần phí kiểm định như kể trên cần phải làm rõ. Bên cạnh đó, những khoản phí như tiếp khách không nằm trong dự toán của dự án thì không thể buộc các nhà thầu phụ cùng chung chi, nhất là khi các nhà thầu phụ đã hoàn tất hợp đồng, bàn giao công trình được hơn 1 năm. Ông Thụ cũng khẳng định, bất cứ khoản chi phí nào không nằm trong hợp đồng ban đầu thì không thể bắt ép các nhà thầu phụ phải chi trả. Bởi, họ không có nghĩa vụ phải chi trả những khoản không nằm trong nghĩa vụ của mình.

    ĐỨC MỸ

    [mecloud]xVf65J4wVh[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-chi-phi-nhay-cam-cua-nha-thau-chinh-du-an-duong-hanh-lang-ven-bien-phia-nam-a167599.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.