Tướng Khaled al-Mahjoub, chỉ huy bộ phận liên lạc miền Đông Libya, cho biết các thùng chứa uranium bị thất lạc đã được thu hồi cách khu vực cất giữ chỉ 5km. Thông báo này được đưa ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) báo cáo về việc 2,5 tấn uranium đựng trong 10 thùng phuy ở Libya biến mất hôm 16/3 (giờ địa phương).
Cụ thể, Tổng giám đốc IAEA, Rafael Grossi, hôm 16/3 cho biết các thanh sát viên của cơ quan phát hiện việc 10 thùng phuy chứa khoảng 2,5 tấn tinh quặng uranium đã biến mất và không được cất giữ ở Libya như báo cáo.
Uranium tự nhiên không thể được sử dụng ngay lập tức để sản xuất năng lượng hoặc nhiên liệu chế tạo bom, vì quá trình làm giàu đòi hỏi kim loại này được chuyển đổi thành khí, sau đó được quay trong máy ly tâm để đạt đến mức cần thiết.
Tuy nhiên, mỗi tấn uranium tự nhiên, nếu thu được bởi một nhóm có phương tiện công nghệ và nguồn lực, có thể được tinh chế thành 5,6kg vật liệu cấp vũ khí theo thời gian.
Theo một tuyên bố từ ông Grossi, phát hiện về sự biến mất của 2,5 tấn uranium là kết quả của một cuộc kiểm tra được lên kế hoạch vào năm ngoái. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra khi ấy "đã phải hoãn lại vì tình hình an ninh trong khu vực" và được thực hiện vào ngày 14/3. Ông cảnh báo việc khối lượng lớn uranium biến mất như vậy có thể gây rủi ro phóng xạ và gây lo ngại về an ninh hạt nhân.
Năm 2003, Libya, dưới thời nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Muammar Gaddafi, đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, khi họ đã có được máy ly tâm có thể làm giàu uranium cũng như thông tin thiết kế bom hạt nhân.
Đất nước châu Phi này đã sa lầy trong một cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi ông Gaddafi sụp đổ vào năm 2011. Đến nay, Libya vẫn bị chia rẽ giữa một chính phủ lâm thời trên danh nghĩa ở thủ đô Tripoli, ở phía Tây và một chính phủ khác ở phía Đông được hậu thuẫn bởi nhà quân sự Khalifa Haftar.
Minh Hạnh(Theo Guardian)