Ngày 7/7, hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân đã được thông qua tại Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Mỹ, Anh, Pháp và nhiều cường quốc hạt nhân khác không tham gia đàm phán về hiệp ước này.
Thông tin trên báo VOV, Liên Hợp Quốc vừa thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu. Đây được xem là một sự kiện “lịch sử”, hướng tới cấm hoàn toàn việc phát triển, lưu trữ hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi được tối thiểu 50 quốc gia ký phê chuẩn từ nay cho tới ngày 20/9.
Hình ảnh một vụ nổ bom nhiệt hạch. (Ảnh: AP) |
Trong phiên họp của Liên Hợp Quốc diễn ra hôm qua (7/7) với sự tham gia của đại diện 124 quốc gia thành viên, Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân chính thức được thông qua với 122 nước bỏ phiếu ủng hộ, 1 phiếu trắng và 1 phiếu phản đối.
Báo Thanh Niên dẫn tin từ AP cho biết, Bà Elayne Whyte Gomez, chủ tịch hội nghị của Liên Hiệp Quốc đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh thế giới đã chờ đợi hiệp ước này suốt 70 năm qua, kể từ khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật hồi tháng 8/1945 trong Thế chiến 2.
“Hiệp ước đã nắm bắt được mong muốn của đại đa số đại biểu tham gia hội nghị. Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi nó thể hiện sự nhiệt tình, hiểu biết và là kinh nghiệm chung của xã hội, từng gây áp lực lên cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ để tiến tới việc cấm vũ khí hạt nhân”, bà Elayne phát biểu.
Bà Elayne Whyte Gomez, chủ tịch hội nghị của Liên Hiệp Quốc đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt, cho hay hiệp ước sẽ có hiệu lực khi có ít nhất 50 quốc gia phê chuẩn. (Ảnh: Un.org) |
Hiệp ước bao gồm đầy đủ các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân, cấm bất kỳ quốc gia nào phát triển, thử nghiệm, sản xuất, mua bán, sở hữu hoặc dự trữ vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, không có quốc gia nào trong 9 nước được biết đến hoặc được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, là Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Israel, ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.
Anh, Mỹ và Pháp ngày 7/7 còn ra tuyên bố chung nhấn mạnh 3 nước sẽ không tham gia đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và cũng không có ý định ký, phê chuẩn hay trở thành thành viên của hiệp ước.
Tổng hợp