Mua bán chứng chỉ như mua "mớ rau con cá"
Gần đây, bạn đọc liên tục phản ánh về Tòa soạn về việc nua bán chứng chỉ an toàn lao động "như mua rau" không phải qua đào tạo tại Công ty CP kiểm định huấn luyện và đào tạo nhân lực ITC có trụ sở chính tại 156 Đường Số 4, Phường 16, Quận Gò Vấp, TP. HCM. Việc mua bán chứng chỉ tại cơ sở trên được quảng cáo, giao dịch công khai trên mạng xã hội.
Để làm rõ hơn những thông tin trên, PV báo Đời Sống & Pháp Luật trong vai khách hàng cần chứng chỉ sơ cấp nghề, thẻ an toàn lao động để xin viêc, đã liên hệ được một nhân viên của Công ty CP kiểm định huấn luyện và đào tạo nhân lực ITC (viết tắt là ITC) qua trao đổi, nhân viên này cho biết: “chứng chỉ sơ cấp nghề bên em có giá 800.000 đồng, thẻ an toàn lao động là 80.000 đồng, anh làm số lượng nhiều sẻ được giảm thêm, chỉ cần gửi ảnh chứng minh thư và ảnh thẻ, sau 3 -4 ngày là anh nhận được ạ”.
Chứng chỉ đào tạo được cấp không qua đào tạo
Khách hàng không cần đặt cọc hay bị ràng buộc bất cứ vấn đề gì, khi nào nhận được chứng chỉ, thẻ an toàn thấy ưng ý thậm chí test thấy chuẩn thì mới thanh toán. Điều bất ngờ hơn nữa, chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ từ khi gửi ảnh chứng minh thư và ảnh thẻ, PV đã được giao tận nơi chứng chỉ sơ cấp nghề và thẻ an toàn lao động do Công ty CP kiểm định huấn luyện và đào tạo nhân lực ITC cấp mà P. Giám Đốc là bà Nguyễn Thị Ngàn ký, đóng dấu.
Giải mã nghi ngờ về sự nhanh chóng và thật giả của chứng chỉ và thẻ an toan trên, PV có liên hệ với số điện thoại được ghi là giám đốc công ty ITC: 0905 808 978 trên trang web: http://huanluyenitc.edu.vn/ . Qua trao đổi trên điện thoại và có gửi hình ảnh qua zalo theo điện thoại này, giám đốc ITC khẳng định chứng chỉ, thẻ an toàn lao động này là đúng do bên công ty mình cấp. PV hỏi thêm về việc không thấy có cập nhật lên hệ thống tra cứu chứng chỉ trên web của công ty thì vị này cho biết: “cái đó tôi chỉ cần enter một cái là được nhưng do bạn không làm trực tiếp với công ty mà qua một bạn bên ngoài nên thường chúng tôi sẽ không cập nhật, nhưng bạn yên tâm không ai để ý chuyện có cập nhật hay không đâu, chúng tôi làm nhiều rồi, bạn chỉ cần cầm lên là người ta nhận thôi”.
Mua bán chứng chỉ là hành vi gian dối vi phạm pháp luật
Hàng năm, trên địa bàn cả nước xảy ra gần 9000 vụ tai nạn lao động. Những con số khủng khiếp này đã cảnh tỉnh nhà nước nói chung và bộ lao động, thương binh và xã hội nói riêng cần có những biện pháp khắc phục tình trạng trên, giảm thiểu tối đa các tình huống xấu và tăng mức an toàn cho người lao động ở mỗi tính chất công việc khác nhau.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm ấy không thể không nhắc đến việc đào tạo huấn luyện lao động bị buông lỏng, xem thường tính mạng, xem thường pháp luật của các trung tâm, công ty hay trường nghề trong việc cấp chứng chỉ nghề, thẻ an toàn lao động,…không qua đào tạo, huấn luyện.
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Việt Nam đều phải có chứng chỉ an toàn lao động kể cả doanh nghiệp nước ngoài lẫn doanh nghiệp trong nước. Việc sử dụng các chứng chỉ an toàn lao động không qua đào tạo là hành vi gian dối, vi phạm pháp luật. Theo đó, cả người mua và người bán loại chứng chỉ này đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Thẻ bảo an toàn lao động được cấp không qua đào tạo
Theo quy định Luật Giáo dục thì chứng chỉ cđược cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp. Như vậy, với tất cả các trường hợp không qua học tập, đào tạo, thi cử mà có chứng chỉ thì chứng chỉ đó được xác định là chứng chỉ giả.
Đối với trường hợp những người làm ra, mua, bán bằng cấp, chứng chỉ giả… thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định theo Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau: "Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm..."
Với điều luật này cần phải hiểu rằng, không chỉ người làm giả bằng cấp, chứng chỉ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà ngay cả với người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả cũng bị xử lý hình sự.
Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng về vụ việc này.
Nhóm PV/Sức Khỏe 365