Báo điện tử Vietnam Plus đưa tin, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh gần đây đã tiếp nhận một bé trai 14 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương, trong tình trạng bị đứt lìa một ngón tay ở bàn tay trái, cả hai bàn tay có vết thương nham nhở, lở loét, lấm tấm nhiều vết đen.
Sau khi khai thác bệnh sử, bé trai thừa nhận bị thương do tự chế pháo gây nổ. Các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật khâu lại mỏm cụt, mổ cắt lọc vết thương, lấy hết dị vật và điều trị kháng sinh. Sau 7 ngày, bệnh nhi được xuất viện nhưng vì mất một ngón tay nên bệnh nhi sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm sau này.
Trước đó, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cũng tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bé trai 12 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk, bị thương do tai nạn pháo nổ. Trường hợp này bệnh nhi bị cụt hết các ngón của bàn tay phải, chỉ còn lòng bàn tay.
Bác sỹ Trịnh Minh Giám, Khoa Chỉnh hình nhi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, cho biết thời gian gần đây, tần suất trẻ em bị tổn thương phải nhập viện do tự chế pháo tăng lên. Chỉ trong hơn một tháng qua, đơn vị này tiếp nhận 4-5 trường hợp trẻ em tai nạn do pháo nổ.
"Điều này thật đáng lo ngại, đặc biệt trong giai đoạn gần Tết Nguyên đán, học sinh không phải đến trường thì nguy cơ trẻ tò mò, tự chế pháo nổ và gây tai nạn càng cao," bác sỹ Trịnh Minh Giám chia sẻ.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, giữa tháng 1/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận hai bệnh nhi 14 tuổi và 15 tuổi, cùng ngụ tỉnh Lâm Đồng, bị đa chấn thương do tự chế pháo. Hai em sử dụng máy xay sinh tố bằng thủy tinh để trộn thuốc, tự chế pháo tại nhà. Ngay khi vừa bật máy xay, hỗn hợp thuốc phát nổ khiến các mảnh vỡ thủy tinh máy xay ghim sâu vào người hai bé, đặc biệt là từ vùng chậu trở lên.
Bệnh viện tỉnh ghi nhận hai bệnh nhi mê man, da niêm nhạt màu, nhiều vết thương phức tạp, thấu bụng, thấu khí quản, thủng ruột, rách gan, nhiều vết thương ở ngực… Do tiên lượng nặng nên BV đã tiến hành đặt nội khí quản và cho chuyển cấp cứu xuống Bệnh viện Nhi đồng 2.
Hiện cả hai trẻ đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên có khả năng sắp tới hai bệnh nhi sẽ phải thực hiện thêm các cuộc phẫu thuật khác để lấy hết các mảnh vỡ còn lại. Thời gian sau, bệnh nhi có khả năng chịu nhiều di chứng, ảnh hưởng thị lực, khả năng nhiễm trùng nặng cao.
BS.CK2 Phạm Thái Sơn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cảnh báo thời điểm cận tết, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều trò nguy hiểm. Vậy nên phụ huynh và nhà trường cần tăng cường giáo dục, giám sát các em. Để bảo đảm an toàn, cần dặn dò trẻ không nên thực hiện theo các clip hướng dẫn trên mạng xã hội, đặc biệt là tự chế pháo.
Phương Uyên(T/h)