+Aa-
    Zalo

    Lệnh cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ bị phớt lờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong khi Bộ Y tế đề xuất cấm tất cả những quảng cáo liên quan tới các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng thì chính đơn vị này lại cấp phép cho các công ty sữa ghi nhãn mác là thức ăn bổ sung!

    (ĐSPL) - Trong khi Bộ Y tế đề xuất cấm tất cả những quảng cáo liên quan tới các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng thì chính đơn vị này lại cấp phép cho các công ty sữa ghi nhãn mác là thức ăn bổ sung!

    Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao có thực trạng luật cấm nhưng các nhà cung cấp sản phẩm vẫn "lập lờ đánh lận con đen"? Có chuyện, cơ quan quản lý "vừa đá bóng vừa thổi còi" khiến người tiêu dùng lạc vào ma trận?

    Lập lờ khái niệm thức ăn thay thế sữa mẹ

    Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, thực tế hiện nay, người dân gần như rơi vào ma trận quảng cáo của những sản phẩm sữa. Việc nhập nhèm trong việc ghi nhãn sản phẩm đang khiến cho người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bổ sung, đâu là sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ và đánh đồng tất cả những sản phẩm mang tên sữa đều có khả năng thay thế sữa mẹ. Nhiều người còn bỏ qua những khuyến cáo về việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà cho trẻ ăn sữa ngay khi mới chào đời.

    Ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như: BigC, Hapro... cho thấy, gần như tất cả các sản phẩm sữa được bày bán đều không khai cụ thể sản phẩm của mình là gì.

    Tại siêu thị BigC Thăng Long, trong một dãy hàng bày bán tất cả các loại sản của nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Enfagrow, Friso Gold, Dielac, Similac, Enfamil... thì mỗi một nhãn hàng ghi một kiểu. Chúng tôi đã cố gắng tìm xem trên nhãn hàng nào có ghi chú là sản phẩm sữa thay thế (còn được gọi là sữa bột công thức-PV) nhưng tìm "mỏi mắt" cũng không thấy đâu.

    Đặc trưng của tất cả những loại sữa được bày bán hiện nay là sự quảng cáo quá mức công dụng của loại sữa đó. Tất cả những thông tin quan trọng được in trên bao bì đều đề cập về tác dụng của sữa đối với sự phát triển chức năng cho trẻ.

    Sữa Enfagrow thì quảng cáo tác dụng hỗ trợ phát triển trí tuệ và hệ tiêu hóa. Sữa Enfamil A+ thì quảng cáo là đặc chế hỗ trợ phát triển trí não, ngoài ra là những lời ca ngợi sản phẩm của những chuyên gia ở cạnh dưới vỏ hộp.

    Trong khi đó, sản phẩm sữa Similac Gain thì chỉ ghi đơn giản là sữa bột - giai đoạn chuyển tiếp và cùng với đó là những dòng tiếng Anh loằng ngoằng không mấy ai hiểu. Sản phẩm sữa Dialac Alpha thì ghi chung chung đó là sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ 1-3 tuổi.

    Thêm vào đó là dòng chữ công thức bổ sung vi chất. Sản phẩm sữa Frisolac ghi sản phẩm của mình là sữa bột dành cho trẻ em, cùng với đó là tác dụng miễn dịch, bảo vệ sức khỏe.

    Tất cả những sản phẩm mà PV khảo sát ở trên đều có một đặc điểm chung là ghi nhãn hiệu sữa cho trẻ. Tuy nhiên, như đã đề cập thì để phân biệt sản phẩm nào là sữa thay thế sữa mẹ (hay còn gọi là sữa bột công thức) hay thực phẩm bổ sung gần như là điều không thể.

    Người tiêu dùng đang bị hàng loạt những thông tin bên lề làm phân tán và dần hình thành một ý thức rằng, tất cả những sản phẩm gắn mác sữa đều có thể thay thế sữa mẹ.

    Trước thực trạng trên, vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc đề nghị giải thích khái niệm "sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi" mà Luật Quảng cáo đã quy định cấm quảng cáo.

    Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, Luật Quảng cáo năm 2012 có khoản 4, Điều 7 quy định "nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi".

    Quy định này nhằm mục đích khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đến dưới 24 tháng tuổi và để các bà mẹ không bị ảnh hưởng bởi thông tin quảng cáo về các sản phẩm dinh dưỡng công thức này.

    Tuy nhiên, điều luật này "vênh" so với Nghị định có từ năm 2006 của Chính phủ, chỉ "cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi". Quá trình xây dựng Nghị định thay thế thì có điểm vướng mắc về khái niệm "sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ".

    Do vậy, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản giải thích nội dung khoản 4, Điều 7 Luật Quảng cáo về nội dung "sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi".

    Lệnh cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ  bị phớt lờ:

    Nhiều doanh nghiệp lập lờ "sản phẩm thay thế sữa mẹ" bán ra thị trường.

    Cấm nhưng vẫn... cấp phép(!?)

    Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện có hai loại ý kiến diễn giải về khái niệm "sản phẩm thay thế sữa mẹ".

    Chính phủ đề xuất quy định rõ sản phẩm thay thế sữa mẹ bao gồm hai dòng: Sản phẩm dinh dưỡng công thức (dạng lỏng hoặc bột) được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi -Infant formula và sản phẩm để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi - Follow up formula.

    Loại ý kiến thứ hai do Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam đề xuất cũng đưa ra hai dòng sản phẩm là Infant formula và các sản phẩm dinh dưỡng khác mà có thành phần sữa dùng cho trẻ đến 24 tháng tuổi được công bố hoặc ghi nhãn là sản phẩm dùng để thay thế một phần hoặc hoàn toàn sữa mẹ.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng dẫn khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, sản phẩm dinh dưỡng công thức follow-up formula không được xác định là thức ăn bổ sung (thức ăn dặm).

    Tuy nhiên, sản phẩm này lại được Bộ Y tế cấp phép cho các công ty sữa ghi nhãn mác là thức ăn bổ sung! Sản phẩm này hiện nay đang được quảng cáo tràn lan kèm theo hình ảnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến cho các bà mẹ dễ nhầm lẫn lựa chọn thay vì cho con bú sữa mẹ sau 6 tháng đầu đời và lâu hơn, trong khi thành phần và công thức của nó không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng để có thể thay thế sữa mẹ.

    Các chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc lo ngại rằng, sẽ có nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu để sản phẩm này được phép quảng cáo.

    Ông Đào Trọng Thi cũng cho rằng: "Quy định trong luật đã rõ ràng. Tôi đồng tình với việc cấm quảng cáo cả sản phẩm infant formula và follow-up formula".

    Tuy nhiên, theo ông Thi, chỉ liệt kê hai loại sản phẩm dinh dưỡng cụ thể này vẫn chưa đủ. Trong tương lai những loại sản phẩm dinh dưỡng công thức mới cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có thể được các công ty sữa đưa ra thị trường sẽ không nằm trong đối tượng bị Luật Quảng cáo điều chỉnh.

    Do vậy, Thường trực ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất cách giải thích phù hợp, tránh việc phải tiếp tục bổ sung văn bản giải thích pháp luật khi có những sản phẩm mới phát sinh.

    Chưa nhận được... chỉ đạo

    Để làm rõ việc vì sao Bộ Y tế vừa đề xuất cấm nhưng lại cũng là đơn vị cấp phép cho các công ty sữa ghi nhãn mác là thức ăn bổ sung, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm thì vị này nói rằng, gửi câu hỏi qua email để giao anh em trả lời.

    Sau đó, PV tiếp tục liên hệ ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm nhưng ông Cục trưởng lại giới thiệu Phó Cục trưởng Lê Văn Giang sẽ đại diện trả lời. Khi PV liên lạc, vị Phó Cục trưởng này trả lời rằng… chưa nhận được chỉ đạo!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lenh-cam-quang-cao-cac-san-pham-sua-thay-the-sua-me-bi-phot-lo-a43861.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Áp trần giá sữa bột: Vì sao giá không giảm mà còn tăng?

    Áp trần giá sữa bột: Vì sao giá không giảm mà còn tăng?

    (ĐSPL) - Nhiều chủ đại lý sữa giải thích sở dĩ có sự thay đổi về bảng giá hoặc mẫu mã sữa là do chủ doanh nghiệp muốn lách luật. Họ liên tục thay nhãn mác các loại sữa bột, thậm chí thay đổi trọng lượng hộp sữa của loại sữa bị áp giá trần.