+Aa-
    Zalo

    Liệu Syria có thể tự tái thiết và duy trì hòa bình sau cuộc chiến tàn khốc?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau 8 năm chìm trong xung đột, chiến sự Syria sắp kết thúc và đất nước cũng phải bắt đầu đối diện với thử thách tái thiết cũng như duy trì nền hoà bình cho tương lai.

    Sau 8 năm chìm trong xung đột, chiến sự Syria sắp kết thúc và đất nước cũng phải bắt đầu đối diện với thử thách tái thiết cũng như duy trì nền hoà bình cho tương lai.

    Syria chuẩn bị tái thiết đất nước sau chiến tranh. Ảnh minh hoạ: GLP

    Những người Syria rời khỏi đất nước đang quay trở lại cố hương. Mặc dù vẫn còn sớm để nói rằng cuộc xung đột ở Syria cuối cùng đã kết thúc vì tỉnh Idlib phía Bắc đất nước vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn nhưng rõ ràng, quỹ đạo các sự kiện đang chỉ theo hướng tái thiết và những thách thức liên quan đến việc xây dựng lại đất nước, ngăn chặn chiến tranh trong tương lai.

    Để làm như vậy, hòa giải và cải cách phải được đề cao trong chương trình nghị sự của chính phủ và lãnh đạo Syria. Những cải cách đó phải tính đến thực tế là vào năm 2011, khi các cuộc biểu tình đầu tiên ở Syria nổ ra, một bộ phận đáng kể người dân Syria đã có những bất bình chính đáng với chính phủ, phần lớn là về mặt kinh tế xã hội. Đây cũng là sự bất bình của hàng triệu người trong khu vực trong cùng thời kỳ, chịu trách nhiệm thúc đẩy cái gọi là Mùa Xuân Ả Rập.

    Mùa Xuân Ả Rập là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Ả Rập: Tunisia, Algérie, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Ả Rập Saudi, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc. Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác.

    Mùa Xuân Ả Rập lan sang Syria vào tháng 3/2011. Trước khi đưa ra các cải cách mới về thị trường tự do, hàng triệu người Syria, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn, đã phụ thuộc vào các khoản trợ cấp của nhà nước cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu. Những trợ cấp đó là một di sản của đất nước bản sắc xã hội chủ nghĩa Ả Rập, gắn liền với hệ tư tưởng của Đảng Baath - vốn vay mượn rất nhiều từ mô hình phát triển kinh tế của Liên Xô.

    Sự sụp đổ của Liên Xô đánh dấu sự kết thúc của một đối trọng kinh tế, tư tưởng và quân sự quý giá đối với các ý tưởng và ý định bá quyền của phương Tây, khiến nhiều quốc gia, trong đó có Syria dễ bị ảnh hưởng và buộc phải thay đổi. Libya, Syria, thậm chí Cuba ở một mức độ nào đó, giờ đây đã ít nhiều phải chấp nhận tương thích với hiện đại hóa và phát triển.

    Kinh tế, xã hội Syria khủng hoảng từ trước xung đột, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng trong chiến tranh. Ảnh: Getty

    Tổng hợp tác động sâu rộng của các cải cách mới ở Syria là hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến đất nước từ năm 2006 đến 2010. Một lần nữa, ở các vùng nông thôn nơi mùa màng bị tàn phá thì hậu quả lại càng nghiêm trọng. Việc cắt giảm trợ cấp của nhà nước cũng gây ra tình trạng đói kém.

    Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau này cũng thừa nhận, trong quá trình đối phó với phong trào biểu tình năm 2011, các thành phần của lực lượng an ninh quốc gia đã phạm sai lầm, sử dụng vũ lực quá mức. Mặc dù có một lập luận được đưa ra rằng với sự biến động đang diễn ra trên toàn khu vực vào thời điểm đó, và đặc biệt là với sự can thiệp của NATO ở Libya, việc sử dụng vũ lực quá mức được triển khai chống lại người biểu tình ở Syria có thể là điều dễ hiểu nhưng rõ ràng đó cũng là hành động được ví như “giọt nước tràn ly”.

    Từ phong trào biểu tình lấy cảm hứng từ Mùa Xuân Ả Rập đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc xung đột tàn khốc nhấn chìm xã hội Syria, biến nó thành một cuộc đấu tranh cho sự sống còn thực sự của đất nước. Sự can thiệp của quân đội nước ngoài cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực nhưng một điểm đáng chú ý là nhiều người tham gia vào phong trào phản kháng đầu năm 2011 và cuộc nổi loạn vũ trang sau đó cuối cùng lại đổi phe phái và đứng về phía chính phủ.

    Đến nay, với số lượng lớn những người tị nạn trở lại và khả năng kết thúc cuộc chiến trong tương lai gần, chính phủ Syria sắp phải đối mặt với thách thức tái thiết. Không chỉ khôi phục cơ sở hạ tầng, sự phục hồi của toàn xã hội Syria còn là nhiệm vụ khó khăn và quan trọng hơn. Hồi sinh sau đống tro tàn là ước mơ của người Syria và những người yêu chuộng hoà bình trên khắp thế giới. Một Syria cũ có thể sẽ được thay thế bằng đất nước Syria mới, mạnh mẽ, phát triển bền vững hơn. Hướng đến tương lai là con đường cứu rỗi của Syria.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo RT)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lieu-syria-co-the-tu-tai-thiet-va-duy-tri-hoa-binh-sau-cuoc-chien-tan-khoc-a264793.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan