Báo Tuổi Trẻ đưa tin, chiều 3/2, tại Quảng trường 24/3 (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), nhiều công nhân đang hối hả trang trí quảng trường để chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đáng chú ý, cặp linh vật rồng vàng đang được hoàn chỉnh khiến dân mạng xuýt xoa, khen ngợi.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ công ích đô thị Tam Kỳ (đơn vị được giao nhiệm vụ trang trí Quảng trường 24/3) chia sẻ, cặp linh vật rồng vàng năm nay được công ty thuê một đơn vị ở TP.Đà Nẵng thực hiện, với thời gian làm gần 1 tháng. Cặp linh vật có chiều cao 4m, dài 11m, với màu vàng chủ đạo, bụng màu trắng, chất liệu chính bằng xốp.
Điểm nổi bật của cặp linh vật rồng này là phần đầu toát lên vẻ uy quyền, dũng mãnh, phần thân được tỉa những bộ vảy lớn, phần vây, đuôi được thể hiện khá bắt mắt. Tuy cặp linh vật rồng vẫn chưa hoàn thành nhưng những hình ảnh ban đầu được đưa lên các trang fanpage đã nhận "mưa" lời khen từ cộng đồng mạng.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Dịch vụ công ích đô thị Tam Kỳ, ngoài cặp linh vật rồng vàng, trong hai ngày nữa công ty sẽ hoàn thành việc trang trí hoa Tết ở quảng trường phục vụ nhu cầu tham quan, check-in của người dân thành phố trong những ngày Tết.
Trước đó, cộng đồng mạng cũng dành lời khen cho một loạt linh vật rồng ở một số địa phương khác. Theo VTC News, cụm linh vật với chủ đề "Tự hào cha rồng mẹ tiên" ở TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) được trình làng vào chiều 31/1.
Linh vật rồng chính với những chi tiết mang sắc thái của trang phục Âu Lạc) nhận được rất nhiều lời khen. Tác phẩm này dài hơn 18m, cao hơn 7m, màu sắc chủ đạo là vàng đồng, đầu quay về hướng Tây với ý nghĩa "cha Rồng trông non".
Hai rồng phụ có phần đầu dài 16m, quay về hướng Đông tượng trưng "mẹ Tiên trông biển". Được biết, đây là công trình nghệ thuật sắp đặt có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Bình Định.
Ngày 1/2, linh vật rồng "toạ sơn hướng hải" Phú Yên nhập cuộc ‘tỉ thí’ rồng xuân cả nước. Rồng Phú Yên có vảy vàng, cầm ngọc đỏ, mình cao lớn, đầu quay về hướng Đông - nơi có lộc đầy, thế nước sẽ sinh ra của cải, mang tài lộc đồi dào.
Tại tỉnh Quảng Trị, linh vật rồng của nghệ nhân Đinh Văn Tâm được lắp đặt tại Công viên trung tâm thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) vào 28/1, sau hơn 3 tháng thực hiện. Linh vật rồng Quảng Trị cao khoảng 4,5m với thân uốn lượn dài 7m, tổng trọng lượng khoảng 500kg. Dưới chân của tượng rồng có một quả cầu màu vàng, tượng trưng cho tài lộc mà rồng đưa đến cho người dân.
Nghệ nhân Đinh Văn Tâm chia sẻ, tượng linh vật rồng được đặt chế tác theo ý tưởng rồng đáp xuống ngọn núi đá. Trước đó, nghệ nhân này đã chế tác hai tượng linh vật rồng tại chùa Vân An (TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) với màu vàng rực rỡ, xung quanh là những đám mây màu trắng và xanh nhạt, tạo nên ấn tượng sáng chói.
Ngày 31/1, linh vật rồng được tạo hình bằng những chiếc lu và gốm ở phường Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cũng được hoàn thành để chào đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Những chiếc lu và mảnh gốm tạo nên rồng Bình Dương có xuất xứ từ Đại Hưng - một lò gốm hàng trăm năm tuổi ở Bình Dương), được các nghệ nhân ở đây sáng tạo và lắp ghép.
XEM THÊM: Cẩn trọng tai nạn pháo nổ gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán 2024 do trẻ tự chế pháo tại nhà
Linh vật rồng ở Phú Thọ năm 2024 được dân mạng đua nhau chia sẻ ngay từ ngày đầu ra mắt, với nhận xét là rất đẹp, trái ngược hoàn toàn với linh vật hổ gầy nhom, tiều tụy của địa phương này 2 năm trước.
VTC News đưa tin, tượng rồng này có màu vàng sáng bắt mắt, thể hiện sự uy nghiêm, mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được những nét mềm mại. Con rồng này được tạo hình từ xốp mút, chiều cao 3m, chiều dài 4,5m.
Tại TP.HCM, hai linh vật rồng lớn với tên gọi "Lưỡng Long triều liên" (đôi rồng chầu sen) nằm ngay cổng vào của đường hoa Nguyễn Huệ. Miệng rồng ngậm ngọc đường kính 50cm, bên trong có đèn thắp sáng. Thân hai chú rồng cuộn lại, đan chéo vào nhau tạo mái trần trang trí đẹp mắt và thông thoáng.
Đinh Kim(T/h)